1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

“Cắt giảm điều kiện kinh doanh không có nghĩa là mở toang cánh cửa”

(Dân trí) - Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, việc cắt giảm điều kiện kinh doanh không có nghĩa là mở toang cửa, mà vẫn phải bảo đảm quốc phòng, an ninh, sức khỏe người dân, bảo vệ môi trường…

Ngày 26/3, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng đã dẫn đầu đoàn công tác tới kiểm tra tình hình thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng giao tại Bộ Tư pháp.

Mở đầu buổi làm việc, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, trong năm qua, Bộ Tư pháp có rất nhiều đổi mới, giúp Chính phủ, Thủ tướng bám sát các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Quốc hội, đặc biệt là trong việc quan tâm xây dựng hoàn thiện thể chế, Bộ đã đi đầu, gương mẫu, đoàn kết, trách nhiệm.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu tại buổi làm việc với Bộ Tư pháp
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu tại buổi làm việc với Bộ Tư pháp

Bộ Trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, Thủ tướng yêu cầu thời gian tới Bộ Tư pháp hết sức quan tâm đến công tác đào tạo cán bộ kế cận; có những phản ứng kịp thời để xử lý những vụ kiện, tranh chấp quốc tế; phối hợp với các cấp, ngành để xây dựng hàng rào kỹ thuật bảo vệ sản xuất trong nước.

Hiện nay, Bộ Tư pháp quản lý 98 điều kiện kinh doanh tại 6 luật và 4 nghị định. Bộ trưởng Lê Thành Long đã chỉ đạo sát sao, rà soát và đề xuất đơn giản, cắt giảm, bãi bỏ 43 trong 98 điều kiện kinh doanh.

Bộ trường Mai Tiến Dũng đề nghị Bộ Tư pháp tiếp tục rà soát lược bỏ những chính sách chồng chéo, chung chung. Theo ông Mai Tiến Dũng, những điều kiện kinh doanh không cụ thể, không lượng hóa được sẽ vô tình tạo khoảng trống cho cán bộ thực thi công vụ sách nhiễu.

Cũng đánh giá cao trách nhiệm của Bộ Tư pháp trong việc “gác cổng” văn bản pháp luật, rà soát điều kiện kinh doanh, ông Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương lưu ý, việc đánh giá tác động rất quan trọng, nếu thực hiện hình thức sẽ không góp phần nâng cao chất lượng văn bản.

Cũng theo ông Hiếu, khi rà soát chất lượng văn bản pháp luật, không phải chỉ để cắt, giảm các điều kiện kinh doanh mà là để phát hiện, loại bỏ bất kể quy định nào là rào cản.

Tiếp thu các ý kiến trên, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long nêu quan điểm, cần loại bỏ những điều kiện hạn chế gia nhập thị trường như văn phòng phải bao nhiêu m2 để lưu trữ tài liệu. Nhưng trong lĩnh vực tư pháp, không thể “hạ” các điều kiện về chuyên môn, nghiệp vụ để bảo đảm hành nghề chất lượng, có trách nhiệm đạo đức.

“Luật sư khi mở văn phòng phải có bao nhiêu năm kinh nghiệm, phải đáp ứng yêu cầu đạo đức, không thể một người lừa dối làm việc này, việc kia mà chúng ta cho mở công ty luật được. Hay một công chứng viên nếu không đáp ứng được yêu cầu năng lực chuyên môn để bảo đảm hành nghề, không phát hiện được giấy tờ giả hoặc vì tham vọng, vi phạm đạo đức xác định sai một giao dịch thì hệ quả khôn lường”, Bộ trưởng Long nói.

Bộ trưởng Bộ tư Pháp Lê Thành Long phát biểu tại buổi làm việc
Bộ trưởng Bộ tư Pháp Lê Thành Long phát biểu tại buổi làm việc

Bộ trưởng Long cam kết, các điều kiện sẽ được rà soát tính toán kỹ với tinh thần tạo điều kiện tối đa để doanh nghiệp hoạt động, giải phóng sức lao động, giảm thiểu các điều kiện gia nhập thị trường, không dùng hàng rào kỹ thuật để hạn chế.

“Cái gì liên quan đến yêu cầu vị trí hành nghề, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân, doanh nghiệp thì phải bảo đảm”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đồng tính với ý kiến của Bộ trưởng Tư pháp.

Nhưng theo Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng thì phải rà soát, cương quyết bãi bõ những điều kiện kinh doanh, những tiêu chí “nhiều nghĩa, mập mờ nghĩa bóng, nghĩa đen, hiểu thế nào cũng được”.

Bộ Trưởng Mai Tiến Dũng cũng nêu rõ tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là cắt giảm điều kiện kinh doanh không có nghĩa là mở toang cửa, mà vẫn phải bảo đảm quốc phòng, an ninh, sức khỏe người dân, bảo vệ môi trường…

Theo Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, việc tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp chính là dư địa tăng trưởng. Cho nên cần làm quyết liệt, tránh việc “không giữ được nhịp độ, hôm nay không nợ đọng, mai lại nợ đọng”.

Quang Phong