Giới thiệu ông Nguyễn Tấn Dũng làm Thủ tướng
(Dân trí) - Hệ thống hành chính chưa tốt gây khó khăn cho dân, làm mất thời cơ của doanh nghiệp, người dân bức xúc về tình trạng tham nhũng…,Thủ tướng Phan Văn Khải nhận định trong cuộc trao đổi với báo chí sáng 16/5. Thủ tướng cũng cho biết đã giới thiệu một người nhiều kinh nghiệm, rèn luyện lâu năm trong Chính phủ kế nhiệm mình.
Thưa, Thủ tướng có đề cử một phó thủ tướng thay vị trí của mình?
Tôi đề cử một người có kinh nghiệm, được đào tạo, rèn luyện lâu năm trong chính phủ sẽ thay tôi. Người đó sẽ do Trung ương quyết định.
* Việc giới thiệu nhân sự kế nhiệm thủ tướng, theo báo Tuổi trẻ Thủ tướng Phan Văn Khải đã giới thiệu Phó Thủ tướng đương nhiệm là ông Nguyễn Tấn Dũng thay vị trí của mình.
* Trả lời phỏng vấn báo chí, Thủ tướng nói: "Thủ tướng được giới thiệu là một người làm việc với tôi nhiều năm nay, đã được tập sự, được đào tạo (lãnh đạo Chính phủ) với 8 năm làm phó thủ tướng rồi. Nhưng nhân sự cấp cao không phải bên Chính phủ quyết định mà phải qua Bộ Chính trị, Trung ương. Mấy chức danh mà BCHT.Ư quyết (để QH bầu) là Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch QH. Còn bộ trưởng thì T.Ư tham gia góp ý kiến." |
Một trong những thành quả đạt được trong nhiệm kỳ của Thủ tướng là cải cách và thúc đẩy môi trường kinh doanh. Thủ tướng đánh giá thế nào về môi trường kinh doanh hiện nay?
Về luật pháp và chính sách có thể nói là khá đầy đủ, nhưng tổ chức thực hiện ở dưới thì còn trở ngại. Hệ thống hành chính của ta còn chưa tốt, công chức chưa làm đầy đủ trách nhiệm, vẫn còn gây khó khăn cho dân, cho doanh nghiệp. So với trước đây cũng đã đỡ nhiều nhưng vẫn chưa thật thông suốt. Có dự án chạy mất cả năm trời, làm mất thời cơ của doanh nghiệp.
Thời gian tới, Thủ tướng mong gì trong việc cải cách môi trường kinh doanh?
Cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Chính phủ. Thời gian tới, chúng ta sẽ phải hoàn thiện cơ chế, chính sách để tạo thuận lợi cho môi trường kinh doanh, nhất là khi gia nhập WTO. Chúng ta phải hội nhập đầy đủ với thế giới, những gì mình chưa phù hợp thì phải cải tiến.
Đảng lãnh đạo thông qua đường lối, Chính phủ quản lý Nhà nước qua cơ chế chính sách, Quốc hội thì xây dựng luật pháp, nhân dân và doanh nghiệp thì làm ra của cải cho xã hội. Hiện ta đang có 200.000 doanh nghiệp, làm sao tăng lên 500.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ thì lúc đó mới tạo ra nhiều công ăn việc làm, làm ra nhiều của cải cho đất nước.
Một nước có tới 84 triệu dân như ta mà làm ra có 53 tỉ USD/năm thì còn nhỏ xíu, chia ra mới có 640USD/người/năm. Trách nhiệm của báo chí là phải khơi dậy tinh thần của người dân Việt, phải có khát vọng làm giàu cho đất nước, đuổi kịp các nước khác.
Nhiều người bức xúc trước việc chống tham nhũng chưa đủ mạnh. Như vụ PMU 18, có ý kiến cho rằng, ta làm được bao nhiêu đều đổ xuống sông, biển hết?
Bức xúc của người dân về tham nhũng, thất thoát tài sản là chính đáng. Ở các nước, luật lệ đầy đủ, trách nhiệm công chức rõ ràng, muốn cũng không tham nhũng được. Ở ta cần coi phòng là chủ yếu, làm sao để người ta không thể tham nhũng được. Muốn chống tham nhũng, cần công khai minh bạch công việc của công chức.
Cách thức vận hành của Ban phòng chống tham nhũng như thế nào, hoạt động ra sao thưa Thủ tướng?
Theo luật phòng chống tham nhũng, Thủ tướng là người chịu trách nhiệm Trưởng ban phòng chống tham nhũng và một phó thủ tướng chuyên trách. Ngoài ra, còn có Ban chỉ đạo với đại diện là các Ban của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Viện kiểm sát, Toà án, Công an, Ban tổ chức, Ban nội chính…
Thủ tướng kỳ vọng gì về hoạt động của ban này ?
Tôi rất hy vọng khi có Ban này thì việc phòng chống tham nhũng sẽ hiệu quả hơn.
Thủ tướng đánh giá thế nào về công việc của mình trong nhiệm kỳ vừa qua?
Tôi thấy qua hai nhiệm kỳ cũng đã góp phần đưa đất nước đi lên, phát triển về mọi mặt. Không ai có thể nói mình hoàn thành nhiệm vụ, trong cái được cũng còn những mặt tồn tại, nhiều cái chưa được. Như người đời vẫn nói, “khi nào người chiến sĩ ngã trên chiến trường, một sĩ quan hy sinh trên mặt trận thì lúc đó mới có thể nói mình hoàn thành nhiệm vụ, nghĩa vụ đối với tổ quốc”. Còn cán bộ thì làm có cái được, có cái dở. Đất nước đi lên có phần đóng góp nhỏ của mình, đó là cái vui, nhưng cũng còn rất nhiều điều mình chưa làm được.
Xin cảm ơn Thủ tướng.
Đức Hoà (ghi)