1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nhập khẩu theo luật mới: Hỏi nhiều, nộp hồ sơ ít

(Dân trí) - Ngày thứ hai Luật Cư trú mới có hiệu lực, số lượng người dân thuộc diện được đi theo “cánh cửa mới” tìm đến các điểm tiếp nhận hồ sơ không nhiều. Trong số này, đa phần đến để hỏi về những giấy tờ cần có và thực tế sau khi được tư vấn, nhiều người dân vẫn chưa “thông”…

Ngại đọc, “ưa” giải thích

 

Ngay từ 8 giờ sáng tại Đội quản lý hành chính về trật tự xã hội quận Long Biên (Hà Nội) đã có khá đông người dân đến làm thủ tục đăng ký hộ khẩu. Theo quan sát của chúng tôi, mặc dù các biểu mẫu mã về thủ tục làm hộ khẩu được dán công khai trong khu vực tiếp dân nhưng cán bộ tiếp dân tại đây vẫn khá vất vả trong việc đưa người dân tiếp cận với Luật Cư trú mới.

 

Ông Phạm Hải Bình, trú tại phường Bồ Đề, quận Long Biên phải ra về “tay trắng”, cho biết: “Từ cách đây nhiều hôm, cả gia đình đã xôn xao việc nhập hộ khẩu, cũng mong là nhờ đó mà công việc của mấy đứa ở nhà suôn sẻ hơn. Nhưng ra đến nơi mới biết thủ tục của mình còn thiếu chứng nhận tạm trú một năm tại địa phương. Thú thực là từ trước đến giờ thuê nhà, mỗi nơi được vài tháng nên cũng không để tâm đến việc đăng ký tạm trú. Chắc đành phải đợi đến năm sau vậy”.

 

Trung tá Nguyễn Văn Bằng, đội phó Đội quản lý hành chính về trật tự xã hội quận Long Biên cho rằng, những trường hợp như nhà ông Bình không phải là cá biệt. “Theo tôi, những người dân hồ hởi nhất với Luật Cư trú mới là những người đi thuê nhà. Còn những người đã có nhà ở ổn định lại tỏ ra khá bình thản.… Tôi cho rằng những trường hợp đi thuê nhà giải quyết được rất ít, vì nhiều người ở không chịu khai báo nên đến giờ khi muốn đi làm không có gì chứng minh được thời gian tạm trú tại địa phương từ một năm trở lên”.

 

Phòng quản lí hành chính về trật tự xã hội quận Cầu Giấy sáng nay đã không rơi vào tình trạng quá tải. Phần lớn những người đến giải quyết các thủ tục về hộ khẩu vẫn là các trường hợp không thuộc diện được “nới” theo Luật Cư trú mới. Cụ thể, đó là vợ nhập khẩu theo chồng, chồng theo vợ hoặc chuyển từ quận này sang quận khác…

 

Chỉ có một số lượng rất ít những người có thể được nhập khẩu vào Hà Nội theo luật mới tìm đến phòng quản lí hành chính. Những người này phần lớn chưa chuẩn bị đủ hồ sơ, chủ yếu đến tìm hiểu thông tin. Điều đáng nói là mặc dù các điều kiện thủ tục hồ sơ được dán đầy đủ, nhưng người dân có tâm lí thích được tư vấn trực tiếp từ những nhân viên.

 

Về vấn đề số lượng người đến làm thủ tục ít, ông Vũ Anh Dũng, đội trưởng Đội quản lí hành chính quận Cầu Giấy cho rằng, không phải do những vướng mắc ở phường. Theo ông Dũng, nguyên nhân là do những thủ tục liên quan đến cấp phường người dân vẫn đang đi hỏi. Chẳng hạn chỗ ở thuê thì phải có xác nhận của Uỷ ban phường hay cơ quan nào và nếu không xác nhận thì sao…

 

Ông Dũng cho biết, quận Cầu Giấy có khoảng trên 5.000 người tạm trú, trong đó có khoảng 11,5 ngàn nhân khẩu KT3, KT4, người lao động trong doanh nghiệp đủ điều kiện nhập khẩu theo qui định mới. Trong ngày đầu tiên và buổi sáng nay, các trường hợp đến hỏi chủ yếu là các trường hợp mua bán nhà, tạm trú 1 năm trở lên.

 

Bối rối trước các điều khoản

 

Anh Trương Văn Được, phường Nghĩa Tân cho biết, anh đã ở Hà Nội 7 năm nay. Anh cũng đã có nhà riêng, mua bán thông qua hình thức viết tay. Anh không biết cụ thể, mình có thể nhập khẩu theo điều kiện nào, chỉ đoán là theo trường hợp 1 của điều 20 Luật Cư trú.

 

Sau khi được tư vấn, anh không biết mình thuộc trường hợp nào, chỉ biết mình phải bổ sung rất nhiều giấy tờ. Anh dự đoán, để hoàn thiện được hồ sơ như vậy anh phải trải qua không ít chuyến đi lại và chắc chắn phải tốn nhiều nhiều thời gian nữa.

 

Chị Nguyễn Thị Phương Hảo, phường Yên Hòa (Cầu Giấy) đinh ninh rằng, mình được nhập khẩu vào thành phố theo luật mới vì đã tạm trú 1 năm và thuê nhà được chủ nhà xác nhận (trường hợp 1). Tuy nhiên, sau khi trở lại từ bàn tư vấn chị Hảo cho biết, cán bộ tư vấn cho rằng chị phải có hợp đồng lao động dài hạn tại một cơ quan, doanh nghiệp.

 

Chị Hảo không hiểu được tại sao lại như vậy, trong khi chị đọc trong luật không thấy đặt ra đòi hỏi này. Chị cho biết, tình huống này khiến chị phải “chuyển hướng” tiếp cận hộ khẩu thành phố bằng cách nhập khẩu cho chồng trước (vì chồng chị đang làm cho một cơ quan tại Hà Nội), sau đó sẽ nhập theo chồng! 

 

Theo Trung tá Doãn Thị Yến, Đội phó Đội QLHC về TTXH quận Hai Bà Trưng, hầu hết vướng mắc của các đối tượng làm thủ tục nhập khẩu theo các điều kiện được nới của luật mới là thiếu các giấy tờ chứng minh về chỗ ở hợp pháp.

 

“Luật Cư trú và Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Cư trú đã có hướng dẫn rất rõ về các giấy tờ chứng minh chỗ ở hợp pháp. Tuy nhiên, nhiều người khi đến làm thủ tục đăng ký hộ khẩu chỉ xuất trình được giấy tờ mua bán trao tay giữa chủ cũ và chủ mới mà không hề có chứng nhận của địa phương. Các đối tượng này cần phải có thời gian để bổ sung hồ sơ nên chưa thể giải quyết ngay được” - bà Yến nhấn mạnh.

 

Theo quy định tại Nghị định 107 về hướng dẫn thực hiện Luật Cư trú thì các đối tượng này sau khi có xác nhận của chính quyền địa phương “không có tranh chấp về quyền sử dụng đất ở và nhà ở” sẽ được xem xét giả quyết. Do quy định chính quyền cấp phường, xã không đủ thẩm quyền xác nhận các giao dịch về đất đai nên sẽ mất một thời để UBND TP Hà Nội có văn bản mới hướng dẫn cụ thể về việc xác nhận này.

 

TPHCM: Không “nóng” như dự báo

 

Nhập khẩu theo luật mới: Hỏi nhiều, nộp hồ sơ ít - 1

Lo quá tải, công an các quận huyện đều phân cán bộ phụ trách theo từng phường thế này, nhưng thực tế chỉ lác đác vài người dân đến đăng ký thường trú. (Ảnh chụp tại phòng Đăng ký hộ khẩu, Công an quận 9 lúc 15h30 ngày 2/7). 

 

“Buổi sáng thấy đông người đến phòng Đăng ký hộ khẩu thì cũng lo, sợ không giải quyết hết hồ sơ. Nhưng đến tầm trưa thì vãn dần. Khi tổng kết lại thì thấy người thực sự nộp hồ sơ không bao nhiêu, người dân đến hỏi thủ tục là chính”- trung tá Tân Thị Thu Hương, Đội trưởng Đội Cảnh sát Quản lý hành chính - trật tự xã hội quận 9 cho biết. 

 

Các quận ngoại thành có nhiều dân nhập cư, tạm trú nhất thành phố, được dự báo là sẽ có quá tải trong những ngày đầu Luật Cư trú mới có hiệu lực. Thế nhưng, “đó chỉ là báo chí nói vậy thôi”- chú Trung, phụ trách đội giữ xe của Công an quận Thủ Đức nhận xét.  

 

Thiếu tá Nguyễn Thành Hiếu, đội phó đội Cảnh sát Quản lý hành chính - trật tự xã hội quận Thủ Đức cũng đồng tình với ý kiến này. Ông cho biết: “Hôm nay chủ yếu là người dân đến giải quyết các hồ sơ cũ thôi. Còn hồ sơ mới nhận vào cũng không bao nhiêu, chẳng khác gì tuần trước lắm. Vả lại người dân thấy luật mới lạ thì kéo nhau đến hỏi thôi chứ chưa chuẩn bị đăng ký thường trú ngay trong những ngày đầu này”. 

 

Dạo qua các quận Bình Thạnh, quận 2 chúng tôi nhận thấy tình hình cũng không khác gì các quận Thủ Đức, quận 9. Số lượng người đến đăng ký thường trú cũng không tăng đáng kể. Ngay như tại quận 9, nơi được xem như là khá “rộn ràng” hơn ngày thường, nhưng theo thống kê đến 3 giờ chiều ngày 2/7 thì số lượng người đến nộp hồ sơ cũng chỉ là 52 hộ với 155 khẩu. Nhưng trong đó, chỉ có 16 hộ với 17 khẩu được tiếp nhận hồ sơ theo khoản 2 điều 20, Luật Cư trú mới; tức là nhập khẩu theo diện người thân bảo lãnh.  

 

Đó cũng là tình trạng chung của các quận khác trên địa bàn TPHCM. Do đó, “việc giải quyết hồ sơ đúng thời hạn quy định (15 ngày) là hoàn toàn có thể thực hiện được”, trung tá Tân Thị Thu Hương khẳng định. 

 

Giải thích lý do tại sao số hồ sơ nộp thì nhiều, tiếp nhận thì ít, trung tá Hương cho biết: “Chủ yếu là do người dân chưa có giấy chuyển hộ khẩu”. 

 

 

Tùng Nguyên

 

Nhóm phóng viên