1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Ba “kịch bản” cho hướng đi của bão số 4

(Dân trí) - Bão số 4 đang di chuyển nhanh trên Biển Đông và có hướng rất phức tạp. Cuộc họp khẩn chiều nay đã chỉ ra 3 “kịch bản” về hướng đi của cơn bão này.

Chiều nay (2/10), Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã chủ trì cuộc họp khẩn với các đơn vị ban ngành về công tác đối phó với bão số 4 (có tên quốc tế là Mujigae).

Quang cảnh cuộc họp

Quang cảnh cuộc họp

 

Tại cuộc họp, ông Hoàng Đức Cường - Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương - cho biết, 8h sáng nay (2/10), cơn bão có tên quốc tế là Mujigae (bão Cầu Vồng) đã vượt qua đảo Ludong (Philippines) đi vào biển Đông và trở thành cơn bão số 4.

Lúc 12h trưa cùng ngày, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17 độ vĩ Bắc; 118,8 độ kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa (Việt Nam) khoảng 700km về phía đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (từ 60- 75km/giờ), giật cấp 9-10.

Bão Mujigae đang có xu hướng mạnh lên và sẽ hình thành vùng gió nguy hiểm trên cấp 10. Hiện tại, bão Mujigae đang di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km.

“Hướng đi của bão Mujigae khá phức tạp, do vậy, chỉ cần bão đi lệch 50km lên phía Bắc, sẽ đổ bộ vào Trung Quốc. Tuy nhiên, chỉ cần bão đi lệch sang phía Nam của Việt Nam 50km, bão sẽ đổ bộ vào tỉnh Quảng Ninh. Khả năng bão đổ bộ vào vùng biển Quảng Ninh - Hải Phòng là 50%” - ông Cường nói.

Cũng theo ông Cường, hiện nay chưa thể biết được chính xác bão Mujigae sẽ đổ bổ vào Việt Nam hay Trung Quốc. Tuy nhiên, sẽ có 3 “kịch bản” cho hướng đi của cơn bão này: bão Mujigae đổ bộ vào phía Bắc bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc); bão đổ bộ vào phía bắc của đảo Hải Nam (Trung Quốc) hoặc bão đi thẳng theo hướng Tây Tây Bắc vào vùng biển Quảng Ninh - Hải Phòng, mà trọng tâm là Quảng Ninh.

Ông Cường cho biết thêm, nếu phương án 3 xảy ra thì dự kiến khoảng 10h sáng ngày 5/10, bão Mujigae sẽ đổ bộ vào vùng biển Quảng Ninh - Hải Phòng, trong đó là vùng trọng tâm là Quảng Ninh. Bão giật cấp 9,10.

Trong trường hợp bão đổ bộ vào Trung Quốc, khu vực ven biển Đông Bắc Việt Nam sẽ ít mưa, vùng núi ở phía Bắc khả năng mưa cũng ít. Còn nếu bão vào Quảng Ninh, vùng thấp sẽ đi thẳng vào tỉnh Lạng Sơn, gây mưa lớn cho khu Đông Bắc, khu vực vùng núi phía Bắc.

Khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ sẽ có mưa lớn, với lượng mưa từ 300-400mm. Khu vực sâu trong đất liền từ 100-200mm. Từ ngày ngày 5-7/10, khu vực đồng bằng Bắc Bộ có lượng mưa từ 100-200mm.

Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải phát biểu tại cuộc họp

Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải phát biểu tại cuộc họp

 

Để ứng phó với bão số 4, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đề nghị các cơ quan liên quan triển khai khẩn trương công tác ứng phó, trong đó có một số nhiệm vụ: 

Khẩn trương kêu gọi tàu thuyền tránh ra khỏi vùng nguy hiểm. Tăng cường kiểm tra, đảm bảo công tác neo đậu tàu thuyền và di dân phòng tránh bão, đặc biệt đối với khu vực lồng bè và nuôi trồng thủy sản; Sẵn sàng cho tình huống xấu nhất để hạn chế thiệt hại về người và tài sản. Kiểm tra lực lượng 4 tại chỗ, chuẩn bị máy bơm, nạo vét mương, tạo lối thoát lũ kịp thời. UBND tỉnh Quảng Ninh, Tập đoàn Than khoáng sản tiếp tục làm sạch các lòng dẫn, mở thêm kênh thoát lũ, hạ thấp bãi thải để tránh tình trạng ngập, sạt như đợt mưa lũ lịch sử 50 năm vừa qua. Đảm bảo an toàn hồ chứa thủy điện và thủy lợi.

Bộ Ngoại giao liên hệ với các quốc gia liên quan để hỗ trợ ngư dân khi có yêu cầu; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo tiêu nước đệm, bảo đảm giảm thiệt hại tối đa cho nông nghiệp; Bộ Thông tin truyền thông chỉ đạo các nhà cung cấp dịch vụ và Bộ Giao thông vận tải bố trí lực lượng lên các vị trí thiết yếu để có thể ứng phó khi có sự cố sạt trượt, tránh ùn tắc lâu ngày; Bộ Quốc phòng sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứ hộ, cứu nạn để chủ động ứng cứu khi có yêu cầu.

 


Vị trí và đường đi của cơn bão số 4. (Ảnh: Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương)

Vị trí và đường đi của cơn bão số 4. (Ảnh: Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương)

 

Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương và các phương tiện thông tin đại chúng thường xuyên cập nhật, đảm bảo thông tin đến người dân. Tiếp tục cải tiến nội dung và phương thức truyền thông tin đến người dân sao cho thông tin đến được chính xác, chọn lọc và dễ tiếp thu. Các địa phương tăng cường hệ thống thông tin truyền thông để cung cấp thông tin đến người dân, thường xuyên bảo trì nâng cấp đảm bảo hệ thống vận hành ổn định.

Sẵn sàng phương án sơ tán, tăng cường lực lượng, đặc biệt lực lượng công an trong việc canh bến phà, ngầm, không để trường hợp đáng tiếc xảy ra. 

Ngoài ra, tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cũng yêu cầu, việc cung cấp thông tin về tình hình cơn bão phải đến được từng hộ gia đình.

"khi cơn bão áp sát, Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương phải cập nhật tin bão từng giờ thay vì 2-3 tiếng như trước kia" - Bộ trưởng Cao Đức Phát nói.

Nguyễn Dương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm