1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Kiên quyết miễn nhiệm, cho từ chức cán bộ làm việc kém hiệu quả

(Dân trí) - Kiên quyết sàng lọc, miễn nhiệm, thay thế, cho từ chức đối với cán bộ, công chức, viên chức làm việc kém hiệu quả; nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu các cấp và những trường hợp người nhà, người thân của cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp có nhiều dư luận thắc mắc, không đồng tình.

Đó là một trong những nội dung mà Bộ Nội vụ trả lời về việc chọn cán bộ sai dẫn đến nguy cơ rất lớn cho Đảng và phương hướng phân cấp về tổ chức cán bộ thời gian tới.

Ông Nguyễn Tiến Thành, Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ (đứng) trả lời thông tin liên quan đến công tác lựa chọn cán bộ sai dẫn đến nguy cơ rất lớn cho Đảng, phương hướng phân cấp về tổ chức cán bộ thời gian tới.
Ông Nguyễn Tiến Thành, Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ (đứng) trả lời thông tin liên quan đến công tác lựa chọn cán bộ sai dẫn đến nguy cơ rất lớn cho Đảng, phương hướng phân cấp về tổ chức cán bộ thời gian tới.

Tại cuộc Họp báo diễn ra sáng nay (17/2) tại Bộ Nội vụ, ông Nguyễn Tiến Thành, Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ cho biết, thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biển hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, Bộ Chính trị đã ban hành Kế hoạch 04-KH/TW ngày 16/11/2016.

Trên cơ sở Kế hoạch số 04-KH/TW ngày 16/11/2016 của Bộ Chính trị, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 25/NQ-CP ngày 8/2/2017 chương trình hành động của Chính phủ triển khai Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Chính phủ đã xác định nhiệm vụ:

Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định nhằm tăng thẩm quyền và đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc tạm đình chỉ công tác cán bộ, công chức, viên chức dưới quyền để kiểm điểm khi có dấu hiệu vi phạm hoặc chậm trễ, trì trệ, kém hiệu quả trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; phối hợp với các cơ quan chức năng có biện pháp ngăn chặn hành vi bao che, cản trở, gây khó khăn trong xử lý hoặc có dấu hiệu bỏ trốn.

Tổng kết, đánh giá và đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Cán bộ, công chức và Luật viên chức, Luật Thi đua, khen thưởng; khẩn trương bổ sung quy định về việc xử lý nghiêm đối với cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm, kể cả khi đã thôi việc, nghỉ hưu, chuyển công tác. Rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ giữa kỷ luật của Đảng với kỷ luật hành chính của Nhà nước.

Hoàn thiện các quy định về công tác cán bộ, khắc phục những bất hợp lý trong công tác cán bộ như phân công, phân cấp, thẩm quyền quản lý, quy trình bổ nhiệm… nhằm đảm bảo nguyên tắc bình đẳng, tổng thể, liên thông giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị, chấn chỉnh, khắc phục tình trạng kén chọn vị trí, chức danh trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Đẩy mạnh quy hoạch cán bộ và đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ sau quy hoạch. Triển khai thực hiện việc đổi mới phương thức tuyển chọn cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu theo hướng công khai, dân chủ, minh bạch.

Kiên quyết sàng lọc, miễn nhiệm, thay thế, cho từ chức đối với cán bộ, công chức, viên chức làm việc kém hiệu quả, không hoàn thành nhiệm vụ, yếu về năng lực, kém về phẩm chất đạo đức, tín nhiệm thấp mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu các cấp và những trường hợp người nhà, người thân của cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp có nhiều dư luận thắc mắc, không đồng tình và công khai kết quả xử lý.

Để thực hiện tốt hơn nữa công tác cán bộ trong thời gian tới, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đang chỉ đạo Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Nội vụ rà soát lại các văn bản hiện hành quy định về công tác cán bộ, nhất là về các nội dung phân cấp, quy hoạch; tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm đối với cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo quản lý để chỉnh sửa, bổ sung quy định cho phù hợp và chặt chẽ trong công tác phân cấp, quy hoạch, tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo quản lý,… nhằm đảm bảo nguyên tắc bình đẳng, tổng thể, liên thông giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị.

Đồng thời, xử lý nghiêm những trường hợp suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, không bảo đảm về tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình bổ nhiệm, năng lực và hiệu quả công tác thấp, nhất là những trường hợp người nhà, người thân của cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp có nhiều dư luận.

Nguyễn Dương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm