“Hội nhập sâu nhưng không đổi mới quyết liệt, chúng ta sẽ tụt hậu”
(Dân trí) - Tại cuộc hội thảo kỷ niệm 70 năm thành lập ngành Ngoại giao Việt Nam, nhiều đại biểu cho rằng, chưa bao giờ Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay, tuy nhiên, nếu mở cửa mạnh nhưng không chú trọng đổi mới quyết liệt từ bên trong, chúng ta sẽ tụt hậu.
Hôm nay (12/8), Bộ Ngoại giao Việt Nam tổ chức Hội thảo “70 năm Ngoại giao Việt Nam vì Sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” nhằm đánh giá những đóng góp của ngành Ngoại giao trong 70 năm qua và kiến nghị định hướng trong thời gian tới.
Hội thảo có sự tham gia của gần 100 đại biểu là lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nguyên lão thành của ngành Ngoại giao và các Bộ, ban, ngành trung ương và địa phương. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Binh Minh tới dự và phát biểu tại hội thảo.
Cần chiến lược đối ngoại sắc sảo
Trong bài phát biểu, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh khẳng định những đóng góp quan trọng của ngành ngoại giao với sự nghiệp đấu tranh bảo vệ tổ quốc, xây dựng đất nước và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Theo Phó Thủ tướng, sau 30 năm Đổi mới, trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực diễn biến nhanh chóng khó lường, Việt Nam tiếp tục phải giải quyết nhiều vấn đề quan trọng và phức tạp về đối ngoại. Nhiệm vụ “giữ vững môi trường hòa bình, thuận lợi cho đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; nâng cao vị thế của đất nước; góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới.” đặt các thế hệ cán bộ ngoại giao hôm nay trước những yêu cầu mới.
Bên cạnh đó, những định hướng trong đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng về hội nhập quốc tế, đưa quan hệ quốc tế đi vào chiều sâu, Việt Nam tích cực chủ động trong hợp tác khu vực, nhất là trong ASEAN, và kiên quyết bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước – cũng phải được triển khai đồng bộ, mạnh mẽ, hiệu quả hơn, với sự đồng thuận rộng lớn hơn trong thời gian tới, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Phát biểu tại hội thảo, ông Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhận định, “Cục diện thế giới ngày nay vừa có hợp tác, vừa có đấu tranh, bắt nguồn từ sự đồng thuận về chiến lược và xung đột giữa các nước lớn và các khối. Nếu đồng thuận được thì hợp tác và không đồng thuận được thì đấu tranh. Ngoại giao nói riêng và các ngành nói chung cần nhận thức trong việc khai thác cục diện này để có bước đi chiến lược sắc sảo đối với hội nhập quốc tế".
Thách thức lớn nhất đối với đối ngoại hiện nay là cùng lúc phải giải quyết tốt hai nhiệm vụ: giữ gìn môi trường hòa bình, thuận lợi cho phát triển; đồng thời giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững an ninh Tổ quốc, trật tự an toàn xã hội. Việc giải quyết tốt đồng thời hai nhiệm vụ này ngày càng khó khăn hơn trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới, đặc biệt là quan hệ giữa các nước lớn, có những biến chuyển phức tạp, khó lường; cạnh tranh về các nguồn lực phát triển, các vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống nổi lên ngày càng gay gắt.
Hội nhập sâu rộng phải đi đôi với đổi mới quyết liệt
Trình bày ý kiến tại hội thảo, Giáo sư Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị thế giới đề cập đến chức năng chính của ngành ngoại giao là trụ cột để hoạch định chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước.
“Bộ Ngoại giao là cơ quan duy nhất có đại sứ ở nước ngoài, đây là các “tai mắt” đối ngoại, vì vậy, người cán bộ ngoại giao luôn phải xem lãnh đạo, nhân dân các nước nghĩ và hành động ra sao. Điều này rất quan trọng vì sống trong thời kỳ toàn cầu hóa, chúng ta phải suy nghĩ và hành động cùng thế giới. Nếu đi trước được thì tốt nhưng nếu không, ít nhất phải hành động cùng thế giới để tránh bị tụt hậu. Về mặt này, Bộ Ngoại giao cần làm tốt hơn nữa”, ông nói.
Đến nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với hơn 180 nước trong 193 quốc gia thành viên Liên Hợp quốc; có quan hệ thương mại với hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ… Trong đó, chúng ta đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với 15 nước, quan hệ đối tác toàn diện với 11 nước.
Việt Nam đã ký Hiệp định thương mại tự do (FTA) với 15 đối tác và đang tiếp tục đàm phán với 8 đối tác khác, là một trong ít nước tiên phong và ký FTA nhiều nhất thế giới. Việc ký FTA cũng có nghĩa đặt nền kinh tế đối mặt với cạnh tranh toàn cầu.
Tuy nhiên, theo Giáo sư Võ Đại Lược, “Nếu hội nhập sâu rộng mà không đổi mới quyết liệt từ bên trong thì nền kinh tế của chúng ta sẽ càng gặp nhiều thách thức hơn nữa”.
Trên thực tế, lãi suất của Việt nam vào hàng cao nhất thế giới khi lãi suất cho vay ở mức 10%, lãi suất huy động 7% so với mức 1-2% ở nhiều nước trên thế giới; lạm phát cộng dồn đã lên tới 70%, trong khi với đồng USD, lạm phát chỉ dưới 2%.
Ông Lược cũng cho rằng, trong ngoại giao có nhiều vấn đề lớn như ngoại giao an ninh, chính trị, quốc phòng, nhưng ngoại giao công nghệ cũng đóng vai trò rất quan trọng.
Ở Mỹ, chỉ có 10% bằng phát minh sáng chế được sử dụng, trong khi số còn lại bị bỏ do chưa đạt yêu cầu và họ phải nhập của nước khác. Hàng năm, Nhật và Trung Quốc bỏ hàng tỷ USD để nhập bằng sáng chế. Trong khi đó, Việt Nam nhập khẩu nhiều thứ, nhưng lại không nhập bằng sáng chế.
Với vai trò của mình, ngành ngoại giao cần tham vấn với Chính phủ để có những chính sách khuyến khích doanh nghiệp doanh nghiệp, cơ quan nghiên cứu nhập các bằng phát minh sáng chế nhằm thúc đẩy sự phát triển sáng tạo của nền kinh tế, ông nói.
Trình độ công nghệ của Việt Nam hiện thấp so với những nước tiên tiến. Cho đến nay Việt Nam mới chủ yếu nhập khẩu máy móc thiết bị, chưa nhập các bằng sáng chế, phát minh... do vậy tiềm năng này còn rất lớn.
Tại hội thảo, các đại biểu cũng được nghe tham luận từ đại diện của Hội đồng Lý luận Trung ương; Bộ Quốc phòng; Ban Đối ngoại Trung ương, Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, Bộ Công an, Bộ Công thương…
Nam Hằng