Những vụ án bây giờ mới kể:

Vụ Thọ Ngọc - Thanh Hóa: Giải thoát 5 “tù binh” giữa thời bình

(Dân trí) - Không phải điều tra, cũng không đưa nhau ra công đường, có một vụ việc khiến tôi rất nhớ đó là vụ Thọ Ngọc, Thanh Hoá, từng gây xôn xao dư luận. Có người suýt hiểu lầm cho rằng dân làm loạn. Nhưng cuối cùng bài học hiểu dân, an dân được áp dụng và chính các nhà báo đã làm được điều này.

5 “tù binh” giữa thời bình

 

Ngay sau khi làm xong vụ Đồng Tiến, thì vào năm 1989, có một đoàn nông dân Thanh Hoá đã kéo đến báo Đại Đoàn Kết, trình bày sự việc ở xã Thọ Ngọc, huyện Thọ Xuân, Thanh Hoá. Lúc này, tỉnh Thanh Hoá vừa mới giải quyết xong vụ Bí thư Tỉnh ủy Hà Trọng Hòa, người được điều về thay là ông Lê Huy Ngọ, nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Phú Thọ. Ông Lê Huy Ngọ quê Thanh Hoá, nên được Trung ương điều về làm Bí thư Tỉnh uỷ Thanh Hoá thay ông Hà Trọng Hòa vừa bị kỷ luật.

 

Sự việc ở Thọ Ngọc theo khiếu nại, tố cáo của nhân dân tóm tắt như sau: Nông dân Thọ Ngọc đấu tranh chống lại các khoản thu hà lạm, chống lại các vụ tham nhũng của lãnh đạo xã Thọ Ngọc. Điều này cũng tương tự như ở xã Đồng Tiến, Hải Hưng. Huyện Thọ Xuân đã cử công an về xã giữ gìn trật tự, dẫn tới xô xát giữa lực lượng bảo vệ chính quyền và người dân... Kết quả là có 2 nông dân bị trọng thương. Còn người dân bắt giữ 3 cảnh sát và 2 nhân viên Viện Kiểm sát huyện, trong đó có Viện trưởng Viện kiểm sát huyện Thọ Xuân.

 

Khi nhóm nông dân xã Thọ Ngọc đến báo Đại Đoàn Kết trình bày sự việc, thì vụ xô xát đã xong, nông dân đang giữ 5 “tù binh” và rào làng, “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Hai nông dân bị thương đã được đưa ra Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội để điều trị. Nhiều nông dân đi theo để canh gác. Phía huyện Thọ Xuân và tỉnh Thanh Hóa đang chuẩn bị đối phó, tìm cách giải thoát 5 “tù binh”.

 

Chúng tôi liên hệ với các báo bạn, và các báo bạn đề nghị chúng tôi tổ chức một đoàn nhà báo vào Thanh Hoá để tìm hiểu sự việc. Vào tới Thanh Hoá, chúng tôi được Bí thư Tỉnh uỷ Lê Huy Ngọ tiếp. Ông Ngọ rất chân tình, thân mật. Ông trình bày tóm tắt sự việc. Có người đề nghị Tỉnh ủy cho điều một đội cảnh sát đặc biệt đến giải thoát 5 người bị bắt làm “tù binh”, sẽ có sự hỗ trợ của cảnh sát đặc biệt từ Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) vào giúp. Ông Ngọ phản đối kế hoạch này.

 

Nếu làm như vậy, thì có thể 5 “tù binh” sẽ bị những người cầm giữ giết chết và sẽ có đổ máu lớn. Hiện nay nhân dân đang rào làng, kiểm soát mọi sự ra vào xã, chính quyền không thể vào làng, nên chính quyền không biết tình hình trong xã Thọ Ngọc như thế nào, số phận 5 “tù binh” ra sao. Nhà báo Lê Văn Ba (báo Tiền Phong)  thay mặt các nhà báo trong đoàn nêu ý kiến để các nhà báo vào Thọ Ngọc trước, nghe nguyện vọng của nhân dân, xem nhân dân đề nghị những gì, từ đó mới có hướng giải quyết. Bí thư tỉnh ủy Lê Huy Ngọ đồng ý.

 

Hôm sau, chiếc xe commăngca cà khổ của chúng tôi lên đường đến Thọ Ngọc. Cổng làng có đặt một barie bằng tre. Mấy thanh niên đứng gác. Chúng tôi trình thẻ nhà báo, 2 cán bộ của tỉnh Thanh Hóa đi theo chúng tôi không có thẻ nhà báo, nên không được vào làng. Họ lo lắng ngồi phía ngoài barie, chờ chúng tôi ra.

 

Ngôi làng rất đẹp, đường đi rộng, nhà cửa khang trang, có vẻ là một làng trù phú. Chính quyền xã do nhà nước cử ra đã bị tê liệt. Nhân dân tự bầu ra ban lãnh đạo lâm thời để điều hành các công việc của xã. Hầu hết ban lãnh đạo lâm thời là các cựu chiến binh, đã kinh qua nhiều trận mạc trong 2 cuộc chiến tranh. Nhiều người sau chiến tranh năm 1975, còn tham gia chiến tranh ở Campuchia, và chiến tranh biên giới năm 1979. Một số người là đặc công, rất giỏi trận mạc. Bây giờ họ dùng các kiến thức chiến đấu xưa để huấn luyện cho thanh niên trong xã. Các loại vũ khí thô sơ của chiến tranh du kích được sử dụng như dao, giáo, mác, gậy, đòn gánh, chông tre...

 

Cán bộ chỉ huy lâm thời của dân tiếp chúng tôi trong một căn nhà rộng. Phía ngoài, nông dân tập trung rất đông, nhưng rất trật tự. Các nhà báo và dân là bạn của nhau. Trẻ con tò mò nhìn 2 chiếc máy ảnh của tôi và Trịnh Thạch. Nguyện vọng của nhân dân rất đơn giản. Họ đề nghị công an không đàn áp nhân dân, yêu cầu tỉnh xử lý nghiêm những cán bộ xã tham nhũng, yêu cầu giảm các khoản đóng góp vô lý... Tôi thấy phần lớn các đề nghị này đều là chính đáng.

 

Sau đó, chúng tôi được dẫn đi thăm 5 “tù binh”. 5 người này được giữ ở các địa điểm khác nhau, nay được dẫn đến một nơi để gặp nhà báo. Họ được ăn uống đầy đủ, nhưng tinh thần có vẻ suy sụp, thiểu não. Chúng tôi chụp ảnh họ, ghi lại tên tuổi, địa chỉ từng người. Tôi cảm thấy có một cái gì đó chua xót.

 

Và cuộc giải thoát

 

Đoàn nhà báo chúng tôi rời Thọ Ngọc về thị xã Thanh Hoá. Bí thư Tỉnh ủy Lê Huy Ngọ lại tiếp chúng tôi. Ông chăm chú lắng nghe ý kiến của chúng tôi, và cuối cùng chấp nhận các điều kiện mà nhân dân Thọ Ngọc đề nghị.

 

Tỉnh Thanh Hoá tiến hành chuẩn bị mọi công việc. Sáng sớm hôm sau, đoàn nhà báo cùng với các đại diện của tỉnh Thanh Hoá, do một Phó Chủ tịch tỉnh dẫn đầu, đi về Thọ Ngọc. Lần này, tất cả đoàn được phép vào làng. Ông Phó Chủ tịch tỉnh cùng đại diện của dân soạn thảo một văn kiện ghi nhận các ý kiến đề nghị của dân, làm điều kiện để dân thả 5 “tù binh”. Một nhóm phóng viên được phân công tiếp dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân. Hàng trăm người trật tự ngồi ngoài sân, từng người lên phát biểu. Chúng tôi thay nhau chụp ảnh. Đó là những tấm ảnh không phải chụp khí thế hừng hực biểu tình chống chiến tranh ngày xưa, mà là chụp khí thế hừng hực biểu tình chống tham nhũng, đè nén nhân dân ngày nay.

 

Trời tối mịt, mọi thủ tục trao trả “tù binh” mới hoàn tất. Tôi ngồi trên chiếc xe ôtô đầu tiên, chiếc xe commăngca cổ lỗ sĩ của báo Đại Đoàn Kết. Một tù binh-cảnh sát ngồi cạnh tôi. Tôi giơ cao chiếc máy ảnh để mọi người dân  biết tôi là nhà báo. Chiếc xe ôtô len chầm chậm qua dòng người đông nghịt đứng 2 bên đường làng. Người cảnh sát ngồi cạnh nói nhỏ với tôi là hôm trước, sau khi chúng tôi đến thăm họ và ra về, anh chỉ muốn được về cùng chúng tôi. Vì anh nghĩ là nếu tỉnh Thanh Hoá chọn phương án tấn công vào làng để giải thoát, thì có thể họ sẽ khó an toàn trở về và chuyến thăm đó của chúng tôi có thể là chuyến thăm cuối cùng.

 

Gần nửa đêm, chúng tôi về tới thị xã Thanh Hoá. Bí thư Tỉnh ủy Lê Huy Ngọ, Chủ tịch UBND tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh và các quan chức lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá vẫn chờ chúng tôi, chưa ăn cơm. Chúng tôi đói mèm, và họ cũng đói mèm. Chúng tôi rất vui vì đã giúp được tỉnh Thanh Hoá giải quyết được một việc khó khăn, và giúp nhân dân Thọ Ngọc thực hiện được phần lớn các ý nguyện của mình. Hôm đó hầu hết chúng tôi đều uống rượu, bia say túy lúy, nhất là Xuân Ba, phóng viên báo Tiền Phong. Bí thư Tỉnh ủy Lê Huy Ngọ thay mặt tỉnh Thanh Hoá cảm ơn chúng tôi, và hứa sẽ chỉ đạo kết luận nghiêm túc các vụ tiêu cực ở Thọ Ngọc mà nhân dân đã tố cáo.

 

Bài học được lòng dân và an dân có thể nói lúc nào cũng nóng hổi tính thời sự và sẽ còn nóng hổi nếu một lúc nào đó chúng ta quên mất điều này.

 

Minh Tuấn

 

Kỳ sau: Nhà báo Trần Đình Bá: Tôi đã từng hạ bệ một “VIP” như thế nào?