1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Không dùng thư giấy, UBND TPHCM tiết kiệm hơn 1 tỷ đồng mỗi năm

(Dân trí) - Theo Văn phòng UBND TPHCM, sau 2 tháng gửi thư mời qua email, tin nhắn SMS thay cho hình thức thư mời bằng giấy như trước đây, UBND TPHCM đã tiết kiệm được hơn 180 triệu đồng.

Phó Chánh Văn phòng UBND TP Võ Sĩ cho biết như trên tại cuộc họp trực tuyến kết quả cải cách hành chính 9 tháng đầu năm của UBND TPHCM, diễn ra chiều 12/10.

Mỗi năm TPHCM sẽ tiết kiệm hơn 1 tỷ đồng nhờ sử dụng thư mời điện tử (ảnh minh họa)
Mỗi năm TPHCM sẽ tiết kiệm hơn 1 tỷ đồng nhờ sử dụng thư mời điện tử (ảnh minh họa)

Theo ông Sĩ, từ 20/7 đến 20/9, Văn phòng UBND TP đã ngưng gửi thư mời họp, thư mời kèm tài liệu bằng giấy in. Thay vào đó, Văn phòng đã chuyển sang hình thức gửi thư điện tử, tin nhắn SMS.

Theo tính toán, sau 2 tháng thực hiện, UBND TP đã tiết kiệm được phí bưu chính 183,5 triệu đồng, trong đó chi phí thư hoãn họp là gần 90 triệu đồng. Ngoài ra, mỗi tháng còn tiết kiệm được 1 triệu đồng tiền giấy, mực in để phát hành thư. Như vậy, mỗi năm UBND TP tiết kiệm hơn 1 tỷ đồng.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến, khi thực hiện thư mời điện tử thì giảm được áp lực giao thông, ùn tắc giao thông. Ngoài ra, khi tiết kiệm được chi phí hành chính thì thu nhập của cán bộ công chức cũng tăng lên khi thực hiện theo cơ chế khoán. Ông Tuyến khuyến khích các đơn vị hành chính nhanh chóng triển khai mô hình trên để giảm chi phí mà nâng cao hiệu quả công việc.

Ông Tuyến nhấn mạnh rằng, cải cách hành chính thì không nói nhiều mà phải đi vào công việc cụ thể để phục vụ lợi ích người dân, doanh nghiệp. Trong tương lai, TP hướng tới giảm dần lượng người dân giao dịch thủ công. Toàn bộ các đơn vị liên thông thực hiện qua điện tử.

“Chúng ta chấm dứt chạy văn bản bằng văn thư. Bây giờ một văn bản từ sở này sang sở kia mà mất 2 tuần. Đó là nguyên nhân trễ hẹn. Sử dụng văn bản điện tử vừa phù hợp với loại hình dịch vụ công trực tuyến và cũng tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, giảm nhũng nhiễu, phiền hà…”, ông Tuyến nhấn mạnh.

Tại cuộc họp, UBND quận 8 cho rằng, địa phương có áp dụng mô hình dịch vụ công trực tuyến, gửi hồ sơ điện tử nhưng người dân vẫn ngại đính kèm. Nguyên nhân là do người dân chưa quen và cũng nghi ngại tính hiệu quả khi nộp hồ sơ điện tử.

Đồng quan điểm, ông Tuyến cũng thừa nhận việc triển khai dịch vụ công trực tuyến còn trở ngại là người dân chưa quen. Do đó, ông Tuyến đề nghị các quận, huyện nghiên cứu, khuyến khích mở rộng dịch vụ trực tuyến để hỗ trợ người dân nhanh hơn và thiết thực hơn.

“Muốn có chính quyền điện tử thì phải có công dân điện tử. Muốn có công dân điện tử thì phải có doanh nghiệp, dịch vụ hỗ trợ người dân tham gia giao dịch điện tử. Điều này góp phần công khai, minh bạch thủ tục hành chính, giảm phiền hà tiêu cực, nhũng nhiễu”, ông Tuyến nói.

Quốc Anh