1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nhà báo Trần Đình Bá và cuộc “đụng đầu" với một VIP (kỳ 2):

Hé mở tấm màn bí mật

(Dân trí) - Khi loạt bài “Sự thật về nhà ở của đồng chí Tô Duy” xuất hiện trên báo chí năm 1987, cũng là lúc nhà báo Trần Đình Bá phải đối mặt với sự phản công từ phía một vị lãnh đạo cao cấp ngang hàm bộ trưởng. Ban Bí thư Trung ương Đảng đã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp ít ngày sau đó…

Cuộc đối chất lịch sử

 

Khi tôi phát biểu xong thì nhà báo Trần Công Mân (TBT báo Quân đội Nhân dân) đứng lên phát biểu tiếp (tôi không kể lại những đoạn phát biểu này vì sẽ quá dài và làm mất thì giờ của bạn đọc mặc dù ông Mân phát biểu rất hay). Sau đó, đồng chí Đỗ Mười tuyên bố nghỉ giải lao. Hết giờ giải lao, Ban Bí thư hội ý riêng khoảng 30 phút rồi cuộc họp tiếp tục.

 

Lúc này phát biểu trước tiên là đồng chí Trần Quốc Hương (Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính T.Ư). Ý kiến của đồng chí Trần Quốc Hương đại ý như sau: “Nội bộ của cơ quan Trọng tài Kinh tế Nhà nước có mâu thuẫn từ lâu. Cả 5 căn hộ đều cấp cho anh Tô Duy đề nghị anh Tô Duy kiểm điểm sâu sắc”.

 

Chiều 18/5, sau khi kỳ một bài báo được đăng tải trên Dân trí, chúng tôi nhận được điện thoại của nhà báo Trần Đình Bá. Ông cười rồi nói: “Nếu so với bây giờ thì “vụ Tô Duy” của gần 20 năm trước quá nhỏ bé. Nhất là cái diện tích nhỏ nhoi ấy so với các quan chức bây giờ chiếm dụng đất đai từ tham nhũng thì nhằm nhò gì”.

 

Ông nói đúng, nhưng mỗi bài báo ở vào một thời điểm đều có ý nghĩa của nó. Ý nghĩa của “vụ Tô Duy” chính là ở chỗ báo chí đã lao vào những “điểm nóng” như thế nào và cuộc đấu tranh đó cam go ra sao?

Tiếp đến đồng chí Nguyễn Đức Tâm (Uỷ viên Bộ Chính Trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban tổ chức T.Ư) phát biểu. Ý kiến của đồng chí Nguyễn Đức Tâm cũng xoay quanh việc phê bình đồng chí Tô Duy về việc nhà ở. Tiếp đến là ý kiến của đồng chí Đào Duy Tùng (Uỷ viên dự khuyết Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng). Cuối cùng thì đồng chí Đỗ Mười (Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Thường trực Ban Bí thư) kết luận, một kết luận mà trong đời làm báo tôi luôn nhớ. Ít nhất thì kết luận của đồng chí lãnh đạo cao cấp lúc đó cũng rất rõ ràng: “Anh Tô Duy phải bình tĩnh tự kiểm điểm, phê và tự phê sâu sắc trước Đảng bộ cơ sở, trước quần chúng để giải quyết nội bộ”.

 

17h30 phút ngày 30/7/1987, cuộc họp kết thúc.

 

Mọi người lần lượt ra về. Tôi soạn tài liệu cho vào cặp. Nhìn sang thấy ông Tô Duy vẫn ngồi yên chỗ cũ. Tôi bước ra khỏi phòng họp. Được mươi bước, tôi đột ngột quay lại nhìn, thấy ông Tô Duy đang nhoài người nói chuyện với một đồng chí cán bộ cao cấp đứng trước mặt. Có thể ông ấy đang muốn thanh minh thêm điều gì chăng?

Chưa bao giờ, một vụ việc chống tiêu cực của báo chí lúc ấy lại được sự quan tâm của các vị lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước như vụ Tô Duy. Âm vang của “cuộc đối chất lịch sử” ngày 30/7/1987 được truyền đến tai bạn đọc như một tín hiệu cho thấy thái độ kiên quyết của cấp trên về một vụ tiêu cực gây xôn xao dư luận.

 

Nhiều người tin chắc rằng trước các kết luận của các vị lãnh đạo trong cuộc đối chất này sự việc sẽ được giải quyết nhanh chóng. Bạn đọc nóng lòng được đọc những thông báo kết luận về vụ Tô Duy. Chúng tôi cũng vậy, nhưng chúng tôi cũng lờ mờ hiểu được tính chất của sự việc lại gay go, phức tạp hơn nhiều.

 

Kết luận của Ban Bí thư

 

Đầu tháng 8, Báo QĐND nhận được thông báo của Ban Bí thư kết luận về “vụ Tô Duy”. Nhà báo Trần Đình Bá kể lại: “Khi nhận được thông báo này, chúng tôi mừng húm. Trung ương đã giải quyết vụ việc rất nhanh, nhưng thật bất ngờ. Trong thông báo này lại ghi một câu rất khó hiểu là “Kết luận của Ban Bí thư về dư luận đồng chí Tô Duy...” Tại sao lại là kết luận về dư luận? Tôi thẳng thắn trình bày quan điểm với TBT Trần Công Mân: Tôi thấy kết luận này không phản ánh đủ tinh thần cơ bản của cuộc họp ngày 30/7. Bởi việc chiếm dụng diện tích nhà là thực tế quá rõ ràng, không còn là “dư luận” nữa. Nếu vẫn là “dư luận” thì làm sao có “kết luận” được.

 

TBT Trần Công Mân đắn đo suy nghĩ một lúc rồi nói: “Thôi cậu về viết công văn báo cáo Ban Bí thư. Chú ý chỉ nói mấy điểm kết luận thôi”. Hôm sau tôi soạn xong công văn, mang đánh máy và được TBT sửa rất kỹ trước khi gửi đi. Một tuần sau, rồi một tháng sau, sự việc như chìm vào im lặng đáng sợ.

 

Mặc dù kết luận của Ban Bí thư ghi rõ: “Giao cho Đảng uỷ khối Nội chính, Uỷ ban kiểm tra T.Ư chỉ đạo chi bộ của đồng chí Tô Duy, Đảng uỷ cơ quan Trọng tài kinh tế Nhà nước tiến hành kiểm điểm đồng chí Tô Duy. Việc kiểm điểm phải được tiến hành nghiêm túc”, nhưng trên thực tế đã có những thế lực khác đã đẩy chệch sự việc đi theo hướng khác.

 

Ông Tô Duy đã được “minh oan” như thế nào?

 

Chiếc “gậy thần” được đưa ra thật đúng lúc để cứu ông Tô Duy khỏi bị kiểm điểm chính là kết luận của Bộ Xây dựng. Bằng công văn số 740 ngày 7/9/1987 do Bộ trưởng Phan Ngọc Tường ký gửi Ban Bí thư và đồng chí Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Công văn này kết luận: Theo tiêu chuẩn tối thiểu của NĐ 150/CP thì diện tích nhà ở của đồng chí Tô Duy thừa khoảng... 5m2. Diện tích này so với đất đai tham nhũng của các quan chức bây giờ thì đúng là nực cười. Với diện tích như vậy đâu đáng để đưa sự việc của đồng chí Tô Duy lên báo chí và đâu đáng để bị phải... kiểm điểm?

 

Báo QĐND ngay lập tức có công văn gửi Bộ Xây dựng. Ngày 22/9/1987, tôi mang công văn của TBT đến Văn phòng Bộ Xây dựng xin được gặp Bộ trưởng đề nghị ông trả lời 6 câu hỏi. Tất nhiên, ông Phan Ngọc Tường lấy rất nhiều lý do để né tránh phải đối đầu trực diện với báo chí (như khá nhiều vị lãnh đạo các bộ, ngành sau này cũng vậy. Họ thường chọn giải pháp “bận” để né tránh báo chí, nhưng thực tế là sự thiếu dũng cảm của họ).

 

Sau một thời gian, chúng tôi nhận được bản trả lời đánh máy sẵn của Bộ trưởng Phan Ngọc Tường do Văn phòng bộ chuyển. Đọc kỹ bài trả lời, chúng tôi thấy đồng chí Bộ trưởng chỉ loanh quanh. Toàn bộ bài trả lời này cũng như bài trả lời của ông Phùng Minh - Giám đốc Sở Nhà đất Hà Nội về diện tích nhà ở của ông Tô Duy  được báo QĐND đăng ngày 19/10/1987. Đó là đòn “chặn viện” mà chúng tôi buộc phải sử dụng. Sau bài báo này, ông Tô Duy đã phải tiến hành kiểm điểm trước toàn thể cán bộ, công nhân viên cơ quan Thanh tra Kinh tế Nhà nước.

 

Ngày tháng cứ thế trôi đi trước sự thúc giục gay gắt của dư luận đòi hỏi phải kết luận công khai vấn đề nhà ở của ông Tô Duy. Có rất nhiều thư bạn đọc gửi đến toà soạn yêu cầu vụ việc phải được làm sáng tỏ. Có những bạn đọc đến tận toà soạn hỏi rồi ngẩn ngơ ra về. Chúng tôi, những người làm báo, cũng đành phải chờ. Vì vũ khí của chúng tôi chỉ có ngòi bút, lòng dũng cảm và những bài báo, và vẫn có những “vùng cấm” mà chúng tôi không thể vượt qua.

 

Hai tháng cuối cùng của năm 1987, vụ “Tô Duy” tiếp tục chìm trong “sự im lặng đáng sợ”. Đến tháng 3/1988, Ban Bí thư lại phải có công văn thứ hai chỉ thị cho các cơ quan phải giải quyết dứt điểm vụ việc này. Gần 1 tháng sau, Bộ Xây dựng lại có văn bản kết luận khác khá bất ngờ, lần này do Thứ trưởng Phạm Sĩ Liêm ký.

 

Văn bản 517, ngày 1/4/1988 kết luận: Nhà ở của đồng chí Tô Duy thừa 5,2m2. Quả thật là nực cười, khi sau bao lâu tính đi tính lại, với rất nhiều ý kiến chỉ đạo, thúc giục, cuối cùng Bộ Xây dựng tính thêm diện tích thừa của ông Tô Duy thêm được 0,2 m2 nữa so với kết luận cũ.

 

Cuối cùng cả 5 chỗ ở của ông Tô Duy vẫn được giữ nguyên. Sau mấy ngày kiểm điểm trước chi bộ, khi đến tuổi nghỉ hưu, ông Chủ tịch TTKTNN cũng được nghỉ hưu như bao người đến tuổi nghỉ hưu khác.

 

Tôi cảm thấy ngậm ngùi và cay đắng suốt bao ngày sau đó. Bài báo “Sự thật về nhà ở của đồng chí Tô Duy” được dư luận đồng tình ủng hộ, nhưng rồi cuối cùng nó cũng như hòn đá ném xuống ao bèo. Bèo có dạt ra, nước có chao động nhưng sau đó lá bèo lại phủ kín mặt ao.

 

Nhà báo Trần Đình Bá sinh năm 1947. Năm 1999, ông viết đơn xin nghỉ hưu lúc mới 52 tuổi, cái tuổi đang rất chín về nghề và vẫn còn rất sung sức. Trong đơn xin nghỉ hưu sớm ông viết: “Mấy năm qua, cơ chế thị trường đã tác động sâu sắc đến mọi mặt của đời sống. Tôi trở thành một loại cán bộ không còn thích hợp với cơ chế thị trường, vì vậy tôi viết đơn này xin nghỉ”. Sau này đôi khi trong lúc trà dư tửu hậu, ông tâm sự: Có quá nhiều tham nhũng, nhiều cán bộ sâu mọt đang hoành hoành đất nước. Ông có cảm giác mình chỉ như hạt cát, quá nhỏ bé trước những tiêu cực của xã hội. Nghỉ, ông cảm thấy thanh thản hơn.

 

NMT

 

Kỳ tới: Phía sau cái chết bi phẫn của một TGĐ