1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Quốc hội thảo luận về Dự án Luật Dược

Giá thuốc tăng - chưa rõ ai chịu trách nhiệm

Sáng qua, Quốc hội lại nóng lên khi Luật Dược được đưa ra bàn thảo. Ngay sau báo cáo thẩm tra của Ủy ban các vấn đề xã hội, hàng loạt đại biểu đã đứng lên bày tỏ bức xúc về vấn đề quản lý giá thuốc, chất lượng thuốc và khâu thanh tra đang rất yếu kém hiện nay.

Trước tình trạng giá thuốc không ngừng leo thang, đại biểu Trương Thị Vân (Nghệ An) cho rằng, luật còn quá chung chung, chưa nêu rõ cơ quan nào quản lý và chịu trách nhiệm về giá thuốc. "Tôi đã xem nhiều văn bản và không thấy quy định Bộ Y tế chịu trách nhiệm quản lý giá thuốc. Vậy khi giá thuốc tăng, cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm chính? Luật lần này cũng nên quy định rõ cơ quan nào chịu trách nhiệm về vấn đề này", đại biểu Vân nói.

 

Tán đồng quan điểm này, đại biểu Nguyễn Thị Thanh Bình (Bình Định) đề xuất Bộ Tài chính sẽ là cơ quan quản lý chính về giá thuốc. Lý do Bộ này đang quản lý các vấn đề về giá. Vấn đề giá thuốc có yếu tố thị trường, liên quan đến quy luật cung cầu, nếu giao cho Bộ Y tế chủ trì thì không ổn.

 

"Thuốc là mặt hàng đặc thù, người mua không được mặc cả và cũng không đủ kiến thức để hiểu về giá trị thuốc. Tôi đề nghị phải kê khai giá thuốc khi lưu hành, đảm bảo không cao hơn các nước trong khu vực có cùng điều kiện với VN. Loại bỏ độc quyền kinh doanh, xuất nhập khẩu thuốc - một trong những nguyên nhân đẩy giá thuốc lên cao thời gian qua", đại biểu Nguyễn Thị Bạch Mai (Tây Ninh) nêu quan điểm.

 

Theo điều 48 về việc đấu thầu thuốc, sẽ ưu tiên mua thuốc sản xuất trong nước có cùng chủng loại, chất lượng tương đương và giá không cao hơn thuốc nhập khẩu. Tán đồng với quy định này, nhưng đại biểu Mai tỏ ý băn khoăn về thủ tục đấu thầu thuốc hiện nay quá phức tạp, kéo dài. Bà đề xuất, luật cần phải quy định quy chế đấu thầu chặt chẽ hơn.

 

Từng giữ cương vị Bộ trưởng Y tế, đại biểu Đỗ Nguyên Phương (Bình Phước) đã có những ý kiến rất sắc sảo về vấn đề tăng giá thuốc thời gian qua. "Bạn có thể trì hoãn việc mua một chiếc áo mới, nhưng không trì hoãn việc mua thuốc. Nói như vậy để thấy thuốc là loại hàng hóa đặc biệt, tuân theo quy luật cung cầu. Thời gian qua, chúng ta mới chỉ chú trọng tới quản lý giá nhưng chưa quan tâm đến quy luật cung cầu. Do vậy, tăng cường quản lý nhưng giá thuốc đâu có giảm?", ông nói.

 

Theo ông Phương, luật cần có 1 chương riêng về quản lý nhà nước về thuốc. Trong đó, phân rõ việc kiểm nghiệm chất lượng thuốc cho các trung tâm khu vực, tỉnh... Nếu để tình trạng chỉ doanh nghiệp kiểm soát chất lượng thuốc thì không ổn. "Thời gian qua, giá thuốc tăng, chất lượng thuốc kém một phần là do công tác thanh tra yếu kém. Thế nhưng dự luật lại không thấy đề cập đến vấn đề thanh tra chuyên ngành", ông Phương nói. Nhiều đại biểu cũng tán thành với thắc mắc của cựu bộ trưởng Y tế.

 

Chiều qua, Quốc hội tiếp tục thảo luận về Luật Dược.

 

Theo VnExpress

Dòng sự kiện: Quốc Hội