Khoa học và Công nghệ là khâu đột phá trong tái cơ cấu nông nghiệp
(Dân trí) - Chiều ngày 11/11, Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) và Bộ Khoa học & Công nghệ (KH&CN) đã ký kết chương trình phối hợp hoạt động khoa học và công nghệ giữa hai đơn vị. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đánh giá, Khoa học và Công nghệ là khâu đột phá trong tái cơ cấu nông nghiệp.
Tại lễ ký, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường và Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh đều khẳng định, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ là khâu then chốt tạo sự đột phá, góp phần thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.
Theo đó, trong giai đoạn 2016 - 2020, Bộ NN&PTNT và Bộ KH&CN sẽ ưu tiên thực hiện hiệu quả các chương trình: Công nghệ sinh học trong nông nghiệp, thủy sản; Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Phát triển sản phẩm quốc gia và chương trình khoa học công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới. Cụ thể, chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020 sẽ tập trung vào các sản phẩm chủ lực của ngành nông nghiệp, các sản phẩm lợi thế của địa phương.
Bên cạnh đó, hai Bộ sẽ phối hợp xây dựng một số dự án khoa học và công nghệ cấp Nhà nước, một số chương trình nghiên cứu trọng điểm cấp bộ. Trong đó, sẽ ưu tiên tập trung cho một số ngành hàng, sản phẩm chủ lực, có lợi thế cạnh tranh cấp quốc gia. Đặc biệt chú trọng đến nghiên cứu phát triển công nghệ chế biến sâu, công nghệ bảo quản để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm nông sản Việt Nam.
Đến nay, nước ta đã có trên 90% diện tích lúa, 80% diện tích ngô, 60% diện tích mía, toàn bộ diện tích điều trồng mới được sử dụng giống mới… đưa tỷ trọng áp dụng giống tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp ngày càng tăng. Nhiều công nghệ mới được áp dụng đã góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp và nông thôn, tăng giá trị xuất khẩu, đưa nước ta vào nhóm các nước xuất khẩu hàng đầu thế giới về tôm, cá tra, cà phê, hạt điều, hạt tiêu và gạo. Theo số liệu thống kê, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản trong 10 tháng đầu năm 2016 tăng khá, đạt khoảng 26,4 tỷ USD (tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước), trong đó có 4 mặt hàng đạt kim ngạch trên 2 tỷ USD (thủy sản, rau quả, cà phê, hạt điều) và 7 mặt hàng khác đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, qua đó đã tạo ra nhiều công ăn, việc làm và thu nhập cho người dân.
Phát biểu tại Lễ ký kết, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, 2 bên đã soạn thảo 10 nhóm nội dung hợp tác và để thể hiện rõ quyết tâm phải coi những giải pháp khoa học và công nghệ là khâu đột phá tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng xây dựng những nhóm sản phẩm quốc gia, chủ lực của các tỉnh, thành phố và địa phương. Theo đó, cụ thể hóa chương trình hành động bằng cách đưa vào những dòng sản phẩm nông nghiệp theo các cấp độ khác nhau.
Những lĩnh vực cần đột phá bằng đề tài, đề án, dự án 2 Bộ tập trung nguồn lực để triển khai. Đồng thời thúc đẩy mối quan hệ liên kết của “4 nhà”, trong đó có vai trò nhà khoa học ở vị trí nào để tạo ra sản phẩm nông sản. Chương trình phối hợp ký kết lần này góp phần giúp 2 Bộ thực hiện tốt chính sách mới về phát huy nguồn lực xã hội trong nghiên cứu, ứng dụng, sản xuất áp dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp.
Ngoài ra, trước đó, trong sáng nay (11/11), Bộ NN&PTNT và Tổng cục Thống kê đã ký kết Quy chế phối hợp về công tác thống kê và chia sẻ thông tin thống kê giữa 2 cơ quan.
Theo đó, Bộ NN&PTNT và Tổng cục Thống kê tập trung nâng cao hiệu quả công tác thống kê trong lĩnh vực NN&PTNT từ Trung ương đến địa phương; Đảm bảo tính thống nhất và hiệu quả trong thu thập, sử dụng thông tin thống kê; sử dụng hiệu quả nguồn lực của 2 cơ quan đáp ứng yêu cầu quản lý, chỉ đạo điều hành và xây dựng cơ sở dữ liệu ngành. Trong công tác thống kê, 2 bên cùng xây dựng các văn bản pháp lý, phối hợp thực hiện Tổng điều tra, điều tra thống kê và các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ khác.
Nguyễn Dương