1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Phó Thủ tướng:

Nhắn tin mấy chữ vẫn được việc, sao phải viết báo cáo mấy chục trang?

(Dân trí) - “Báo cáo viết dài mấy chục trang đọc sao được. Nên tăng cường viết email, thậm chí bây giờ chỉ nhắn tin ngắn gọn cũng giải quyết được việc mà…” – Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói khi đại diện nhiều Bộ, ngành than về “vấn nạn” báo cáo ở các cơ quan hành chính hiện nay.

Gánh nặng báo cáo

nguyen-xuan-phuc-2-b9e99
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ.

Ngày 5/8, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp sơ kết 6 tháng đầu năm công tác của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ. Báo cáo của Ban Chỉ đạo ghi nhận, các Bộ đã tích cực triển khai thực hiện công tác cải cách thủ tục hành chính và thực hiện cơ chế một cửa và một cửa liên thông trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng về đơn giản hóa thủ tục hành chính trong các lĩnh vực đất đai, xây dựng, thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, đăng ký kinh doanh... nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư.

Theo đó, đến hết tháng 6/2015, các bộ ngành đã đơn giản hóa 4.452 thủ tục hành chính trên tổng số 4.723 thủ tục hành chính phải đơn giản hóa...

Tuy nhiên, Ban Chỉ đạo cũng chỉ ra những hạn chế, yếu kém cần khắc phục, đó là, một số cơ quan chưa thực sự quan tâm đến cải cách hành chính và chế độ công vụ, công chức; một số thành viên còn chưa chủ động, tích cực trong việc đẩy mạnh hoạt động này tại Bộ, ngành mình; một số nội dung của Đề án đẩy mạnh chế độ công vụ, công chức còn chậm được triển khai thực hiện; thủ tục hành chính trên một số lĩnh vực cần tiếp tục được đơn giản hóa, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp...

Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình đề nghị, sắp hết nhiệm kỳ Chính phủ, các bộ, ngành không nên đề xuất thành lập thêm một cơ quan, tổ chức mới như tổ chức hành chính hay đơn vị sự nghiệp công lập nào, mà cần tập trung vào đánh giá, tổng kết nhiệm kỳ hiện nay.

Bên cạnh đó, các bộ, ngành cần tập trung có các chương trình, nội dung để giáo dục phẩm chất, đạo đức cán bộ, công chức để chống căn bệnh vô cảm với nhân dân, doanh nghiệp...

Ông Bình cho biết thêm, đến nay đã có 40 tỉnh và 18 bộ, ngành xây dựng đề án vị trí việc làm để bố trí cán bộ, công chức, viên chức nhưng kiên quyết không để việc xây dựng vị trí việc làm lại làm tăng thêm cán bộ, công chức.

Ngoài ra, dư luận xã hội cũng rất quan tâm đến việc đánh giá đúng mức độ hoàn thành của công chức, viên chức. Hàng năm, Bộ Nội vụ công bố chỉ số cải cách hành chính sẽ công bố luôn chỉ số này.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung cũng phân tích, nền hành chính của Việt Nam thua kém các nước trong khu vực vì thiếu dữ liệu mô tả vị trí việc làm của từng vị trí công chức. Ngoài ra, thực tế quản lý hiện nay cũng dẫn đến hiện tượng cán bộ ngại đầu tư, tinh thần đề xuất, sáng kiến cải tiến công việc đang đi xuống.

“Đó là do cơ chế đánh giá chồng chéo dẫn đến việc anh em sợ, ngại có thể bị báo cáo lên cấp trên. Đặc biệt như ngành tài chính, liên quan đến tiền bạc nên cán bộ càng e dè, thận trọng, không dám sáng tạo vì lỡ có sai sót lại bị báo cáo khắp nơi. Mà ngày nào cũng bao nhiêu loại báo cáo, báo cáo lên trên rồi báo cáo lẫn nhau, riêng làm báo cáo cũng hết thời gian làm việc” – ông Trung thẳng thắn lật lại, làm sao chuẩn hóa được quy định về báo cáo, nếu không rất lãng phí thời gian, nhân lực.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc xác nhận, luật quy định báo cáo theo 2 lớp, báo cáo 6 tháng đầu và cuối năm, báo cáo trước mỗi kỳ họp Quốc hội nhưng thực tế số lượng văn bản, báo cáo phải làm rất lớn.

Ông Ngọc đề nghị Chính phủ giao Bộ Tư pháp chủ trì xây dựng đề án chung để giảm gánh nặng báo cáo hiện nay.

“Bắt tận tay” công chức vô cảm, hách dịch

nguyen-xuan-phuc-f7d58
Phó Thủ tướng: "Mừng vì số công chức vô cảm ngày càng ít đi nhưng thực tế vẫn có những người như vậy".

Bất bình về “vấn nạn” báo cáo, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhắc, viết báo cáo ở cấp nào cũng không cần cầu kỳ, cầu toàn, tham diễn giải, trích dẫn.

“Không phải lo lãnh đạo đọc không hiểu đúng ý mình. Ngắn gọn người ta càng dễ hiểu chứ báo cáo viết dài mấy chục trang đọc sao được. Nên khuyến khích anh em tăng cường viết email, trực diện nhất. Thậm chí bây giờ chỉ nhắn tin ngắn gọn cũng giải quyết được việc mà, vẫn hiểu hết chứ mắc mớ gì đâu” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra những yếu kém mà các bộ, ngành cần khắc phục. Đó là một số bộ, ngành coi CCHC hành chính như là việc của ai đó mà không phải của bộ, ngành mình. Bên cạnh đó, tình trạng nợ đọng văn bản còn nhiều; một số lĩnh vực thủ tục còn rườm rà, phức tạp như đầu tư trong khu công nghiệp, khu chế xuất, thủ tục bảo hiểm y tế hộ gia đình còn phiền hà cho dân; việc ứng dụng chữ ký số còn nhiều bất cập...

Một điểm yếu khác khó chấp nhận, theo Phó Thủ tướng là một bộ phận cán bộ công chức viên chức vẫn vô cảm, hách dịch. Phó Thủ tướng kể, kiểm tra đột xuất một vài lần ông còn bắt gặp có cán bộ uống rượu trong giờ làm, có quy định cấm hút thuốc là mà nhiều người vẫn phì phèo điếu thuốc nơi công sở. Số công chức biết nói lời xin lỗi, cảm ơn chưa nhiều.

“Mừng là con số về những trường hợp như vậy ngày càng ít đi nhưng thực tế vẫn còn những người như vậy” – Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý, việc triển khai một số nội dung trong đề án công chức, công vụ, ứng dụng công nghệ thông tin trong thi tuyển, nâng ngạch công chức còn chậm; đã có 18 bộ và 40 tỉnh hoàn thành đề án xác định vị trí việc làm nhưng Bộ Nội vụ chưa phê duyệt đề án nào...

Về nhiệm vụ từ nay đến cuối năm 2015, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải triển khai đồng bộ, quyết liệt, cụ thể nhiệm vụ CCHC cho thực sự hiệu quả. Phải coi đây là nhiệm vụ chính trị, tiêu chuẩn thi đua trong công tác.

Về cải cách thủ tục hành chính cần tiếp tục thực hiện 25 nghị quyết của Chính phủ về đơn giản hóa thủ tục hành chính; nâng cao chất lượng và hiệu quả thực hiện cơ chế một cửa và một cửa liên thông, hạn chế nhũng nhiễu, tiêu cực trong quá trình tiếp xúc và giải quyết công việc với người dân. Thực hiện nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cải cách thủ tục hành chính. Đặc biệt, phải quan tâm đến chỉ số hài lòng của người dân, giảm “tiếng kêu” của người dân khi tiếp xúc với cơ quan nhà nước.

P.Thảo