“Hà Nội không được chủ quan khi hạ độ cao đoạn đê đất sông Hồng”

(Dân trí) - UBND TP Hà Nội vừa đề nghị Bộ NN&PTNT có ý kiến thống nhất với phương án hạ độ cao đoạn đê đất sông Hồng xuống +12,4m, đoạn từ Khách sạn Thắng Lợi đến cửa khẩu An Dương. GS.TS Vũ Trọng Hồng, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam cảnh báo, Hà Nội không được chủ quan với nước lũ sông Hồng.

Hà Nội đang đề xuất hạ độ cao đoạn đê này xuống +12,4m (hiện tại đoạn đê này có cao độ là 15,2m).
Hà Nội đang đề xuất hạ độ cao đoạn đê này xuống +12,4m (hiện tại đoạn đê này có cao độ là 15,2m).

Liên quan đến nội dung trên, phóng viên Dân trí đã có cuộc phỏng vấn GS.TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam.

- Vừa qua, UBND TP Hà Nội có xin ý kiến Bộ NN&PTNT về đề xuất hạ độ cao đê đất sông Hồng, đoạn từ khách sạn Thắng Lợi đến cửa khẩu An Dương (Tây Hồ) xuống +12,4m để thi công đoạn đường Nghi Tàm và xây dựng cầu vượt nút giao thông đường An Dương – Thanh Niên. Về việc này, theo ông có ảnh hưởng đến khả năng chống lũ của đoạn đê sông Hồng?

- Mực nước lũ thiết kế đoạn đê này được Thủ tướng ký hồi tháng 3/2016 là 13,4m. Nếu Hà Nội hạ độ cao đoạn đê đất nói trên xuống còn +12,4m, tức là thấp hơn mức nước lũ thiết kế 1m, thì từ xưa đến nay ngành đê điều Việt Nam cũng như trên thế giới không ai cho phép làm như vậy.

Tại cuộc họp giữa UBND TP Hà Nội, Bộ NN&PTNT và các nhà khoa học sáng 13/2 vừa qua, Bộ NN&PTNT cũng không đồng ý cho hạ độ cao đoạn đê này xuống +12,4m. Tại cuộc họp này, ý kiến của Bộ NN&PTNT cũng như một số nhà khoa học cho rằng, nếu hạ xuống +12,4m, buộc Hà Nội phải làm đập bê tông chống lũ bên phía sông Hồng, chứ không thể làm tường bê tông chắn đất một cách đơn giản được.

Theo tôi nghiên cứu, trên thế giới có 3 loại đập: đập trọng lực, giống như đoạn đê đất cũ, tức là tự nó có khả năng chống chịu được nước lũ; đập thứ là đập vòm, nghĩa là phải có hai chân thật tốt, nhưng khu vực đồng bằng Bắc Bộ thường không phù hợp; loại đập thứ ba là đập bản chống, thiết kế tường chắn bê tông cốt thép, phía sau là những hàng cọc chống đỡ và chôn sâu xuống lòng đất khoảng 40m.

- Hà Nội có cho rằng, hiện nay trên thượng nguồn sông Hồng đã xây dựng một số đập thủy điện, các đập này có chức năng điều tiết lưu lượng nước trên sông Hồng, hạn chế tối đa các nguy cơ lũ lụt trên sông Hồng, đoạn qua địa phận Hà Nội. Giả sử, Hà Nội hạ độ cao đoạn đê trên xuống +12,4m, chỉ xây dựng tường bê tông chắn đất mà không làm đập bê tông như ông nói, liệu có an toàn?

- Theo lý giải của Bộ NN&PTNT tại cuộc họp ngày 13/2, nếu làm tường chắn như vậy thì tường này chỉ đứng trên đất. Khi nước sông Hồng đạt 13,4m, nước sẽ dâng đến đoạn tường chắn này và phun lên mặt đường, vì mặt đường chỉ có +12,4m. Đê ngấm nước một thời gian, bức tường chắn này sẽ bị tụt xuống, gãy đổ do đất bị nhão ra, chuyên môn gọi chảy dẻo.

Đất đắp đê gồm 3 phần: sét, cát và bụi, nhưng phần đất sét chiếm tỷ lệ rất ít chỉ khoảng 20%, còn lại là cát và bụi; khi cát, bụi gặp nước sẽ nhanh chóng tan ra và làm tường chắn bị sạt lở. Ngoài ra, còn do tác động của ô tô đi trên mặt, sóng nước do tàu thuyền đi lại trên sông cũng làm đê và tường chắn hỏng nhanh khi nước lũ dâng cao

GS.TS Vũ Trọng Hồng cho biết: Khi Hà Nội hạ độ cao đoạn đê đất sông Hồng, đoạn từ khách sạn Thắng Lợi đến cửa khẩu An Dương xuống +12,4m, cần phải làm đập bê tông chống lũ sông Hồng cho Hà Nội.
GS.TS Vũ Trọng Hồng cho biết: Khi Hà Nội hạ độ cao đoạn đê đất sông Hồng, đoạn từ khách sạn Thắng Lợi đến cửa khẩu An Dương xuống +12,4m, cần phải làm đập bê tông chống lũ sông Hồng cho Hà Nội.

Tôi nhớ năm 1996, mưa rất lớn ở đồng bằng Bắc Bộ, nhưng lại không mưa ở khu vực miền núi, mực nước sông Hồng dâng lên cách đỉnh đê nói trên khoảng 20cm. Lúc đó tôi ngồi trên trực thăng quan sát, thấy rất nguy hiểm.

Chúng tôi đã lên kế hoạch, nếu bão vào thì sẽ xin ý kiến Tổng Bí thư cho phân lũ xuống Đập Đáy (Đan Phượng, Hà Nội). Nếu Đập Đáy phải xả lũ thì phía hạ du sẽ bị thiệt hại rất nặng nề. Nhưng rất may năm đó bão không vào. Chính vì vậy, nếu xuất hiện mưa lớn ở khu vực đồng bằng như năm 1996, thì các hồ thủy điện như Hà Nội nói sẽ không có khả năng điều tiết lũ.

Ngoài ra, tôi muốn đưa ra cảnh báo là nếu các hồ thủy điện trên thượng lưu sông Hồng và 8 hồ thủy điện của Trung Quốc đồng loạt xả nước, tôi không muốn nói nếu các đập này gặp sự cố, lúc đó Hà Nội sẽ rất nguy hiểm. Do đó, Hà Nội khi triển khai dự án nói trên không được chủ quan với nước lũ sông Hồng.

- Hà Nội cho rằng, nếu hạ độ cao đoạn đê đất sông Hồng nói trên xuống +12,4m, mặt đường Nghi Tàm sau khi cải tạo sẽ tương ứng với cao độ đường gom dân sinh và hai bên nhà dân, rất thuận lợi cho người dân khu vực dọc tuyến đường tiếp cận ra - vào đường Nghi Tàm một cách an toàn, cũng như để tổ chức giao thông các điểm quay đầu. Tuy nhiên, dự án này đang “vấp” phải vấn đề nói ở trên. Vậy theo ông, Hà Nội cần phải làm như nào để hài hòa giữa các việc này?


Khi mặt đường Nghi Tàm được hạ độ cao, mở rộng, kết hợp với cây cầu vượt tại nút giao thông An Dương - đường Thanh Niên, các phương tiện lưu thông qua khu vực này sẽ rất thuận lợi.

Khi mặt đường Nghi Tàm được hạ độ cao, mở rộng, kết hợp với cây cầu vượt tại nút giao thông An Dương - đường Thanh Niên, các phương tiện lưu thông qua khu vực này sẽ rất thuận lợi.

- Nếu Hà Nội hạ độ cao đoạn đê nói trên xuống +12,4m, thì buộc phải làm đập bê tông chống lũ. Mà đập bê tông này theo tôi làm theo kiểu đập bản chống, tức là làm một bức tường chắn bê tông cốt thép, phía sau có các hàng cột bê tông chống đỡ phía sau. Các cột bê tông chống đỡ chia thành từng đoạn với khoảng cách thích hợp và phần chân phải âm xuống lòng đất khoảng 40m.

Còn nếu Hà Nội chỉ hạ độ cao đoạn đê xuống +13,4m, bằng với mực nước lũ thiết kế thì cũng phải tính toán xây dựng tường bê tông cốt thép chắn đất phù hợp.

Trước khi triển khai những công việc này, Hà Nội cần phải mời các nhà khoa học, các nhà chuyên môn, cũng như những người có kinh nghiệm trong lĩnh vực đê điều đến tư vấn, góp ý.

- Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Dương (thực hiện)