Nhập hộ khẩu theo Luật mới: Không dễ “nhảy” vào thành phố

(Dân trí) - Theo rà soát của Bộ Công an, cả nước có khoảng gần 2 triệu người được xem xét đăng kí thường trú theo tiêu chí, điều kiện mới của Luật Cư trú. Với số lượng lớn như vậy, lãnh đạo Bộ Công an lo ngại về sự quá tải của các cơ cơ quan giải quyết các thủ tục cho người dân sau thời điểm 1/7.

Chiều 26/6, Bộ Công an đã tổ chức cuộc họp báo triển khai luật Cư trú (có hiệu lực 1/7) và Nghị định 107 hướng dẫn một số điều của luật này vừa được Chính phủ kí ban hành ngày 25/6.

 

Khó thực hiện đúng thời gian qui định

 

Theo thống kê, trong gần 2 triệu người được xem xét đăng kí thường trú theo Luật Cư trú, chiếm nhiều nhất vẫn là các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM với số lượng lần lượt là hơn 13 vạn và hơn 86 vạn. Để có thể đáp ứng yêu cầu, theo ông Phạm Văn Đức - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo - Bộ Công an phải rà soát và bố trí lại lực lượng. Những người thạo việc, những người nắm được chuyên môn, có tác phong tốt sẽ được tập huấn để trực tiếp giải quyết công việc.

 

Cũng theo ông Đức, vẫn còn một chút trở ngại do ngành không hoàn toàn chủ động về lực lượng khi còn có cán bộ bán chuyên trách ở cấp xã. Theo qui định, đối với tỉnh thì người dân sẽ nộp hồ sơ tại công an xã, thị trấn thuộc huyện. Dẫu vậy, lực lượng bán chuyên trách lâu nay vẫn làm các thủ tục này nên việc tập huấn những nội dung công việc mới được tính toán là không lâu.

 

1/7 là mốc giới thay đổi những điều kiện đăng kí thường trú và vấn đề ngành công an lo ngại nhất là tâm lí đổ xô đi làm thủ tục vào những ngày đầu. Qua các phương tiện thông tin đại chúng, ngành công an đề nghị người dân không nên nóng ruột, gấp gáp, gây nên sự quá tải của các cơ quan giải quyết.

 

Đối với “đầu vào” của hồ sơ, lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát khẳng định, sẽ cố tiếp nhận đầy đủ, không để người dân phải cầm hồ sơ về. Thậm chí, các phòng tiếp dân, đón nhận hồ sơ sẽ được tăng cường lực lượng làm việc cả ngày nghỉ cuối tuần, ngày lễ.

 

Tuy nhiên, việc giải quyết đúng thời gian theo qui định (được cấp sổ hộ khẩu sau 15 ngày đăng kí) là khó lòng thực hiện được, nhất là tại các thành phố lớn. Lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát cho biết, về lâu dài, việc thực hiện sẽ tuân thủ theo đúng tinh thần đã được đặt ra.

 

Vấn đề trụ sở tiếp dân, đón nhận hồ sơ, nhất là các thành phố lớn cũng được đặt ra do hạn chế về nhà đất. Theo tính toán, có khoảng 1/3 trụ sở tiếp dân có khó khăn. Bên cạnh việc tăng cường thiết bị, phương tiện vấn đề trụ sở cũng được đề cập trong nghị định và tới đây sẽ có một đề án cho riêng vấn đề này.

 

Xung quanh mối lo ngại về việc cán bộ tiếp dân đùn đẩy, làm việc không đến nơi đến chốn, lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát cho biết, một qui trình đã được lãnh đạo Bộ kí ban hành. Nếu việc thực hiện không tuân thủ qui trình, sẽ có những xử lí, chấn chỉnh.

 

Không phải ai cũng “nhảy” vào thành phố được

 

Thông tư hướng dẫn chi tiết cho Nghị định 107 đã được tập thể Lãnh đạo Bộ Công an nhất trí và dự định sẽ được Bộ trưởng kí quyết định ban hành trước 1/7. Bộ cũng đã ban hành  biểu mẫu của 4 nội dung mới về cư trú cùng với việc rà soát rút gọn 19 biểu mẫu cũ thành tổng cộng 15 biểu mẫu chính thức. Các biểu mẫu này đã được in và phát hành ở các địa phương. Bộ cũng vừa có công văn công khai hoá tất cả các thủ tục cư trú bằng nhiều hình thức.

 

Bộ cũng thành lập Thường trực ban chỉ đạo nhằm nắm bắt tình hình, kịp thời ghi nhận những vướng mắc phát sinh, những qui định không bao quát hết tình hình thực tiễn.

 

Về phí và lệ phí liên quan đến các thủ tục về cư trú, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính đưa ra các qui định cụ thể. Dự kiến đến ngày 1/7, Bộ Tài chính sẽ công bố các qui định này.

 

Về mối lo ngại, sau khi luật có hiệu lực có gây nên một sự ồ ạt nhập cư vào các thành phố lớn, gây nên sự quá tải về xã hội, an ninh trật tự, ông Phạm Văn Đức cho rằng, không có được điều kiện sinh sống thì không phải ai cũng “nhảy” vào thành phố được. Tuy nhiên, số lượng người đăng kí nhập khẩu sẽ tăng lên nhiều so với thời gian qua. Sự gia tăng này tạo ra áp lực cho các cơ quan công an, nhưng áp lực lớn hơn là các cấp chính quyền có trách nhiệm phải giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội khi tăng dân cư.

 

Cấn Cường