Luật dân sự chưa cho chuyển đổi giới tính

Sáng qua 19/5, đa số đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự án Luật dân sự (sửa đổi). Mặc dù còn nhiều ý kiến tranh cãi nhưng vấn đề chuyển đổi giới tính đã không được đưa vào báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu của Uỷ ban thường vụ Quốc hội.

Dự luật được thông qua chỉ cho phép cá nhân được xác định lại giới tính. Việc xác định lại giới tính được thực hiện trong trường hợp giới tính của người đó bị khuyết tật bẩm sinh hoặc chưa định hình chính xác, cần có sự can thiệp của y học.

 

Theo đại biểu Nguyễn Đình Lộc, nguyên bộ trưởng Tư pháp, vấn đề giới tính mà luật đưa ra quá hẹp, nên cho phép cá nhân “làm rõ giới tính” chứ không phải “xác định lại giới tính”.

 

“Việc chuyển đổi giới tính thực chất là giải quyết vấn đề sinh lý. Một số trường hợp là phụ nữ nhưng thực chất mang gene hoặc cá tính nam và ngược lại. Bây giờ họ có nhu cầu chuyển đổi giới tính. Khoa học hiện nay đã làm được việc đó thì chúng ta không nên ngăn cấm”, ông Lộc nhận xét.

 

Xung quanh vấn đề quyền hiến xác, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Uỷ ban thường vụ đã rút quy định: “Việc hiến xác, bộ phân cơ thể của người chết được thực hiện với sự đồng ý của cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên của người đó”. Nội dung này, sẽ được quy định trong văn bản pháp luật chuyên ngành.

 

Về việc sử dụng hình ảnh của cá nhân, Uỷ ban thường vụ Quốc hội cho rằng, đây là vấn đề phức tạp, cần có văn bản quy phạm pháp luật riêng để quy định về những trường hợp cụ thể. Tuy nhiên, để tạo cơ sở pháp lý cho việc quy định cụ thể hơn về vấn đề này, Luật dân sự (sửa đổi) đã bổ sung thêm khoản 3 vào điều 31: “Nghiêm cấm việc dụng hình ảnh của người khác mà xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh”.

 

Cũng trong sáng 19/5, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc thi hành bộ luật dân sự.

 

Theo VnExpress

Dòng sự kiện: Quốc Hội