1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Đồng Nai:

Bộ GTVT lập tổ công tác đặc biệt làm rõ vụ sập cầu Ghềnh

(Dân trí) - Bộ Giao thông vừa lập tổ công tác đặc biệt làm rõ vụ sập cầu Ghềnh (tỉnh Đồng Nai) vừa xảy ra trưa nay (20/3) và chỉ đạo công việc liên quan đến khắc phục sự cố. Trước mắt, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam sẽ tổ chức chuyển tải hành khách từ ga Biên Hòa vào ga Sài Gòn và ngược lại.

Theo Bộ Giao thông vận tải (GTVT), nguyên nhân ban đầu được xác định là do xà lan đã vi phạm quy tắc giao thông đường thủy nội địa khi lưu thông qua cầu Ghềnh. Vụ đâm va làm gãy trụ cầu và làm sập hai nhịp 2 và 3 của cầu, trong đó nhịp 3 bị rơi xuống sông hoàn toàn, nhịp 2 đầu Nam rơi xuống sông, đầu Bắc rơi gác lên trụ số 1; xà lan bị lật úp trên sông; lưu thông trên tuyến đường sắt Bắc - Nam bị cắt đứt.

Bộ GTVT cho biết, thiệt hại về người và tài sản chưa được xác định. Ngay sau khi xảy ra sự cố, lãnh đạo địa phương và các lực lượng tìm kiếm, cứu nạn tại địa phương đã nhanh chóng có mặt tại hiện trường để chỉ huy công tác tìm kiếm, cứu nạn. Thứ trưởng phụ trách Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Hồng Trường, các Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, Nguyễn Nhật và đoàn công tác của Bộ Giao thông vận tải đã đến hiện trường để chỉ đạo công tác xử lý, khắc phục sự cố.

Hiện trường vụ sập cầu Ghềnh - tỉnh Đồng Nai (ảnh: Vĩnh Thủy)
Hiện trường vụ sập cầu Ghềnh - tỉnh Đồng Nai (ảnh: Vĩnh Thủy)

Liên quan đến sự cố này, Bộ GTVT đã thành lập Tổ công tác đặc biệt giúp Bộ chỉ đạo khắc phục sự cố cầu Ghềnh. Tổ công tác do Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông làm Tổ trưởng, thành viên là lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Sở GTVT tỉnh Đồng Nai, Cục Đường thủy nội địa VN và các cơ quan, đơn vị liên quan thuộc Bộ GTVT.

Tổ công tác có nhiệm vụ trực tiếp đến hiện trường sự cố để xác định nguyên nhân; sơ bộ đánh giá, xác định mức độ hư hỏng cầu Ghềnh và chỉ đạo công việc liên quan đến khắc phục sự cố cầu; đề xuất các giải pháp ban đầu để bảo đảm an toàn giao thông đường sắt, đường bộ và đường thủy nội địa; đề xuất, thẩm định các giải pháp kỹ thuật nhằm khắc phục sự cố cầu…

Bộ GTVT cũng đã chỉ đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam kịp thời phong tỏa khu gian và dừng chạy tàu khu gian Biên Hòa - Dĩ An, không để xảy ra thiệt hại về người và phương tiện. Tại thời điểm xảy ra vụ tai nạn, tàu hàng mang số hiệu 2502 đang chạy trong khu gian Biên Hòa – Dĩ An đã được nhân viên gác chắn ĐN km 1700+174 dừng tàu, đảm bảo an toàn. Trước mắt, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam sẽ tổ chức chuyển tải hành khách từ Ga Biên Hòa vào Ga Sài Gòn và ngược lại.

Trong một diễn biến có liên quan, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia - vừa có công điện yêu cầu các Bộ ngành và địa phương xảy ra vụ sập cầu khẩn trương làm rõ và khắc phục hậu quả.

Phó Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo các lực lượng chức năng của địa phương triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn để làm giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản do vụ tai nạn gây nên.

Với Bộ GTVT, Phó Thủ tướng yêu cầu chỉ đạo Tổng Công ty đường Sắt Việt Nam, Cục Đường thuỷ Nội địa Việt Nam và các đơn vị liên quan của Trung ương và tỉnh Đồng Nai tiến hành các hoạt động cứu hộ, cứu nạn nhằm giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản trong vụ việc; tổ chức cảnh báo, hướng dẫn giao thông đường sắt và đường thuỷ nội địa bảo đảm tuyệt đối an toàn giao thông qua khu vực; huy động tối đa các nguồn lực, khẩn trương sửa chữa những kết cấu bị hư hỏng, phục hồi tình trạng kỹ thuật để thông tuyến đường sắt Bắc Nam trong thời gian ngắn nhất.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo Cục Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Đồng Nai bố trí lực lượng bảo vệ hiện trường, chỉ huy giao thông và khẩn trương điều tra xác minh nguyên nhân vụ việc, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định pháp luật dẫn đến vụ tai nạn trên.

Phó Thủ tướng yêu cầu Tổng Giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chỉ đạo các đơn vị thuộc Tổng Công ty điều chỉnh phương án tổ chức chạy tàu phù hợp với tình hình vụ việc, đảm bảo tuyệt đối an toàn giao thông; phối hợp với các doanh nghiệp vận tải khác để điều chỉnh phương thức vận tải hợp lý, giảm thiểu thiệt hại kinh tế cho chủ hàng và đảm bảo lịch trình đi lại lợi nhất cho hành khách bị ảnh hưởng do sự gián đoạn của tuyến sắt Bắc Nam gây nên.

Châu Như Quỳnh