1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Liêu xiêu dáng xe ôm chở cây kiểng cuối năm

(Dân trí) - Ông Dũng ốm quắt, hàng ngày khách đi xe ôm nhìn ông đã thấy thương, mà giờ ông còn “cõng” cả chậu hoa lớn nặng gấp 4 - 5 lần cơ thể. Nhìn tay ông cầm lái rung bần bật, nhiều người ái ngại, có người lại xót xa…

Cũng như nhiều người làm nghề chạy xe ôm khác ở TPHCM, dịp cuối năm ông Nguyễn Văn Dũng, sống trọ ở đường Âu Cơ (Q.11) còn kiêm thêm công việc vận chuyển cây cảnh. “Ngày Tết khách đi xe ít mà nhu cầu chở cây kiểng nhiều nên mình phải kiếm tiền chứ. Những ngày cao điểm, chạy hàng không hết, kiếm cũng được gấp 5 - 7 lần chạy xe ôm”, ông cho hay.

Liêu xiêu dáng xe ôm chở cây kiểng cuối năm - 1

Chậu hoa cúc khách thuê ông Dũng chở lớn gấp mấy lần người ông, đến 4 người bê lên xe còn khó…

Cái nghề tưởng như đơn giản nhưng trong cuộc mới biết, không ít gian truân. Không chỉ gồng gánh trên xe với những cây kiểng đủ kích cỡ, họ cũng có thể gặp các sự cố như dây chằng đứt, chậu hoa vỡ, cây cồng kềnh dễ quệt vào người đi đường, gây tai nạn… rồi cả việc phải “ứng phó” với cảnh sát giao thông.

Ông Dũng nhớ lại: “Tết năm trước, tôi chở cây mai sang cho khách ở Bình Tân, đang chạy thì bị tuột dây chằng. Cây, người, xe cũng nằm chỏng vó. Tôi bị rách đường dài ở cánh tay nhưng người với xe chẳng lo, chỉ lo cho cây... Trời ơi đất hỡi, chậu đã vỡ vụn, cây mai bị gãy cành”.

Lần đó ông phải đền mấy trăm nghìn mà vẫn cứ ray rứt vì làm hỏng cây mai gia đình người ta rất thích.

Liêu xiêu dáng xe ôm chở cây kiểng cuối năm - 2

Nên ông Dũng liêu xiêu, tay lái run bần tật khi xuất phát

“Khổ nhất là những lúc gặp tai nạn kiểu vậy. Cuối năm xe cộ đông, ai cũng bận, có người muốn giúp cũng chẳng thể dừng vì kẹt đường ngay. Một mình loay hoay cũng tủi thân”, ông tâm tư.

Mọi năm, ông chở cây kiểng cho người ta đến tận giao thừa rồi phi luôn trong đêm về với gia đình ở Đồng Tháp, cách TPHCM hơn 150 cây số, đưa những đồng tiền nóng hổi vừa kiếm được cho vợ con. Năm nay, ông tính chỉ làm đến trưa 30 rồi về. “Tại tui nhỏ con, nhìn ốm yếu nên khách người ta cũng ngại thuê”.

Đúng lúc đó, tại vườn hoa, có khách mua chậu hoa cúc lớn giá 800.000 đồng, nặng trên 100 kg. Họ ái ngại nhìn ông, hỏi: “Ông chở được không vậy?”. Ông Dũng cười: “Tui tuổi nghề cao, kinh nghiệm lắm!”. Cả bốn người mà bê chậu hoa còn khó, khi ông xuất phát, phía sau xe quá nặng nên tay lái rung lên bần bật. Chiếc xe chầm chậm phi đi, chậu hoa che khuất cả người cầm lái.

Cô chủ hàng hoa chép miệng: “Nhìn vậy thôi chứ chỉ được mấy chục ngàn, nhà nào thương tình thì cho thêm”.

Ở cuối góc công viên, phía rẽ vào đường Phổ Quang, người đàn ông tên Ba vừa chở hàng về đang nhấc chiếc xe lên hành lang. Ông chạy xe ôm gần 20 năm, cùng chừng đó năm chở hoa thuê dịp Tết. “Hồi trước còn chở bằng xích lô, mấy cây nhỏ nhỏ thì dễ chứ chở cây lớn chòng chành lắm”.

Theo chú Ba, nghề “bán mồ hôi nước mắt” mà anh xe ôm nào cũng kết vì có việc mà làm kiếm tiền tiêu Tết. Nếu ai có sức chạy từ sáng đến tối được cả triệu đồng. “Tuy nhiên, có ông chạy được một hai hôm thì bệnh luôn!”.

Liêu xiêu dáng xe ôm chở cây kiểng cuối năm - 3

Chú Ba (giữa) chờ khách thuê chở hoa tại khu công viên Hoàng Văn Thụ

Cũng không ít lần đang chở cây kiểng, chú Ba bị công an thổi còi vì tội chở hàng cồng kềnh, sai quy định. Được cái các chú cũng thương, sao nỡ mà phạt nên chỉ nhắc nhở. “Có lần cảnh sát giữ lại, tôi đang hoảng thì anh ấy đã hỏi han chở nặng vậy có sao không rồi nhắc mình chạy xe cho cẩn thận.”, chú vui vẻ kể.

Chú Ba chưa gặp sự cố nào đáng kể nhưng từng chứng kiến một bác chở cành đào bị la mắng xối xả vì quẹt xe làm người ta ngã.

Chú Ba lạc quan bởi công việc nào cũng có sự cố, tai nạn nghề nghiệp hết. “Lâu lâu có người động viên mình làm nghề “rước mùa xuân vào mọi nhà”, nghe cũng vui. Hơn nữa những người lao động tay chân như mình chỉ mong kiếm được nhiều tiền để con cái có Tết no đủ là mừng rồi, khó nhọc đến mấy mình chịu được”. Hơn nữa, chú cho hay nhóm xe ôm ở đây đang cố kiếm thêm để góp tiền thăm ông bạn cùng nghề vừa nhập viện vì bị bệnh thận.
 
Ở chợ hoa xuân Đà Nẵng, hàng trăm tài xế xe ôm chở hoa thuê không chuyên này không lẫn vào đâu được. Bên cạnh họ là chiếc xe ôm với miếng ván cột thật chắc phía sau. Không giành giật, không chèo kéo, thỏa thuận giá cả xong là chở về đúng địa chỉ của người mua.
 
Liêu xiêu dáng xe ôm chở cây kiểng cuối năm - 4
Những chiếc xe ôm chở hoa đang chờ khách

Đây là năm thứ 3 anh Nguyễn Hữu Yên (trú xã Hòa Tiến, Hòa Vang) tranh thủ làm thêm nghề chở hoa. Là thợ xây dựng, cuối năm hết việc anh chuyển sang chở hoa kiếm thêm ít tiền cho gia đình.

Vừa chở xong một chuyến cho khách, dù trời mưa lạnh nhưng trên trán anh lấm tấm những giọt mồ hôi vì khiêng mấy chậu cây kiểng nặng. Rít hơi thuốc lá cho ấm trong khi chờ khách, anh tâm sự: “Vất vả một chút nhưng có tiền đem về cho vợ là vui rồi”.
 
Liêu xiêu dáng xe ôm chở cây kiểng cuối năm - 5
Cột cho thật chặt trước khi chở đến nhà cho khách
 
Gần chỗ anh Yên đậu xe, mấy anh chạy xe ôm “không chuyên” khác cũng đang ngồi chờ khách. Đa số họ không phải là những xe ôm chuyên nghiệp mà là những “tay ngang”, hầu hết làm công nhân, lao động phổ thông... cuối năm hầu như ai cũng hết việc nên chuyển sang chở hoa Tết.
Liêu xiêu dáng xe ôm chở cây kiểng cuối năm - 6
Nhanh chóng chở đi

Anh Trần Thanh Minh (trú phường Hòa Minh, Liên Chiểu) là công nhân KCN Hòa Khánh cũng là một trong số hàng trăm xe ôm “tay ngang” đang mưu sinh ở đây. Anh tâm sự: Nghe đứa bạn rủ nên sẵn xe máy trong nhà, chỉ cần cột thêm một tấm ván phía sau cho thật chặt là có thể “ra nghề” ngon lành rồi. Đây là lần đầu tiên mình làm thêm nghề xe ôm chở hoa này, chưa quen lắm nhưng cũng làm được, miễn kiếm tiền bằng sức lực của chính mình là vui.

Theo anh Minh, đa số người đi mua hoa không quen chở nặng nên một cuốc xe ôm chỉ vài chục ngàn cũng không đáng kể lắm với giá một chậu kiểng Tết có giá vài trăm ngàn, có khi cả triệu đồng.

“Càng về gần Tết, người đi mua hoa đông mới có nhiều người kêu chở hoa nên thu nhập cũng tạm. Ngày nào may mắn có thể kiếm được 4-5 trăm ngàn, cũng lo cho cái Tết tạm ổn”, anh Thanh tâm sự.

Tuy có tiền cho những ngày Tết nhưng công việc này cũng rất vất vả, muốn có thu nhập cao thì phải dậy sớm, tối khuya khi nào hết khách mới về. Dù những ngày này trời mưa lạnh rét buốt nhưng nhiều người vẫn cố nán lại chờ khách mua hoa, hy vọng có thêm vài chục ngàn cho cuốc xe. Nhiều khách mua hoa đã thỏa thuận giá cả trước khi chở về nhà nhưng có khi đến nhà lại cho thêm vì thấy chở nặng nhọc quá.

Trong số những xe ôm chở hoa cũng có những người chạy xe ôm “chuyên nghiệp”, vì cuối năm khách khứa về quê hết nên họ cũng tranh thủ ra đây chở hoa kiếm thêm thu nhập, cạnh tranh “bình đẳng” với những tay xe ôm “không chuyên” kia.

“Tất cả cũng vì cuộc sống, mình chở hoa kiếm tiền bằng công sức và mồ hôi của mình. Nghề nào cũng đáng quý cả, mình vất vả một chút nhưng vợ con có cái áo cái quần mới mặc trong ba ngày Tết là mình thấy vui”, anh Hưng - một xe ôm “không chuyên” vốn là công nhân tâm sự.

Hoài Nam - Công Bính 

Dòng sự kiện: Chào Xuân Tân Mão 2011