1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Chủ tịch Quốc hội: “Bỏ phiếu tín nhiệm cực kỳ hệ trọng sao vẫn chưa làm?”

(Dân trí) - "Quốc hội, Hội đồng nhân dân có quyền lực quyết định bỏ phiếu tín nhiệm và không tín nhiệm. Câu hỏi lớn nhất là tại sao bao nhiêu năm nay không tiến hành bỏ phiếu được" - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đặt vấn đề.

Ngày 11/8, UB Thường vụ Quốc hội thảo luận về các vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

Về hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý cho biết, sau lần đầu trình dự thảo luật tại kỳ họp thứ 9 vừa qua, một số đại biểu có ý kiến cho rằng việc lựa chọn nhóm vấn đề để đưa ra chất vấn trước Quốc hội khó bảo đảm sự khách quan, khó phản ánh hết ý chí của đại biểu và của cử tri; đề nghị quy định trách nhiệm của người bị chất vấn phải trả lời trực tiếp tại phiên họp trả lời chất vấn.

Giải trình vấn đề này, ông Lý cho rằng, tại Điều 80 của Hiến pháp và Điều 32 của Luật tổ chức Quốc hội đã quy định người bị chất vấn phải trả lời trước Quốc hội tại kỳ họp, hoặc tại phiên họp UB Thường vụ Quốc hội trong thời gian giữa hai kỳ họp Quốc hội. Trong trường hợp cần thiết, Quốc hội, UB thường vụ Quốc hội cho trả lời bằng văn bản.

phan-trung-ly-2-24b94
Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý phân tích, chất vấn tại Quốc hội hướng tới việc truy vấn, áp trách nhiệm điều hành với Bộ trưởng.

Do vậy, để bảo đảm tính khả thi, phù hợp với điều kiện hoạt động của Quốc hội ở Việt Nam và phù hợp với quy định tại Điều 80 của Hiến pháp, dự thảo Luật đã quy định về việc lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn, người bị chất vấn theo hướng UB Thường vụ Quốc hội xem xét trên cơ sở cân nhắc một cách toàn diện các vấn đề có liên quan; đồng thời sửa đổi, bổ sung quy trình chất vấn và trả lời chất vấn cụ thể hơn để phù hợp với quy định của Hiến pháp. Nếu đại biểu chưa đồng ý với việc trả lời chất vấn thì tiếp tục chất vấn lại về nội dung đã chất vấn; người bị chất vấn phải trực tiếp trả lời chất vấn mà không được ủy quyền cho người khác trả lời thay.

Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn đặt vấn đề, trong luật hiện hành, phiên chất vấn được tiến hành khi có yêu cầu chất vấn của đại biểu Quốc hội. Ngoài quy định này, dự thảo luật cần nghiên cứu trường hợp cử tri gửi kiến nghị đến Quốc hội, đó cũng là căn cứ để tổ chức phiên chất vấn. Trong trường hợp đại biểu Quốc hội chất vấn những vấn đề không thuộc nhóm trả lời chất vấn, thì người được chất vấn phải có trách nhiệm trả lời bằng văn bản.

Chủ nhiệm Hội đồng Dân tộc Ksor Phước trích dẫn khoản 3, điều 80 của Hiến pháp quy định rõ ĐBQH có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân đó.

Ông Phước nhấn mạnh, thực chất là có vấn đề chất vấn ngoài kì họp chứ không chỉ trong kì họp. Chủ tịch Hội đồng dân tộc dẫn chứng, chẳng hạn khi đi qua cầu thấy việc thu phí không hợp lí, đại biểu có thể giơ thẻ ĐBQH ra để chất vấn ai quy định thu phí này hoặc có thể gặp Chủ tịch huyện hỏi ngay, chất vấn ngay.

Đáp lại, Chủ nhiệm Phan Trung Lý phân tích, cần phân biệt việc yêu cầu cung cấp thông tin và chất vấn tại Quốc hội. Chất vấn là nhằm truy vấn và áp đặt trách nhiệm của Bộ trưởng chứ không phải là hỏi để được cung cấp thông tin đơn thuần như năm qua sản xuất, xuất khẩu được bao nhiêu tấn lúa.

Lấy phiếu tín nhiệm cả Thẩm phán TAND tối cao?

Về vấn đề lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý cho biết, hiện vẫn có hai loại ý kiến khác nhau. Trong đó có ý kiến tán thành như dự luật chỉ quy định chung có tính nguyên tắc về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn, còn quy trình, thủ tục cụ thể sẽ thực hiện theo nghị quyết 85.

Ý kiến khác đề nghị thu các quy định về lấy phiếu và bỏ phiếu tín nhiệm từ nghị quyết số 85 vào luật này để đảm bảo thống nhất, dễ theo dõi, dễ thực hiện và giám sát.

Thường trực UB Pháp luật đồng ý chỉ bổ sung thêm vào dự thảo Luật một số quy định về nguyên tắc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm. Còn các vấn đề cụ thể về trình tự, thủ tục được thực hiện theo Nghị quyết của Quốc hội.

Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho rằng, việc bỏ phiếu tín nhiệm phải cụ thể ngay trong luật này. Bà Mai lập luận, quyền bỏ phiếu tín nhiệm của Quốc hội được thể hiện xuyên suốt trong Hiến pháp. Do đó, phải quy định cụ thể trong luật, phải có bước tiến lên vì bỏ phiếu tín nhiệm, bản chất là bỏ phiếu bất tín nhiệm là quyền của Quốc hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh, lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm là việc rất lớn trong hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân và thể hiện hiệu quả rõ rệt của cơ quan quyền lực.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề xuất tổ chức lấy phiếu với nhóm chức danh mới là Thẩm phán TAND tối cao vì 15 thẩm phán trong Hội đồng thẩm phán này hiện cũng do Quốc hội phê chuẩn. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng mặc dù Thẩm phán toà án tối cao do Quốc hội phê chuẩn nhưng đây là chức danh, thực hiện nhiệm vụ chuyên môn nên có thể không cần lấy phiếu tín nhiệm.

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Phan Trung Lý đề nghị làm rõ Thẩm phán toà tối cao là chức vụ hay chức danh. Nếu chức vụ thì xem xét sửa Nghị quyết 85 của Quốc hội để bổ sung vào đối tượng cần lấy phiếu tín nhiệm.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lại nhấn mạnh việc nội dung bỏ phiếu tín nhiệm là “cực kỳ hệ trọng” nhưng sao đến nay vẫn chưa làm. Chủ tịch Quốc hội phân tích, bỏ phiếu và lấy phiếu tín nhiệm là hai vấn đề khác nhau, quyền lực pháp lý khác nhau, hiệu lực khác nhau. Tuy nhiên, dù đã có quy định cụ thể, song việc bỏ phiếu tín nhiệm vẫn chưa được thực hiện trong nhiều năm qua.

“Quốc hội, Hội đồng nhân dân có quyền lực quyết định bỏ phiếu tín nhiệm và không tín nhiệm. Câu hỏi lớn nhất là tại sao bao nhiêu năm nay không tiến hành bỏ phiếu được? Dự thảo luật phải tính toán và gia cố thêm” - Chủ tịch Quốc hội yêu cầu.

P.Thảo

 

 

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm