1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Hà Nội:

Ký ức kinh hoàng của nạn nhân vụ cháy cao ốc EVN

(Dân trí) - May mắn thoát thân khỏi đám cháy kinh hoàng tại tòa cao ốc EVN nhưng 24 nạn nhân vụ hỏa hoạn vẫn chưa hết hãi hùng. Với vẻ mặt thất thần, nhiều người vẫn không tin mình đang được điều trị tại bệnh viện Xanh - Pôn sau khi ngất lịm trong “biển khói”.

Ngay sau khi tòa tháp EVN phát hỏa, những cột khói khổng lồ từ dưới chân tháp đã ùa lên che kín lối ra, lùa hàng chục công nhân lên các tầng phía trên. Nhiều công nhân tháo chạy trong tình trạng bị ngạt khói. Công tác cứu hộ đã được các cơ quan chức năng gấp rút triển khai một cách nhanh nhất. Trong khi đám khói bao trùm cả tòa tháp 33 tầng thì các nạn nhân đã bắt đầu được giải cứu. Tiếng còi hú của xe cứu thương réo inh ỏi đưa các nạn nhân đầu tiên đến cấp cứu tại bệnh viện Xanh Pôn. 

Ký ức kinh hoàng của nạn nhân vụ cháy cao ốc EVN - 1
Một nạn nhân vụ hỏa hoạn đang được bác sĩ điều trị tại khoa Hồi sức cấp cứu nội.

Có mặt tại bệnh viện Xanh Pôn, PV Dân trí đã ghi nhận được không khí làm việc khẩn trương của các bác sĩ, y tá. Ban giám đốc bệnh viện có mặt trực tiếp chỉ đạo công tác cứu chữa cho các nạn nhân. Những chiếc cáng được chuẩn bị sẵn liên tiếp chuyển nạn nhân vào khu vực điều trị. Đến 21h15 phút cùng ngày, toàn bộ 24 nạn nhân vụ hỏa hoạn đã được tiếp nhận và đưa về khu vực điều trị của bệnh viện.

Trong số 24 nạn nhân được chuyển đến Bệnh viện Xanh - Pôn, có 19 nạn nhân được chuyển lên khoa Bỏng. 5 nạn nhân trong tình trạng nghiêm trọng hơn được điều trị tại khoa Hồi sức cấp cứu nội và khoa tăng cường ngoại với nhiều bác sĩ, y tá được bố trí túc trực theo dõi tình trạng sức khỏe và điều trị tại chỗ. Các bệnh nhân đều trong tình trạng khá yếu, chưa thể giao tiếp được và tinh thần còn hoảng loạn sau khi thoát khỏi đám cháy nhưng rất may không có trường nào tử vong hay bị thương quá nghiêm trọng. Lãnh đạo bệnh viện cũng liên tục thay phiên theo dõi tình trạng sức khỏe của các nạn nhân. 

Ký ức kinh hoàng của nạn nhân vụ cháy cao ốc EVN - 2
Bác sĩ Nguyễn Phạm Ý Nhi - Giám đốc Bệnh viện Xanh Pôn (bên trái) trực tiếp xuống thăm khám nạn nhân.

Tại khoa Bỏng, hầu hết các nạn nhân vụ cháy đã ổn định sức khỏe và tinh thần. Tuy nhiên, vẻ hãi hùng vẫn hiện rõ trên những gương mặt còn lem luốc khói đen của vụ cháy. Nhiều nạn nhân đang được truyền nước, nhắm mắt mệt mỏi không muốn nhớ lại những khoảnh khắc kinh hoàng giữa ranh giới sự sống và cái chết đã qua.

Sau một phút định thần, anh Phạm Văn Thế, quê Nghệ An kể lại: “Khi đó, tôi đang làm tại tầng 23 của tòa nhà thì bắt đầu thấy một cột khói khét lẹt cùng hơi nóng thốc từ tầng dưới lên mù mịt. Tiếng người kêu cứu thất thanh cùng những tiếng chân chạy lên các bậc cầu thang thình thịch khiến tôi cuống cuồng hoảng loạn. Sau phút định thần, tôi biết tòa nhà bị cháy nên cũng leo vội lên các tầng trên theo phản xạ. Khói xông lên quá nhanh khiến tôi bị ngạt. Cố gắng hết sức, tôi lết được lên tầng thượng thì thấy có gần 30 người đang tập trung ở đó. Ai cũng thất thần, mặt cắt không còn giọt máu. Thật may là khi đó, tôi đã được đưa xuống dưới bằng dây tời xây dựng”. 

Ký ức kinh hoàng của nạn nhân vụ cháy cao ốc EVN - 3
Danh sách các nạn nhân cấp cứu tại bệnh viện Xanh - Pôn liên tục được cập nhật.

Mới làm tại tòa nhà EVN được 5 ngày, anh Nguyễn Văn Thinh (SN 1988) tại Thanh Oai - Hà Nội hú hồn chia sẻ: “Tôi mới vào làm tại bộ phận lắp điện tại công trường. Khi ấy, đang làm việc tại tầng 30 của tòa nhà, thấy khói đen mù mịt cùng với tiếng la hét náo loạn, tôi hoảng hốt mất phương hướng. Trong giây phút tôi đã nghĩ đến kết cục tồi tệ nhất. Quá sợ hãi, tôi đã định lao mình qua cửa xuống phía dưới nhưng định thần lại, tôi tự nhủ phải thật bình tĩnh leo lên nóc tòa nhà. Vừa đến nơi, tôi ngất lịm đi do ngạt khói. Khi tỉnh dậy, thấy mình nằm trong bệnh viện mà tôi tưởng mình đang nằm mơ”. 

Ký ức kinh hoàng của nạn nhân vụ cháy cao ốc EVN - 4
Các nạn nhân tại khoa Bỏng đã cơ bản hồi phục sức khỏe và tinh thần. 

Khi phát hiện ra đám khói, anh Nguyễn Văn Thừ (SN 1988) quê Thanh Oai - Hà Nội không vội chạy ngay mà còn nán lại tìm cách dập lửa. Loay hoay một hồi không tìm được ngọn lửa phát ra ở đâu lại bị ngạt khói sặc sụa, anh đành phải bỏ cuộc tháo chạy. “Nghĩ lại giấy phút đó tôi vẫn không khỏi rùng mình sợ hãi. Trong “biển khói”, tôi còn không xác định được phương hướng. Cũng may là lực lượng cứu hộ tiếp cận nhanh nếu không hơn 30 công nhân chúng tôi không biết có chịu đựng thêm được không nữa”.

Khi tòa cao ốc bốc cháy, bà Trương Thị Xây, 53 tuổi (quê Vĩnh Phúc), nạn nhân nữ duy nhất vụ hỏa hoạn đang quét dọn tại tầng 3 của tòa nhà. Mới vào làm lao công tại công trường được 4 hôm, bà Xây còn chưa kịp làm quen hết các tầng nhà của tòa tháp “chọc trời”. Chỉ biết sau một tiếng nổ, khói thốc lên, khiến bà choáng váng ngã ngửa rồi lồm cồm bò dậy leo lên phía trên. Khi lên đến khoảng tầng 7, bà ngất lịm nhưng may mắn được các công nhân khác tìm thấy đưa được ra khỏi tòa nhà.

Ký ức kinh hoàng của nạn nhân vụ cháy cao ốc EVN - 5
Anh Nguyễn Văn Thừ vẫn còn bị ám ảnh bởi vụ hỏa hoạn kinh hoàng.

Nghe ti-vi thông báo vụ cháy tòa nhà EVN, em Nguyễn Thị Yến (SN 1990), con bà Xây đã vội vã đến hiện trường đám cháy. Khi mẹ em được giải cứu đưa xuống đã ngất lịm, Yên òa khóc theo xe cứu thương đưa mẹ vào bệnh viện. 22h đêm, bà Xây mới tỉnh táo trở lại, Yên mới thở phào nhẹ nhõm. Em bảo lúc đứng dưới nhìn đám khói bốc lên cuồn cuộn trong khi không biết mẹ sống chết ra sao, em chỉ biết khóc cầu khấn cho mẹ bình an.

Những công nhân được giải cứu từ tòa tháp bị cháy đa số còn rất trẻ. Sau khi được điều trị tích cực, họ đã tỉnh táo trở lại. Hầu hết họ ở các tỉnh xa nên người nhà chưa đến kịp. Các bác sỹ điều trị đã tận tình chăm sóc, bóc cho họ từng hộp sữa uống lấy sức. 

Ký ức kinh hoàng của nạn nhân vụ cháy cao ốc EVN - 6
Vẻ hãi hùng vẫn hiện rõ trên những gương mặt nạn nhân còn lem luốc khói đen của vụ cháy.

Ông Trương Văn Tuynh, quê Ân Thi - Hưng Yên, bố em Trương Văn Nguyên vừa chăm sóc con trai vừa kể lại: “Khoảng hơn 17h, tôi bất ngờ nhận được điện thoại của con trai. Nó bảo nó bị mắc kẹt trên tầng 25 của tòa nhà đang bốc cháy mà không có đường thoát thân. Nghe giọng nói hoảng loạn của con trai mà tôi như khuỵu xuống. Ngay lập tức, tôi bảo con bình tĩnh, chạy lên tầng thượng đợi lực lượng cứu hộ, không được làm liều. Sau đó, tôi bắt xe lên Hà Nội ngay. Vừa đến nơi cũng là lúc con tôi được đưa xuống, thật không gì diễn tả được cảm giác của tôi khi ấy”. 

Ký ức kinh hoàng của nạn nhân vụ cháy cao ốc EVN - 7
Bà Trương Thị Xây, nữ nạn nhân duy nhất của vụ hỏa hoạn, được con gái chăm sóc tại bệnh viện.

Về tình trạng sức khỏe của 19 nạn nhân, bác sĩ Nguyễn Thống - Trưởng khoa Bỏng bệnh viện Xanh - Pôn cho biết: “Hiện tại, chưa có trường hợp bệnh nhân nào nguy kịch nhưng chúng tôi sẽ phải theo dõi các nạn nhân vụ cháy rất kỹ bởi các nạn nhân đều hít phải khí nhựa độc hại rất dễ gây ra biến chứng khó lường”.

Trao đổi với PV Dân trí, TS Nguyễn Phạm Ý Nhi - Giám đốc Bệnh viện Xanh - Pôn cho biết: “Chúng tôi đã huy động tối đa số bác sĩ, y tá, cán bộ nhân viên bệnh viện cùng điều kiện cơ sở vật chất, phòng, máy móc điều trị để kịp thời tiếp nhận cứu chữa các nạn nhân vụ cháy. Đến thời điểm hiện tại, 24 nạn nhân vụ hỏa hoạn đã có những tiến triển tốt về mặt sức khỏe và tinh thần. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi tình trạng sức khỏe của các nạn nhân cẩn trọng để có phương pháp điều trị phục hồi sức khỏe tốt nhất”.

Anh Thế