1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Làm cả ngày nghỉ để giải quyết hộ khẩu cho dân

(Dân trí) - Để giải quyết tối đa nhu cầu đăng ký thường trú của nhân dân, Công an TPHCM đã chỉ đạo công an các quận, huyện tăng cường cán bộ và làm việc trong cả ngày nghỉ, bắt đầu từ ngày mai, 1/7/2007.

Đó là khẳng định của thượng tá Võ Văn Nhuận - Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an TPHCM, trong buổi giao lưu trực tuyến tại báo Sài Gòn giải phóng về việc Làm thế nào để nhập hộ khẩu vào TPHCM theo qui định của Luật cư trú vào ngày 29/6.

 

Tuy nhiên, thượng tá Nhuận cũng lưu ý bà con không nên đổ xô đi đăng ký vào những ngày đầu tháng 7. Vì với 860.000 người dân TPHCM đủ điều kiện đăng ký thường trú thì lượng người đến đăng ký ngay sau ngày Luật Cư trú có hiệu lực sẽ rất lớn. Lúc đó, lực lượng công an thành phố sẽ khó đáp ứng được việc giải quyết hồ sơ đúng thời hạn quy định (15 ngày), bà con lại phải chịu cảnh chen chúc xếp hàng cả ngày mà có khi không được việc.

 

Thượng tá Võ Văn Nhuận cũng khuyên bà con nên tìm hiểu trước các thủ tục đăng ký thường trú và chuẩn bị hồ sơ đầy đủ để tránh phải mất thời gian đi lại bổ túc hồ sơ.

 

9 điều cần lưu ý khi đăng ký thường trú tại TPHCM

 

1. Điều kiện đăng ký thường trú?

 

Chỉ cần có 1 loại giấy tờ chứng minh nhà ở hợp pháp và tạm trú liên tục từ 1 năm trở lên. Trong 1 năm quy định này, công dân tạm trú tại nhiều chỗ ở khác nhau, song vẫn thuộc phạm vi thành phố vẫn được tính là “tạm trú liên tục 1 năm”.

 

Thời hạn tạm trú được tính từ ngày công dân đến đăng ký tạm trú cho đến thời điểm công dân nộp đủ hồ sơ đăng ký thường trú. Để chứng minh thời gian tạm trú, người dân chỉ cần xuất trình một trong 3 loại giấy tờ: sổ tạm trú; xác nhận của công an xã, phường về thời gian tạm trú; hoặc giấy tạm trú có thời hạn đã được cấp.

 

2. Nơi đăng ký thường trú?

 

Việc tiếp nhận và giải quyết các hồ sơ đăng ký thường trú (cấp sổ hộ khẩu) sẽ được thực hiện trụ sở công an các quận, huyện.

 

3. Hồ sơ cần chuẩn bị gì?

 

Ngoài giấy tờ chứng minh chỗ ở hợp pháp, cần thêm phiếu thay đổi nhân khẩu, bản khai nhân khẩu, giấy chuyển hộ khẩu theo quy định. Chỉ cần xuất trình bản chính và nộp bản photo giấy tờ về “chỗ ở hợp pháp”, không cần công chứng, chứng thực. Ngoài ra cần có thêm giấy tờ chứng minh thời hạn tạm trú tại thành phố tối thiểu là 1 năm.

 

4. Giấy tờ chứng minh chỗ ở hợp pháp là gì?

 

Giấy tờ chứng minh chỗ ở hợp pháp để đăng ký thường trú bao gồm 4 nhóm giấy tờ:

 

- Giấy tờ chứng minh nhà ở hợp pháp thuộc quyền sở hữu của công dân là 1 trong các loại giấy tờ sau: Sổ đỏ, sổ hồng, hoặc các giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất do cơ quan có thẩm quyền cấp trong các thời kỳ trước; Giấy phép xây dựng; Hợp đồng mua nhà hoặc giấy tờ chứng minh việc đã bàn giao nhà của các doanh nghiệp kinh doanh, đầu tư nhà (không cần công chứng, chứng thực); Giấy giao tặng nhà tình nghĩa, cấp nhà ở, đất ở cho hộ gia đình di dân; Giấy mua bán, chuyển nhượng nhà đất có chứng thực... Ngay cả giấy tờ đăng ký sở hữu tàu thuyền, phương tiện khác và địa chỉ bến gốc mà phương tiện sử dụng để ở cũng được xem như là chỗ ở hợp pháp.

 

- Các loại giấy tờ chứng minh việc cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ chỗ ở hợp pháp là một trong các loại giấy cam kết, hợp đồng thuê, mượn, cho ở nhờ của cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có chứng nhận của công chứng hoặc chứng thực của UBND cấp phường, xã.

 

- Giấy xác nhận của cơ quan, tổ chức, cơ sở tôn giáo có chỗ ở hợp pháp.

 

- Giấy tờ của cơ quan, tổ chức về việc được cấp đất, phân nhà.

 

5. Những trường hợp chỗ ở không cho nhập hộ khẩu?

 

Không giải quyết đăng ký thường trú, tạm trú, tách sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đối với một trong các loại chỗ ở sau:

 

- Chỗ ở nằm trong khu vực cấm xây dựng hoặc lấn chiếm.

 

- Chỗ ở đã được giải quyết đền bù, hỗ trợ di dời do Nhà nước thu hồi đất để giải phóng mặt bằng.

 

- Chỗ ở đang có tranh chấp, khiếu nại liên quan đến  quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng nhà ở, đất ở mà cơ quan có thẩm quyền đang giải quyết (trừ trường hợp có quan hệ là ông, bà nội ngoại, cha, mẹ, vợ, chồng, con).

 

- Chỗ ở đang bị kê biên, tịch thu để thi hành án.

 

6. Ở nhà thuê của cá nhân có được đăng ký thường trú?

 

Đối với trường hợp chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ nhà của cá nhân thì phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản. Nếu chủ nhà không đồng ý cho người ở nhờ, thuê nhà, mượn nhà được đăng ký thường trú, thì sẽ không được cơ quan có thẩm quyền giải quyết đăng ký thường trú.

 

Việc đồng ý cho nhập vào hộ khẩu phải ghi rõ vào phiếu báo thay đổi hộ khẩu - nhân khẩu, ký và ghi rõ họ tên, ngày, tháng, năm đồng ý...

 

7. Bị mất sổ hộ khẩu gốc?

 

Nếu do học tập, làm ăn lâu ngày ở thành phố và bị cắt khẩu ở quê, nay không có hộ khẩu gốc thì thủ tục đăng ký thường trú có phức tạp hơn. Đầu tiên, hãy đến công an nơi đang cư trú để được hướng dẫn, giúp đỡ. Sau đó về công an địa phương mình đăng ký thường trú cuối cùng xác nhận trước đây sinh sống thế nào, chuyển đi từ lúc nào… Giấy xác nhận này sẽ thay thế cho giấy chuyển hộ khẩu.

 

8. Nếu công an nơi chuyển đi đòi phải xuất trình giấy đồng ý của công an nơi chuyển đến mới làm thủ tục cắt khẩu thì làm sao?

 

Luật Cư trú nêu rõ: Nghiêm cấm việc yêu cầu công dân phải có giấy đồng ý cho đăng ký thường trú của cơ quan công an nơi chuyển đến mới cấp giấy chuyển hộ khẩu.

 

9. Thời gian giải quyết hồ sơ?


Trong thời hạn tối đa là 15 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền phải cấp sổ hộ khẩu cho người đã nộp hồ sơ đăng ký thường trú. Trường hợp không cấp sổ hộ khẩu phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do cho người đã nộp hồ sơ biết.

 

Tùng Nguyên
(Tổng hợp)