1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Thanh Hóa:

Cầu treo để... treo, học sinh lội khe đi học

(Dân trí) - Cầu treo bắc qua khe Hón Dồ, xã Cẩm Sơn, huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa) được đưa vào sử dụng từ tháng 6/2001. 2 năm sau, cầu đã bị bỏ hoang vì hư hỏng nặng. Học sinh và người dân lại phải... lội qua khe.

Cầu mới xây xong đã hư hỏng nặng
 
Năm 2000, cây cầu treo bắc qua khe Hón Dồ được khởi công xây dựng trong niềm hân hoan của người dân và học sinh nơi xã nghèo Cẩm Sơn. Theo dự kiến, khi được đưa vào sử dụng, cây cầu sẽ tạo điều kiện đi lại cho người dân các xã Cẩm Yên, Cẩm Vân và Cẩm Sơn.
 
Cầu treo để... treo, học sinh lội khe đi học - 1
Cầu treo do nhân dân xã Cẩm Sơn và tổ chức Tầm nhìn thế giới đóng góp xây dựng

Chỉ sau chưa đầy một năm thi công, với số tiền gần 400 triệu đồng từ nguồn vốn chương trình Tầm nhìn thế giới và đóng góp của nhân dân, cầu treo Hón Dồ đã được hoàn thành với chiều dài gần 100m, rộng 2,5m, nối đôi bờ khe.

Nhưng sau 2 năm đi vào sử dụng, cầu đã trở thành đống sắt vụn treo lơ lửng giữa trời, mặt cầu gần như đã mất sạch ván lát, chỉ còn những thanh trụ chính. Cỏ mọc kín lối lên cầu. Từ ngày cầu hỏng đến nay, đã có 5 vụ tai nạn ngã cầu nghiêm trọng xảy ra, trong đó có một người tử vong. Nguyên nhân là do những người này cố liều mình đi trên cây cầu-không-còn-là-cầu. Học sinh lại lội khe đi học.

Chị Nguyễn Thị Nguyệt ở thôn Gia Dụ 3, xã Cẩm Sơn, Cẩm Thủy, bức xúc: “Sau khi cầu bị gãy hết ván, nhân dân chúng tôi đã tự đóng góp luồng, tre để tu sửa nhưng sửa cũng chẳng có ích gì vì cầu làm ẩu, các mối hàn bị bong hết ra, cầu từ đó đến nay không đi được nữa”.
 
Từ ngày cầu hỏng, người dân hai thôn lại hì hục làm con đường lội qua khe để đi lại thuận tiện hơn, nhưng chỉ đi được mùa nước cạn, còn mùa mưa lũ thì đành chịu vì quá nguy hiểm.
 
Cầu treo để... treo, học sinh lội khe đi học - 2
Nhiều người vẫn "liều mình" đi trên cầu hỏng

Chị Nguyệt cho biết thêm: “Khổ nhất là các cháu học sinh, nếu có cầu chỉ mất có 5 - 10 phút là đến trường, nhưng phải đi đường vòng. Có cầu mà không đi được bực lắm anh à, nhiều hôm phải cầm đèn pin đi đón các cháu sợ các cháu lội qua khe nguy hiểm lắm”.

Có cầu vẫn phải lội khe

Để ngăn người dân và học sinh qua lại trên cầu, chính quyền địa phương đã cho người rào chắn con đường lên cầu. Nhưng để tiết kiệm thời gian, nhiều em học sinh vẫn cố tình trèo qua rào để lên cầu "biểu diễn xiếc".
 
Cây cầu bỏ hoang với những mối hàn đã bong, các thanh sắt đã bị rỉ sét, nằm trơ khấc, mặt cầu không còn ván lót.
 
Bác Phạm Thị Phụng ở thôn Gia Dụ 3 cho biết: “Đã nhiều lần các em học sinh cùng góp tre, luồng với thôn cùng tu sửa lại cầu để đi lại cho thuận tiện hơn nhưng sửa rồi lại hỏng. Từ ngày cầu bị hỏng thì các hoạt động văn hóa, văn nghệ của thôn Gia Dụ 3 kém hẳn vì đường xá xa xôi, đi lại không thuận tiện như trước nữa”.
 
Còn bác Hà Thị Khuyến, ở thôn Cầy Mây, người sống cạnh chân cầu tâm sự: “Chỉ mới đây hơn một tuần đã có một cháu học sinh ngã gãy xương vai, trường mầm non thì ở gần cầu nguy hiểm lắm. Nếu không tu sửa lại thì dỡ bỏ đi chứ để như vậy quá nguy hiểm”.
 
Cầu treo để... treo, học sinh lội khe đi học - 3
Người dân kiến nghị nếu không thể sửa chữa thì nên dỡ bỏ hẳn cây cầu, tránh hiện tượng các cháu lên cầu nghịch ngợm, ngã xuống khe.
 
Ông Hoàng Ngọc Tý, Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm sơn, trao đổi: “Từ khi cầu bị hỏng, UBND xã đã cho người rào lại rồi và làm con đường tắt dưới chân cầu cho bà con đi. Xã cũng muốn sửa chữa lại nhưng dự tính nguồn kinh phí để sửa cầu rất lớn, hơn nữa sau nhiều lần tu bổ đến nay không an toàn nữa do các thanh ray sàn cầu bị mục và nhả mối hàn nên chúng tôi không cho đi lại nữa. Chương trình Tầm nhìn họ chỉ tài trợ kinh phí xây dựng, còn tu bổ thì không có. Trước đây cây cầu phục vụ nhu cầu đi lại của người dân các xã Cẩm Sơn, Cẩm Yên và Cẩm Vân. Từ khi có con đường nhựa nối từ đường mòn Hồ Chí Minh vào thì cầu chủ yếu phục vụ cho học sinh đi học”.
 
Trao đổi với Dân trí, ông Phạm Văn Tiến, Chủ tịch UBND huyện Cẩm Thủy, phân trần: "Cái này phân cấp cho địa phương quản lý và tu bổ, trên địa bàn huyện nhiều công trình mà cái nào cũng tập trung cho huyện cả thì không thể nào quản lý hết được. Tôi sẽ cho xã kiểm tra lại quy chế quản lý cầu này như thế nào, nếu cảm thấy nó thiết yếu thì sẽ cho xã huy động nhân dân tu bổ lại theo nguồn ngân sách tu bổ hàng năm. Chứ cứ thiếu ý thức để đến khi nó hỏng rồi lại đề nghị lên huyện, mà đối với huyện miền núi khó khăn thì ai cũng biết rồi".

Duy Tuyên - Hồ Điệp