Đà Nẵng: Cử tri ngủ gục, chỉ hai người phát biểu
Thậm chí có cử tri nằm ngủ ngon lành trong khi tiếp xúc.
Chiều 1-10, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP Đà Nẵng đã có cuộc tiếp xúc cử tri quận Ngũ Hành Sơn trước kỳ họp thứ 10, QH khóa XIII. Tuy nhiên, điều gây bất ngờ cho chính các ĐBQH và những người tham dự đó là chỉ có… hai cử tri phát biểu.
Theo đó, bước vào cuộc tiếp xúc, ông Thân Đức Nam (Phó Chủ nhiệm Văn phòng QH) đã trình bày báo cáo một số nội dung liên quan đến nội dung của kỳ họp QH sắp tới. Đáng lưu ý là kỳ họp lần này, QH sẽ xem xét thông qua 17 dự án luật, bộ luật và hai nghị quyết. Ngoài ra, QH cũng lấy ý kiến về một số dự thảo luật khác.
Sau phần trình bày của Phó Chủ nhiệm Văn phòng QH Thân Đức Nam đến phần điều hành cuộc tiếp xúc cử tri của Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Ngũ Hành Sơn. Lãnh đạo, Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Ngũ Hành Sơn lưu ý cử tri chỉ nên phát biểu vào các vấn đề trọng tâm và thời gian phát biểu không quá năm phút. Gần như ngay lập tức, cử tri Lê Hưởng (phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn) có ý kiến về quy định thời gian phát biểu này. Ông Hưởng cho rằng việc giới hạn cử tri phát biểu trong năm phút là không được. Vì có những cử tri có rất nhiều câu hỏi, đề xuất, góp ý thì không thể giới hạn như vậy. Đối với cử tri chỉ có một câu hỏi thì may ra giới hạn về thời gian này mới có thể thực hiện được. “Cử tri chúng tôi đến đây không phải là để đi thi. Chỉ có đi thi thì mới giới hạn thời gian như vậy” - ông Hưởng nói.
Sau đó ông Hưởng góp ý, Đoàn ĐBQH cần cho cử tri phát biểu phản hồi lại ngay sau khi ĐBQH giải trình không thỏa đáng. Cử tri Lê Hưởng cũng cho rằng QH đang nợ nhân dân Luật Biểu tình. Sau đó, ông Hưởng phân tích về cái lợi của luật này và cho rằng kỳ họp này QH cần đưa luật này ra bàn thảo để sớm thông qua.
Tiếp sau ông Hưởng thì có thêm cử tri Phạm Cường (phường Hòa Quý) lên chất vấn và yêu cầu giải quyết về vấn đề đất đai, bố trí tái định cư, giải quyết thủ tục hành chính. Sau đó thì cả hội trường im ắng và không có cử tri nào phát biểu ý kiến. Trước việc này, đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Ngũ Hành Sơn cho biết cử tri không cần phải đăng ký phát biểu như lúc đầu cũng có thể đứng lên phát biểu nhưng vẫn không có cử tri nào… chịu đứng lên. Cuối cùng, chỉ có hai cử tri chất vấn và đến phần giải trình của Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng.
Ông Huỳnh Nghĩa (Trưởng Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng) cho rằng việc chỉ có hai cử tri chất vấn khiến ông và đoàn rất buồn và phí thời gian vì đã dành toàn bộ thời gian cho cuộc tiếp xúc này. Ông Nghĩa cũng cho hay không có một cử tri nào đóng góp vào nội dung các dự luật, nghị quyết, góp ý cho QH sẽ thông qua lần này chứng tỏ là cử tri chưa quan tâm tới các vấn đề thời sự của đất nước.
Về vấn đề Luật Biểu tình, theo ông Huỳnh Nghĩa, đây là luật được nhiều ĐBQH từng đề nghị trước QH. Trong đó, các nhà làm luật tại TP.HCM đã từng nhiều lần đề xuất. Nhưng do đây là dự luật khá nhạy cảm nên cần phải cân nhắc, nghiên cứu kỹ trước khi đưa ra lấy ý kiến. Có thể trong kỳ họp tới dự luật sẽ được đưa ra bàn thảo.
Khoảng 15 giờ cùng ngày, cuộc tiếp xúc kết thúc sau mấy chục phút diễn ra.
Sáng cùng ngày, tại cuộc tiếp xúc cử tri ở Nhà hát Trưng Vương cũng có khá ít cử tri góp ý kiến, chất vấn các vấn đề thuộc trách nhiệm của Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng. Hầu hết cử tri chỉ loanh quanh đòi hỏi quyền lợi nhỏ thuộc gia đình và thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương. Có những cử tri kỳ tiếp xúc nào cũng chỉ đưa ra một vấn đề chất vấn và đòi quyền lợi cho mình. Thậm chí có cử tri còn nằm ngủ ngon lành trong khi tiếp xúc.
Theo Lê Phi
Pháp luật TP HCM