1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Thanh Hóa:

Bất thường trong việc cắt chế độ của đối tượng bị nhiễm chất độc da cam

(Dân trí) - 8 năm qua, bà Nguyễn Thị Tiến (thôn 5, xã Hoằng Minh, Hoằng Hóa - Thanh Hóa) được hưởng chế độ nhiễm chất độc hóa học, nhưng bỗng dưng bà bị cơ quan chức năng cắt với lý do “không có hồ sơ gốc”.

Không có hồ sơ vẫn cấp tiền 8 năm?

Theo phản ánh của bà Nguyễn Thị Tiến (SN 1950) thì bà sinh ra và lớn lên ở xã Quảng Phong, huyện Quảng Xương (Thanh Hóa). Tháng 12/1970, bà lên đường nhập ngũ, đến tháng /1971 bà được biên chế vào đơn vị C13, D77, E6, Sư 473, thuộc Binh chủng công binh Đoàn 559, tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu tại đường 9 Khe Xanh, Cam Lộ, A Lưới (thuộc tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế). Năm 1974 bà lập gia đình với ông Lê Đình Chiến và chuyển khẩu về quê chồng tại xã Hoằng Minh, huyện Hoằng Hóa. Đến tháng 2/1976, bà phục viên trở về địa phương sinh sống cho đến bây giờ.

Năm 2007, gia đình bà được biết, nhà nước có làm chế độ cho người tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu tại những nơi quân Mỹ rải chất độc hóa học, bà đã làm đơn và được hưởng chế độ từ tháng 10/2008. Tuy nhiên, đến tháng 5/2015 thì Sở Lao động – thương binh và xã hội (LĐTB&XH) cắt tiền trợ cấp của bà.

Bà Nguyễn Thị Tiến bức xúc kể về việc bỗng nhiên bị cắt chế độ chất độc hóa học
Bà Nguyễn Thị Tiến bức xúc kể về việc bỗng nhiên bị cắt chế độ chất độc hóa học

“Khi tôi lên hỏi nguyên nhân vì sao bỗng dưng lại cắt tiền trợ cấp của tôi thì cán bộ Phòng LĐTB&XH huyện Hoằng Hóa nói tôi không có hồ sơ gốc. Họ nói trong thời gian 1 tháng tôi phải tìm ra hồ sơ gốc của mình, nếu không tôi sẽ không được nhận tiền trợ cấp chất độc hóa học nữa. Họ là những người phê duyệt, quản lý hồ sơ của tôi, họ làm mất, họ phải có trách nhiệm tìm lại cho tôi chứ tôi có được giữ đâu mà lại bắt tôi phải đi tìm. Từ tháng 5/2015, họ đã cắt chế độ trợ cấp của tôi. Họ nói tôi không có hồ sơ gốc tại sao 8 năm qua họ lại cấp tiền cho tôi” – bà Tiến bức xúc cho biết.

Chị Lê Thị Hoa, con gái bà Tiến kể lại: “Khi mẹ tôi hỏi lãnh đạo Phòng LĐTB&XH huyện Hoằng Hóa là tại sao không có hồ sơ mà lại cấp tiền cho mẹ tôi trong 8 năm qua thì được trả lời do trong xã có 2 người trùng tên Nguyễn Thị Tiến nên cấp nhầm”.

“Điều vô lý là mặc dù mẹ tôi trùng tên với một bà Nguyễn Thị Tiến trong làng nhưng năm sinh khác nhau, nguyên quán khác nhau và thời gian phục vụ kháng chiến, đơn vị đều không hề giống nhau. Bà Tiến kia sinh năm 1944, đi dân công hỏa tuyến chỉ có 1 năm. Mẹ tôi đi 6 năm trời. Vậy mà họ cắt chế độ của mẹ tôi rồi trả lời một cách vô trách nhiệm như vậy” – chị Hoa cho biết thêm.

Cũng theo chị Hoa thì từ ngày bị dừng trợ cấp, Mẹ chị trở nên chán nản, bất lực chỉ nghĩ đến cái chết vì cho rằng bao nhiêu năm phục vụ kháng chiến đến cuối đời lại bị xã hội đối xử tàn nhẫn như vậy.

Bất thường trong việc cắt chế độ của đối tượng bị nhiễm chất độc da cam - 2
Tấm Huân chương chiến sĩ giải phóng công chứng nằm trong hồ sơ của bà Nguyễn Thị Tiến (SN 1944) lại chính là bản gốc mà bà Nguyễn Thị Tiến (SN 1950) đang giữ
Tấm Huân chương chiến sĩ giải phóng công chứng nằm trong hồ sơ của bà Nguyễn Thị Tiến (SN 1944) lại chính là bản gốc mà bà Nguyễn Thị Tiến (SN 1950) đang giữ

Hiện cuộc sống của bà Tiến vô cùng khó khăn. Bản thân bà bị viêm đa khớp, rối loạn tuần hoàn não, vôi hóa cột sống, huyết áp thấp… sức khỏe rất yếu không làm được gì nên mọi sinh hoạt đều phụ thuộc vào gia đình con gái.

Ông Vũ Văn Hải, Chủ tịch UBND xã Hoằng Minh cho biết: “Chúng tôi cũng thấy tội cho bà ấy, việc bà ấy tham gia cống hiến, đi bộ đội như trong hồ sơ Đảng là đúng sự thật. Tuy nhiên, căn cứ việc bà không có hồ sơ gốc thì bị cắt là đúng nhưng bản thân tôi cũng không hiểu vì sao hồ sơ gốc của bà lại bị thất lạc”.

Nhầm lẫn một quyết định?

Ông Nguyễn Hùng Thao, Trưởng Phòng LĐTB&XH huyện Hoằng Hóa, cho biết năm 2015 phòng phối hợp với Sở LĐTB&XH tỉnh tiến hành rà soát các đối tượng được hưởng trợ cấp người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc trên địa bàn và phát hiện có 2 trường hợp cùng tên là Nguyễn Thị Tiến đang được hưởng trợ cấp tại xã Hoằng Minh nhưng hồ sơ lưu tại sở chỉ có 1 người. Quyết định được hưởng cũng là hai quyết định nhưng là cùng số.

Sau khi tiến hành kiểm tra, bà Nguyễn Thị Tiến (SN 1950) không có hồ sơ gốc, còn bà Nguyễn Thị Tiến (SN 1944) có hồ sơ gốc lưu tại Phòng. Từ căn cứ trên Phòng LĐTB&XH đã có đơn dừng cấp chế độ cho bà Tiến (SN 1950).


Ông Nguyễn Hùng Thao - Trưởng Phòng LĐTB&XH huyện Hoằng Hóa cho rằng 8 năm qua cấp tiền trợ cấp cho bà Tiến (SN 1950) là cấp nhầm

Ông Nguyễn Hùng Thao - Trưởng Phòng LĐTB&XH huyện Hoằng Hóa cho rằng 8 năm qua cấp tiền trợ cấp cho bà Tiến (SN 1950) là "cấp nhầm"

“Việc có hai đối tượng được hưởng nhưng có cùng một quyết định là do nhầm lẫn, sơ suất của cán bộ kế toán của phòng dự toán nhầm 2 lần và cấp kinh phí về xã. Tại địa phương lại có 2 bà Nguyễn Thị Tiến cùng đi bộ đội nên UBND xã Hoằng Minh đã không phát hiện được, nên vẫn tiến hành cấp nhầm cho bà Tiến (SN 1950)” – ông Thao nói.

Khi được hỏi nếu không có hồ sơ thì phòng lấy tên bà Tiến (SN 1950) ở đâu để cấp chế độ cho bà ấy. Ông Thao nói: “Ngày đó, ông Lê Văn Kỳ (kế toàn đã nghỉ hưu) làm dự toán, nên không biết anh Kỳ làm kiểu gì. “Tôi mới lên làm trưởng phòng từ năm 2012, anh kế toán và trưởng phòng đã nghỉ hưu làm nên tôi cũng chịu” – ông Thao bao biện.

Ông Thao cũng khẳng định, tới đây nếu bà Tiến không xuất trình được hồ sơ gốc sẽ đề nghị truy thu lại số tiền bà đã hưởng từ năm 2008 đến nay.

Một điều vô cùng bất thường đó là trong tập hồ sơ đang lưu tại Phòng LĐTB&XH mà ông Thao cung cấp cho PV của bà Nguyễn Thị Tiến (SN 1944), có một bản photocopy công chứng Huân chương chiến sĩ giải phóng (hạng 3) mang tên Nguyễn Thị Tiến (không có năm sinh), địa chỉ ở xã Hoằng Minh, huyện Hoằng Hóa, được Chủ tịch Cộng hòa miền Nam Việt Nam Nguyễn Hữu Thọ tặng ngày 2/12/1975, lại trùng y nguyên bản gốc mà bà Tiến (SN 1950) đang treo ở nhà.

Ông Thao khẳng định đó là huân chương của bà Tiến (SN 1944). Tuy nhiên, khi trao đổi với phóng viên, bà Tiến (SN 1944), khẳng định bà không được tặng thưởng Huân chương chiến sĩ giải phóng nào cả, mà chỉ có 1 giấy chứng nhận huy hiệu chiến sĩ Trường Sơn năm 2003 do Bộ Quốc phòng tặng.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Dương Văn Huệ, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Trường hợp này Sở đã yêu cầu huyện báo cáo rõ xem bà này có hồ sơ hay không để xử lý”.

Nghi vấn của ông Huệ là do ở dưới lập dự toán đưa lên mà Sở không kiểm soát chặt chẽ về hồ sơ. Tuy nhiên, khi được hỏi trách nhiệm này thuộc về ai thì ông Huệ cho biết do Phòng LĐTB&XH huyện Hoằng Hóa chứ không phải do Sở.

“Ở dưới gửi danh sách dự toán lên, trên cứ “auto” ra thôi. Sở cứ căn cứ vào đó mà trả. Chính vì thế nên 8 năm mới phát hiện ra. Nếu không có đợt tổng rà soát vừa rồi thì cũng không phát hiện ra” – ông Huệ khẳng định.

Cũng theo ông Huệ thì trong hồ sơ để xét duyệt được nhận trợ cấp, chứng cứ chiến trường là một trong những điều kiện quan trọng. Câu hỏi đặt ra là tại sao chứng cứ chiến trường (Huân chương chiến sĩ giải phóng hạng 3) của bà Nguyễn Thị Tiến (SN 1950, hiện đang bị cắt) lại nằm trong hồ sơ của bà Nguyễn Thị Tiến (SN 1944) !?

(Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc)

Nguyễn Thùy

Bất thường trong việc cắt chế độ của đối tượng bị nhiễm chất độc da cam - 5

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm