1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT: Tôi suy xét công việc cả trên cương vị một phụ huynh

(Dân trí) - Tân Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận vừa có cuộc trao đổi với báo chí về những công việc trong năm học mới (2010-2011) và các dự định nhằm nâng cao chất lượng nền giáo dục nước nhà.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT: Tôi suy xét công việc cả trên cương vị một phụ huynh - 1
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận.

Năm học 2010-2011 đã bắt đầu, xin Bộ trưởng cho biết những nhiệm vụ trọng tâm của năm học mới là gì?

Năm học 2010-2011 được chọn là năm học “Tiếp tục đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục”. Cùng với việc thực hiện những nhiệm vụ thường xuyên của các năm học trước với yêu cầu cao hơn, năm học này, toàn ngành tập trung chỉ đạo thực hiện tốt Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ năm tuổi giai đoạn 2010-2015; tổ chức giảng dạy thí điểm chương trình tiếng Anh cho học sinh lớp ba; bắt đầu triển khai thực hiện Đề án phát triển hệ thống trường THPT chuyên. Bên cạnh đó, Bộ tập trung chỉ đạo, tổ chức giáo dục kỹ năng sống cho học sinh phù hợp với từng cấp học và điều kiện của từng địa phương; tiếp tục thực hiện Phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”.

Chương trình kiên cố hóa trường lớp học, nhà công vụ giáo viên sẽ được thực hiện khẩn trương để trong thời gian nhanh nhất các thầy, cô giáo và học sinh, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới hải đảo có được phòng học kiên cố phục vụ dạy và học. Bộ GD-ĐT sẽ tích cực triển khai nâng cấp các trường phổ thông dân tộc nội trú hiện có và mở thêm những trường mới ở vùng có nhu cầu nhưng còn thiếu trường, lớp; nghiên cứu đề xuất cơ chế hỗ trợ các trường phổ thông dân tộc bán trú (nội trú dân nuôi) nhằm nâng cao điều kiện học tập, ăn ở cho học sinh.

Năm học 2010-2011 cũng là bắt đầu chu kỳ của các chương trình mục tiêu Quốc gia, các đề án phát triển giáo dục các bậc học. Bộ GD-ĐT sẽ chủ trì cùng một số bộ ngành liên quan rà soát thật kỹ các đề án, các chương trình mục tiêu quốc gia để báo cáo Chính phủ xem xét, trình Quốc hội.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong năm học này Bộ GD- ĐT cũng sẽ chủ trì cùng các bộ ngành và các địa phương trong vùng Tây bắc, Tây nguyên và Tây nam bộ tổ chức hội nghị bàn về phát tiển giáo dục ba vùng còn nhiều khó khăn, chất lượng giáo dục chưa đạt được điều chúng ta mong muốn. Một nhiệm vụ trọng tâm khác là tăng cường số lượng, bổ sung đội ngũ và đặc biệt là nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên.

Nói khái quát lại lại trong năm học mới 2010-2011, chúng tôi sẽ tập trung vào các nhiệm vụ: Nâng cao chất lượng dạy chữ; Từng bước hướng nghiệp, phát triển dạy nghề ở nơi thuận lợi; Đặc biệt chú trọng việc dạy làm người, nâng cao kỹ năng sống (KNS), giúp học sinh có ý thức, biết tự chịu trách nhiệm, tự bảo vệ mình trước cái xấu, trước những cám dỗ và hành vi không lành mạnh

Chú trọng việc dạy làm người, nâng cao KNS cho học sinh là một trong những nhiệm vụ chính trong năm học mới. Bộ trưởng cho biết cụ thể việc triển khai nội dung mới này như thế nào vì hiện nay tệ nạn bạo lực học đường gần đây có xu hướng ra tăng gây lo lắng cho xã hội?
 
Thật ra, đây không phải là nhiệm vụ mới, nhưng do thời gian trước chưa làm được tốt nên trở thành vấn đề bức xúc hơn, cần tập trung làm tốt từ năm học này.

Toàn ngành đã tổ chức tập huấn cho giáo viên chuyên đề giáo dục KNS, dạy tích hợp KNS vào các môn học văn hóa, tổ chức rèn luyện KNS thông qua các các hoạt động ngoại khóa trong và ngoài nhà trường. Trên cơ sở định hướng chung về chương trình, nội dung giáo dục KNS của Bộ, các địa phương và các nhà trường sẽ thảo luận, cụ thể hóa để vận dụng cho phù hợp thực tế của mình. Bộ GD- ĐT sẽ chú ý rút kinh nghiệm và tập hợp những sáng kiến, tập hợp những thực tế sinh động để nhân rộng ra các nhà trường ngay trong năm học, đồng thời thực hiện sơ kết để từng bước tiếp tục hoàn thiện chương trình này.

Bên cạnh đó, Bộ GD- ĐT đã ký kết với Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Hội Khuyến học Việt Nam để chỉ đạo tất cả các cơ quan theo ngành dọc phối hợp cùng nhà trường trên địa bàn quan tâm đến việc đi lại, học hành của các cháu ở bên ngoài nhà trường. Bộ GD-ĐT cũng tìm nhiều giải pháp cùng Bộ công an và cấp uỷ, chính quyền địa phương để có chỉ đạo, nhắc nhở các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nhà trường và vận động nhân dân cùng quan tâm, hành động cụ thể để bảo vệ các cháu và hướng dẫn các cháu làm đúng, tránh cái xấu.
 
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT: Tôi suy xét công việc cả trên cương vị một phụ huynh - 2
Học sinh Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam trong lễ khai giảng năm học mới 2010-2011 sáng 5/9.

Những năm vừa qua, tình trạng lạm thu ở nhiều trường học đã gây bức xúc trong xã hội nhưng chưa có biện pháp nào để giải quyết triệt để. Bộ trưởng sẽ có biện pháp nào để chấn chỉnh tình trạng này?

Việc chống lạm thu trong nhà trường cũng như việc đấu tranh chống tiêu cực không thể đạt kết quả nếu hành động đơn phương. Cần sự nhận thức và hành động thống nhất của mọi chủ thể, trong đó có hành động của Bộ GD-ĐT, của cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội ở các địa phương, của thầy cô gíáo, của phụ huynh và công luận…

Bộ GD-ĐT cảm ơn các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân quan tâm chăm sóc đầu tư cho nhà trường, tạo điều kiện cho các em học sinh được học tập ngày càng tốt hơn. Đồng thời, Bộ cũng xin đề nghị có sự giúp đỡ, phối hợp hành động, giám sát, theo dõi sát sao, kịp thời hơn nữa.

Trong quá trình nỗ lực của Bộ GD-ĐT về chống lạm thu, đề nghị các phụ huynh cùng chung tay thống nhất mục tiêu, hành động đúng để tiêu cực không tồn tại.

Với ngành giáo dục Việt Nam hiện nay, nhiều nhà quản lý, nhà khoa học cho rằng đang ngổn ngang trăm mối, nhiều vấn đề, chưa có câu trả lời và đây là gánh nặng đối với tân Bộ trưởng. Bộ trưởng có lo mình sẽ gặp khó khăn khi nhận nhiệm vụ lãnh đạo Bộ không?

Tôi vốn là cán bộ giảng dạy và quản lý một trường đại học. Nhưng ngay với mảng công việc này tôi cũng không dám cho rằng mọi điều về giáo dục đại học mình đã biết hết. Vẫn cần phải thường xuyên nghiên cứu, học tập, trao đổi kinh nghiệm. Giáo dục phổ thông có xa hơn một chút, nhưng tôi có 2 sự thuận lợi.

Thứ nhất, trong 6 năm công tác với nhiệm vụ Thứ trưởng, tôi tham gia các hoạt động của 3 Ban chỉ đạo là Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ. Và, tôi đi công tác ở địa phương khá đều đặn. Vì thế tôi hiểu được những vấn đề khó khăn nhất của giáo dục phổ thông cả nước.

Bên cạnh đó, tôi cũng là cha của hai cháu. Cháu lớn đang học đại học, cháu nhỏ mới học THCS. Trước đây, tôi vẫn thường đi họp phụ huynh. Gần đây, tôi không làm được việc yêu thích này nữa vì ít có thời gian rỗi. Vì thế với mọi vấn đề của giáo dục phổ thông, tôi bàn bạc trao đổi với đồng nghiệp và suy xét giải quyết không chỉ trên cương vị nhà giáo, người quản lý mà còn xuất phát từ những suy nghĩ, lo lắng trên cương vị của một phụ huynh, một người cha.

Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Hồng Hạnh (ghi)

Dòng sự kiện: Mùa tựu trường 2010