Những vụ án bây giờ mới kể:

Nhà báo Trần Đình Bá và cuộc “đụng đầu” với một VIP

(Dân trí) - Năm 1987, trên báo Quân đội nhân dân xuất hiện bài báo “Sự thật về nhà ở của đồng chí Tô Duy” đã gây chấn động dư luận. Ông Tô Duy là Chủ tịch Trọng tài kinh tế Nhà nước, hàm ngang Bộ trưởng. Động đến một vị lãnh đạo, hàm Bộ trưởng là một chuyện “động trời” vào thời kỳ đó.

Người viết loạt bài này là nhà báo, Thượng tá Trần Đình Bá. Và với ông, vụ việc sẽ mãi không thể quên được... Chúng tôi kể lại vụ việc này không nhằm chỉ trích cá nhân được nêu trong bài mà chỉ muốn qua lời kể của Trần Đình Bá để bạn đọc phần nào hiểu được cuộc đấu tranh của báo chí  trong giai đoạn này khó khăn như thế nào.

 

Động vào vùng “cấm”

 

Theo bài báo nêu thì ông Tô Duy với cương vị là Chủ tịch trọng tài kinh tế Nhà nước đã lạm dụng chức quyền và ảnh hưởng của mình để chiếm dụng quá tiêu chuẩn diện tích nhà ở nên đã gây tình trạng mất đoàn kết nghiêm trọng ở cơ quan Trọng tài Kinh tế nhà nước. Đơn thư gửi đến nhiều cơ quan, trong đó có báo Quân đội nhân dân (QĐND). Nhà báo Trần Đình Bá kể: Nhận được thư của bạn đọc, tôi hiểu rằng nếu có làm vụ này sẽ động đến vùng cấm. Những cán bộ cao cấp như ông Tô Duy đều thuộc quyền quản lý của Ban Bí thư, Bộ Chính trị.

 

Theo đánh giá của dư luận lúc ấy thì bài báo “Sự thật về nhà ở của đồng chí Tô Duy” là một sự kiện chưa từng có của báo Quân đội Nhân dân. Hội Nhà báo đã xếp giải A, trao phần thưởng và bằng khen về tác phẩm chống tiêu cực đạt hiệu quả cao.

Ngày 15/1/1987, tôi nộp bài cho Tổng biên tập (TBT), nhưng bài báo nằm im trên bàn thủ trưởng suốt mấy tháng liền. TBT của báo QĐND lúc đó là Thiếu tướng Trần Công Mân, một người mà tôi rất kính trọng. Trước mỗi sự việc, nhất là đấu tranh chống tiêu cực, ông rất kiên quyết nhưng cũng rất thận trọng. Cuối cùng qua rất nhiều trăn trở, đến ngày 9/4/1987 trên báo QĐND cũng xuất hiện được dòng nhắn tin về “Một số vụ việc ở cơ quan Trọng tài Kinh tế Nhà nước”. Dòng nhắn tin này nếu đăng vào thời bây giờ thì chẳng có tí tác dụng gì nhưng ở vào thời điểm đó, nó lập tức gây được sự chú ý của dư luận.

 

Ông Tô Duy còn là ứng cử viên Đại biểu Quốc hội khoá VIII. Dòng tin nhắn nhỏ này như một “quả bom” tạo những hiệu ứng rất mạnh. Ban Nội chính T.Ư và Uỷ ban kiểm tra T.Ư được triệu tập để báo cáo với Ban Bí thư về kết quả kiểm tra đơn thư tố cáo về ông Tô Duy. Các báo cáo này đều khẳng định việc ông Tô Duy sử dụng quá nhiều diện tích nhà ở và quỹ công sai tiêu chuẩn là có thật. Ngay sau đó ông Tô Duy được gợi ý rút ra khỏi danh sách ứng cử viên QH khoá VIII. Hội đồng bầu cử QH số 5 của tỉnh Hải Hưng (nơi ông Tô Duy ứng cử) nhận được thông báo quyết định xoá tên ông Tô Duy khỏi danh sách ứng cử viên.

 

Tôi cảm thấy như mình vừa làm được một việc đúng, nhưng tôi cũng hiểu tất cả chỉ mới bắt đầu. Tôi và cả TBT Trần Công Mân đều sẽ phải chuẩn bị đối phó với những đòn phản công của ông Tô Duy. Điều nguy hiểm là tất cả những thư, báo cáo của tôi và TBT gửi Hội đồng bầu cử, gửi 5 vị lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng và Nhà nước lúc đó thì ông Tô Duy cũng đều có được.

 

Ông Tô Duy hiểu rằng báo đang bị “đèn đỏ” và sự phản ứng của ông càng quyết liệt. Tôi hiểu rằng, báo chí chỉ có một vũ khí duy nhất là ngòi bút và thêm nữa là lòng dũng cảm. Nhưng vũ khí lợi hại là các bài báo thì đã bị “niêm cất” (ông Đào Duy Tùng lúc bấy giờ là Uỷ viên dự khuyết Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Tuyên huấn T.Ư và ông Trần Quốc Hương, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Nội chính T.Ư đều có ý kiến chỉ đạo với báo QĐND là tạm dừng không đăng về vụ ông Tô Duy). Tình thế của tôi chẳng khác nào ngồi lên lưng hổ, nhưng dây xích hổ lại nằm trong tay người khác.

 

Chỉ có thể đi tiếp

 

Đã có lúc tôi nao núng vì cảm thấy cuộc chiến đấu mà mình đang theo đuổi thật khủng khiếp, nhưng rồi tôi đọc lại nghị quyết VI của Đảng, đọc lại “Những việc cần làm ngay” của tác giả N.V.L (bút danh của Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh) và tất cả lại cho tôi niềm tin. Tôi quyết định viết thư cho 3 vị lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng và Nhà nước lúc bấy giờ là Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, Chủ tịch Hội Đồng Nhà nước Trường Chinh và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng. Tôi cố gắng tìm con đường ngắn nhất và nhanh nhất để những bức thư tay này đến các đồng chí ấy một cách nhanh nhất và chờ đợi...

 

Ngày 2/7/1987, vừa bước chân vào toà soạn tôi nhận được thư. Một phong bì mà với tôi thấm đẫm nước mắt. Thư từ Văn phòng Tổng Bí thư. Trong bức thư có ý kiến của đích thân Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh: “Nếu bài viết có nội dung tốt, chính xác, chân thực, có tác dụng xây dựng thì đồng chí TBT quyết định cho đăng và báo chịu trách nhiệm với bạn đọc”. Tôi mừng khôn xiết. Tưởng chừng vụ việc đi vào chỗ bế tắc thì đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng lại rất quan tâm. Ngày 22/7/1987 là một ngày thực sự đáng ghi nhớ trong cuộc đời làm báo của tôi. Suốt đêm hôm trước tôi không thể ngủ được bởi bài báo “Sự thật về nhà ở của đồng chí Tô Duy” đã được BBT đồng ý cho đăng. Tôi đi qua các quầy báo, thấy nhiều người mua báo QĐND. Ai cũng chăm chú đọc bài báo ở trang 2. Đó là một phần thưởng vô giá đối với tôi.

 

“Sự thật về nhà ở của đồng chí Tô Duy” lập tức gây chấn động dư luận hàng triệu độc giả trong cả nước. Nhiều báo đã trích đăng lại kèm theo lời bình luận. Riêng báo Đồng Nai đăng lại nguyên văn. Hàng ngàn bạn đọc đã gửi thư, gọi điện hoặc trực tiếp đến toà soạn để bày tỏ sự đồng tình và ủng hộ.

 

Nhưng sau bài báo được đăng, tôi mới hiểu, thực ra cuộc đấu mới chỉ mở màn.

 

Cuộc họp quan trọng của Ban Bí thư

 

Trần Đình Bá sinh năm 1947, tại Nghệ An.

 

1972-1975: tham gia chiến đấu tại mặt trận Quảng Trị.

 

Phóng viên báo QĐND từ năm 1976 tới 2002.

 

Năm 2002 ông nghỉ hưu với cấp hàm Trung tá.

Tối ngày 24/7/1987, tôi vừa tắt đèn lên giường thì có người gọi vẻ hốt hoảng. Thì ra là Nguyễn Kinh Quốc, phóng viên nhiếp ảnh của báo (bây giờ thì Quốc đã là một cán bộ có cỡ rồi). Tôi vừa mở cửa Quốc đã nói ngay: Anh xuống ngay, “cụ” Thuỳ đang đứng chờ dưới sân. “Cụ” Thùy là cách chúng tôi gọi thân mật Phó TBT báo QĐND Bùi Biên Thuỳ. Việc “cụ” đến tận nhà tôi giữa lúc khuya khoắt thế này chắc là nghiêm trọng lắm. Vừa gặp “cụ” đã nói ngay: Ban Bí thư triệu tập vào Sài Gòn ngày 28 để họp về vụ Tô Duy. Tôi hiểu không phải cứ có bài báo ra là có thể gặt hái được chiến thắng. Chân lý bao giờ cũng phải trải qua rất nhiều gian khó.

 

Sáng ngày 27/7, chúng tôi có mặt ở TPHCM để chuẩn bị cho cuộc họp quan trọng này.

 

Có lẽ chưa bao giờ có một cuộc họp vì một bài báo lại có thể phải triệu tập nhiều các vị lãnh đạo cao cấp của Đảng đến thế. Sau này, trong cuộc đời làm báo, chứng kiến rất nhiều cuộc họp lớn nhỏ tôi cũng chưa từng thấy. Chủ trì cuộc họp là đồng chí Đỗ Mười, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng (đồng thời là Thường trực Ban Bí thư). Thành phần dự họp gần như có đủ các đồng chí trong Ban Bí thư (6 đồng chí). Về phía báo QĐND có TBT Trần Công Mân, Phó TBT Bùi Biên Thuỳ và tôi. Tất nhiên về phía trọng tài kinh tế nhà nước có đồng chí Tô Duy.

 

Phần lớn các ý kiến của Ban Bí thư đều xoay quanh vấn đề diện tích nhà ở của đồng chí Tô Duy. Đến lượt mình, ông Tô Duy thủng thẳng mở cặp lấy ra một tập tài liệu đã xếp sẵn trao cho các đồng chí trong Ban Bí thư rồi đọc một bản giải trình dài thỉnh thoảng kéo thêm lời giải thích. Mất hơn 2 giờ đồng hồ. Tóm lại giải trình của ông Tô Duy tập trung ở mấy điểm: Báo QĐND đã đưa sai lệch các thông tin về cá nhân ông Tô Duy, thiếu tình người. Theo luật hình sự phải truy tố”. Ông Tô Duy phát biểu xong thì chủ toạ (đồng chí Đỗ Mười) tuyên bố nghỉ trưa, để đến buổi chiều báo QĐND phát biểu.

 

Buổi chiều hôm đó cũng là một trong những buổi chiều mà suốt đời làm báo tôi cũng không thể nào quên được. Chưa bao giờ tôi phát biểu dài như thế và cũng không biết tôi lấy đâu ra sức mạnh của sự hùng hồn để có thể diễn giải rất nhiều chứng cứ đúc kết lên bài viết.

 

NMT

(còn tiếp)