Nghệ An:
Ký ức của một người lính về ngày giải phóng Sài Gòn
(Dân trí) - Trong cuộc trò chuyện với phóng viên, thương binh Lê Mạnh Hải nhớ lại một thời vào sinh ra tử tại chiến trường miền Nam. Nhưng đặc biệt và hạnh phúc nhất là giây phút nhận thông báo: “Chúng ta thắng rồi. Chúng ta đã giải phóng Sài Gòn…”. Nghe tin, ai cũng mừng đến rơi nước mắt.
Những ngày cuối tháng Tư lịch sử chúng tôi ghé thăm gia đình thương binh Lê Mạnh Hải, ở thành phố Vinh. Trong căn phòng bé nhỏ nhưng khá ngăn nắp ông đang cặm cụi, tìm lại những tư liệu, kỷ vật và những tấm ảnh cũ kỹ thời chiến, để viết cảm tưởng đọc phát biểu vào buổi gặp mặt kỷ niệm truyền thống bạn chiến đấu của Sư đoàn 320 tại Nghệ An - là đơn vị của ông trong suốt thời gian quân ngũ.
Vừa rót chén nước, ông vừa bắt đầu câu chuyện rất trầm tư: "Những ngày này, nhớ lại những trận đánh ác liệt và thương tiếc các đồng đội vô cùng các chú ạ. Mình may mắn được sống để nhìn thấy đất nước ngày càng phát triển. Còn nhiều anh em đồng đội của mình thì...", ông bùi ngùi nhớ lại.
Với ông cũng như bao người Việt Nam thì ngày cả đất nước ăn mừng chiến thắng đó là một ngày không thể nào vui mừng hơn. Ông kể lại giây phút ăn mừng cách đây đã 43 năm rồi như nó vừa mới xảy ra.
Ông bảo: “Đúng 11h30’, ngày 30/4/1975, sau khi đánh thắng Sư đoàn 25 ngụy ở căn cứ Đồng Dù, Củ Chi và tiêu diệt lực lượng địch ở Cầu Bông và Cầu Sáng (đường 15) chúng tôi đang thẳng tiến vào nội đô Sài Gòn ở khu vực gần ngã tư Bảy Hiền. Lúc bấy giờ nghe radio (radio thời đó là chiến lợi phẩm, là món ăn tinh thần không thể thiếu) thông báo chúng ta đã dành chiến thắng hoàn toàn. Tất cả anh em, đồng đội ôm súng đứng ngửa mặt lên trời, hét: "Cậu mợ (cha mẹ) ơi, anh em ơi, chúng ta thắng rồi, chúng ta đã giải phóng Sài Gòn. Rồi tất cả anh em nằm ngửa ra đất, nhìn lên bầu trời xanh hòa bình mà nước mắt rưng rưng vì sung sướng, vì hạnh phúc".
Ông khẽ lau chút bụi vướng trên khóe mắt mình và tiếp tục câu chuyện. Càng tâm sự về chiến trường ông càng hào hứng. Sự xúc động thể hiện rõ trên từng nét mặt ông, ở mỗi địa danh, mỗi thời điểm chiến đấu khác nhau.
Thương binh Lê Mạnh Hải sinh ngày 22/12/1950. Cha ông quê ở xã Vĩnh Trường, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định. Mẹ ông quê gốc ở tỉnh Hà Tĩnh nhưng ông được sinh ra và lớn lên tại thành phố Vinh.
Tháng 5/1971, chàng thanh niên Lê Mạnh Hải vừa tròn 21 tuổi, cũng như bao thanh niên cùng trang lứa của quê hương Nghệ An giàu truyền thống cách mạng bỏ lại tuổi thanh xuân, ước vọng, đam mê để lên đường chiến đấu.
“Tôi nhập ngũ vào K22 quân khu 4 để huấn luyện và được bổ sung vào Tiểu đoàn 25 của Sư đoàn 320A - Đại đoàn Đồng Bằng. Một Sư đoàn truyền thống đã được Bác Hồ tặng 8 chữ vàng trong kháng chiến chống thực dân Pháp "Đoàn kết - Nghiêm túc - Dũng cảm - Chiến thắng"”, ông tự hào và say mê kể lại các mốc son lịch sử của Sư đoàn trong chiến tranh chống Mỹ qua các thời kỳ trước.
Ngày 27/12/1967, Bộ tư lệnh mặt trận B5 chính thức giao nhiệm vụ cho Sư đoàn 320 là: "Độc lập tác chiến trên hướng thứ yếu của chiến dịch, tiêu diệt sinh lực địch chủ yếu là Mỹ, thường xuyên đánh cắt giao thông trên đường 9...". Năm 1968 - 1969 Sư đoàn đánh nhiều trận ở Cửa Việt, Cam Lộ - Do Linh, Dốc Miếu, Cồn Tiên - Quán Ngang.
Ngày 20 - 25/2/1971, Trung đoàn 64 do đồng chí Khuất Duy Tiến chỉ huy tiến công Sở chỉ huy Lữ đoàn dù 3 ngụy ở căn cứ 31 (điểm cao 456). Ta đã tiêu diệt Tiểu đoàn 3, lữ dù 3 ở căn cứ 31, diệt 370 tên, bắt 137 tên, bắt sống Đại tá Nguyễn Văn Thọ - Trưởng lữ dù 3 cùng toàn bộ ban tham mưu.
“Cuối năm 1971, Sư đoàn 320 đã có mặt ở chiến trường bắc Tây Nguyên (Kom Tum). Tại đây ngày 16/3, tôi đã bị thương trong giai đoạn trinh sát và lót ổ cho trận địa, được đồng đội đưa về trạm quân y tiền phương điều trị. Hơn 10 ngày nằm viện điều trị, ngày 27/3 tôi được ra viện và tăng cường trực tiếp cho Trung đoàn 52”, ông nhớ lại.
Với tinh thần nghị quyết của Sư đoàn: "Đi sâu, đi lâu, đánh to, thắng lớn, đánh đến thắng lợi hoàn toàn". Năm 1972, Sư đoàn 320 có mặt ở Tây Nguyên. Khi biết tin Sư đoàn vào Tây Nguyên tổng thống Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Văn Thiệu đích thân đến Kleng khích lệ lính ở đây và tuyên bố: "Đây là mắt xích quan trọng trong hệ thống phòng ngự chiến lược liên hoàn có công sự kiên cố vững chắc. Nếu Việt cộng liều lĩnh tấn công vào đây nhất định sẽ thất bại, không một mảnh giáp trở về".
Ông kể: “Từ ngày 30/3/1972 đến 3/4/1972, Trung đoàn 52 Sư đoàn 320 đánh trận mở màn chiến dịch bắc Tây Nguyên (Xuân hè), ta tiến công Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn dù 2 tại cao điểm 1049. Khi ta đánh 1049 bọn chỉ huy ra sức kích động bọn "lính mũ nồi đỏ" là: "Rửa mối hận" đường 9 Nam Lào năm trước. Ngạo mạn hơn Trung tướng Du Quốc Đống tư lệnh Sư đoàn dù truyền đơn khắp núi rừng huênh hoang thách thức Sư đoàn 320 giao chiến và tuyên bố rùm beng với giới báo chí rằng: "Sẽ nghiền nát Sư đoàn 320 Bắc Việt tại Tây Nguyên".
Ngày 2/4/1972 địch đổ tiếp Tiểu đoàn 11 lữ dù 2 xuống Tây Nam điểm cao 1015, biệt danh tiểu đoàn 11 lữ dù 2 là "Song kiếm trấn ải". Địch gọi căn cứ này là Charlie (Sạc ly) do trung tá Nguyễn Đình Bảo làm tiểu đoàn trưởng. Sau 3 ngày chiến đấu (12/4/1972 - 14/4/1972) Trung đoàn 64 đã hoàn toàn làm chủ 1015, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 350 tên (bắt 152 tên).
Đây là trận then chốt thứ nhất của chiến dịch bắc Tây Nguyên và lần đầu tiên đã tiêu diệt 1 Tiểu đoàn dù trên chiến trường Tây Nguyên, hạ uy thế cái gọi là: "Lực lượng tin cậy nhất trong lực lượng của quân chủ lực Việt Nam Cộng Hòa". Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 11, trung tá Nguyễn Đình Bảo bị pháo kích của ta bắn và chết tại hầm chỉ huy trưa ngày 12/4/1972.
“Ngày 27/4/1972, Trung đoàn 48, Trung đoàn 64 Sư đoàn 320 vượt sông Pô Cô tiến công Tiểu đoàn 6 - biệt động quân, giải phóng khu vực Lam Sơn và đón đánh địch từ Bắc Tơ, Tân Cảnh chạy về. Đồng thời Trung đoàn 52 tiêu diệt căn cứ Kleng, phòng ngự tây nam thị xã Kon Tum 20km. Thời điểm này tôi tham gia ở một mũi khác trong đội hình Sư đoàn đánh vào thị xã Kon Tum ở hướng xưởng cưa nhà máy Đèn lúc bấy giờ.
Năm 1973 - 1974, Sư đoàn được lệnh hành quân về Gia Lai, trong đội hình của Sư đoàn tôi đã được vinh dự tham gia các trận đánh: Dốc Chư Bồ, căn cứ Đức Cơ, căn cứ Làng Siêu. Cuối năm 1974 đầu năm 1975 bước vào chiến dịch Tây Nguyên, Sư đoàn hành quân về tây Thuần Mẫn - khu vực tác chiến của Sư đoàn nằm trên trục đường 14 trong khu tam giác: Phú Nhơn - Cheo Reo - Buôn Hồ (trọng điểm là khu vực ga Thuần Mẫn)”, ông chia sẻ thêm.
Từ 3/3 đến 8/3, Trung đoàn 64, Trung đoàn 48 và Sư đoàn 320 nổ súng đánh Chư Xê, Thuần Mẫn, Buôn Hồ, Đạt Ly. Cùng lúc sư đoàn 316, Sư đoàn 10, Sư đoàn 968 mở chiến dịch Tây Nguyên tiến công thị xã Buôn Mê Thuật. Lúc này, địch thất thủ sau đó đổ quân xuống nam thị xã Buôn Mê Thuật (nông trại) cũng bị đánh, bỏ ý định tái chiếm Buôn Mê Thuật. Thiệu ra lệnh cho tướng Phú: "Rút khỏi Tây Nguyên theo đường số 7 về Đồng Bằng miền Trung để giữ quân đồng thời chờ đợi thời cơ sẽ quật trở lại".
Chiến dịch Tây Nguyên có 3 trận then chốt: 2 trận đã diễn ra là ta giải phóng thị xã Buôn Mê Thuật và trận thứ 2 là đánh địch đổ bộ đường không 2 trung đoàn xuống Phước An hòng chiếm lại Buôn Mê Thuật (địch thất bại) và trận then chốt thứ 3 là địch rút chạy về Tuy Hòa (trên đường 7). Sư đoàn 320 đã truy kích địch trên đường 7, thẳng tiến về giải phóng thị xã Tuy Hòa và 1 vùng rộng lớn từ Tuy An đến Đèo Cả, tạo điều kiện cho các đơn vị bạn giải phóng Phú Yên.
Trận truy kích từ Cheo Reo - Cảng Sơn là trận đuổi đánh địch lớn nhất trong lịch sử chiến tranh Đông Dương (cho đến thời điểm lúc đó). Đây là trận đánh xuất sắc của Sư đoàn trên chiến trường rừng núi Tây Nguyên. Kết quả 8 ngày truy kích (từ 17/3 - 24/3/1975) trong chiến dịch này ta đã bắt sống chuẩn tướng Trần Văn Cẩn - Phó tư lệnh vùng 2 chiến thuật ngụy tại Tuy Hòa.
Ngày 10/4/1975, Sư đoàn hành quân bằng ô tô (của đoàn 559) - hành quân theo trục đường 14 về phía Nam nhận nhiệm vụ mới.
Ngày 15/4/1975, Bộ Tư lệnh quân đoàn 3 chính thức giao nhiệm vụ cho Sư đoàn 320 đánh chiếm căn cứ Đồng Dù, mở cửa phía Tây bắc Sài Gòn để đại quân vào nội đô. Nếu có thời cơ đánh chiếm Bộ tổng tham mưu Dinh độc lập và một phần sân bay Tân Sơn Nhất (nhưng ngày 30/4/1975 khi các lực lượng của Sư đoàn 320 vào đến mục tiêu thì đã có mặt của các đơn vị quân đoàn 2 làm chủ).
Căn cứ Đồng Dù nằm trên trục lô số 1: Sài Gòn đi Tây Ninh, Đồng Dù được ví như cánh cửa thép án ngữ Tây bắc Sài Gòn - Gia Định. Đồng Dù là căn cứ Sư đoàn 25 "Tia chớp nhiệt đới" của quân viễn chinh Mỹ. Đến năm 1971 Sư đoàn Mỹ về nước và giao lại cho Sư đoàn 25 (mà đây cũng là Sư đoàn chủ lực mạnh của quân lực Việt Nam Cộng Hòa).
Chiều ngày 28/4/1975 bên bờ sông Sài Gòn - Sư đoàn 320 làm lễ xuất quân bước vào chiến dịch Hồ Chí Minh, Chính ủy sư đoàn Bùi Huy Bổng đã trao lá cờ mang 8 chữ vàng truyền thống của Sư đoàn: "Đoàn kết, nghiêm túc, dũng cảm, chiến thắng" cho Tiểu đoàn bộ binh 1 Trung đoàn 48 - đơn vị đảm nhiệm hướng đột kích chủ yếu của Trung đoàn bộ binh 48. "Không khí lúc này khốc liệt lắm. Không còn thời giờ để nghĩ đến việc gì khác đâu. Chỉ có một lòng quyết tâm đánh đến thắng lợi hoàn toàn", thương binh Hải nhớ lại.
5 giờ 30 phút ngày 29/4 Sư đoàn bắt đầu nổ súng;
7 giờ 30 phút ngày 29/4 Bộ binh, xe tăng tấn công;
11 giờ 30 phút ta hoàn toàn làm chủ căn cứ Đồng Dù.
Chiến thắng Đồng Dù đã làm tan rã Sư đoàn 25 ngụy và trong trận này ta đã bắt sống chuẩn tướng Lý Tòng Bá - Tư lệnh Sư đoàn 25 ngụy, mở cánh cửa phía Tây bắc Sài Gòn để sư đoàn 10 đánh vào trung tâm Sài Gòn. Cùng lúc Trung đoàn 64, trung đoàn đặc công 198 tập kích chiếm Cầu Bông trên QL1B và Cầu Sáng trên đường 15, đánh chiếm các mục tiêu Hoóc Môn, Ấp chợ Gạo.
Tiếp đó Trung đoàn 64 được lệnh đánh vào phía nam sân bay Tân Sơn Nhất và bổ sung cho các lực lượng khác đánh thẳng vào Dinh độc lập. Tiểu đoàn 9 tiến theo đường Lê Văn Duyệt vào phía nam Dinh độc lập thì đơn vị bạn (quân đoàn 2) đã làm chủ. Mũi thứ 2 của Trung đoàn theo đường Công Lý có lực lượng xe tăng chi viện đã làm chủ mục tiêu tòa đại sứ quán Mỹ. Đây là giờ phút trọng đại nhất Sư đoàn 320 đã được tham gia cùng các cánh quân tiến vào giải phóng Sài Gòn 30/4/1975.
Khi nghe được thông báo trên đài phát thanh là quân địch đã đầu hàng. Chúng ta đã dành thắng lợi hoàn toàn: "Lúc này, cảm xúc không gì có thể tả được các chú ạ. Đó là một cảm xúc tự hào, sung sướng không thể nào quên được. Một cảm xúc rằng mình đang đứng trên đất nước mình, một đất nước hoàn toàn tự do, hai miền Nam - Bắc đã thống nhất ...", ông Hải phấn chấn nhớ lại.
Tháng 10/1977, Trung đoàn 64 cùng một số đơn vị cơ động bằng máy bay lên Tây Ninh chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam.
“Sau giải phóng miền Nam - Sư đoàn của ông được giao nhiệm vụ đánh lực lượng Fulro ở Đắk Lắk và trong chiến dịch này tôi cũng đã được tham gia. Năm 1977, Sư đoàn có lệnh hành quân về Tây Ninh để làm nhiệm vụ đánh quân Pôn - Pốt lấn chiếm biên giới phía Tây Nam. Từ năm 1978 - 1979, Sư đoàn tham gia chiến dịch biên giới Tây Nam cho đến ngày giải phóng hoàn toàn Campuchia. Đó là những kỷ niệm, những niềm tự hào và vinh dự của tôi trong suốt chặng đường quân ngũ”, thương binh Lê Mạnh Hải chia sẻ thêm.
Ngày trở về đời thường, ông luôn tâm niệm và giành tất cả tình cảm của một người lính cho bạn bè, cho đồng đội và đặc biệt ông là một trong người lính chủ lực của Sư đoàn 320 trong việc xây dựng nhà bia tưởng niệm di tích lịch sử điểm cao 1015 (Charlie) và 1049 (Delta) tại tỉnh Kon Tum.
Nguyễn Duy