1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Quỹ lương hưu lớn nhất thế giới lỗ 52 tỷ USD một quý vì Brexit

Khoản thua lỗ khổng lồ nói trên thuộc về Quỹ Đầu tư lương hưu Chính phủ Nhật Bản (GPIF)...


Tình trạng thua lỗ trong quý 2 của GPIF chủ yếu xuất phát từ biến động của thị trường chứng khoán trong và ngoài nước - Ảnh: Getty/BBC.

Tình trạng thua lỗ trong quý 2 của GPIF chủ yếu xuất phát từ biến động của thị trường chứng khoán trong và ngoài nước - Ảnh: Getty/BBC.

Quỹ lương hưu lớn nhất thế giới cho rằng khoản lỗ 52 tỷ USD trong quý 2 là do việc cử tri Anh bất ngờ chọn ra khỏi Liên minh Châu Âu (EU) trong cuộc trưng cầu dân ý hồi cuối tháng 6.

Theo tờ Financial Times, khoản thua lỗ khổng lồ nói trên thuộc về Quỹ Đầu tư lương hưu Chính phủ Nhật Bản (GPIF) trong thời gian từ tháng 4 đến tháng 6/2016. Mức lỗ này thậm chí lớn hơn khoảng lỗ 50 tỷ USD mà GPIF gánh chịu trong năm tài khóa 2015-2016, năm thua lỗ nặng nề nhất của quỹ kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

GPIF nói rằng thua lỗ trong quý 2 tương đương mức lỗ 3,88%, khiến tổng giá trị của quỹ giảm dưới mức 130 nghìn tỷ Yên, tương đương 1,3 nghìn tỷ USD. Trước đó, trong quý 1, GPIF lỗ 3,52%, đánh dấu hai quỹ thua lỗ liên tiếp đầu tiên kể từ năm 2008.

Tình trạng thua lỗ trong quý 2 của GPIF chủ yếu xuất phát từ biến động của thị trường chứng khoán trong và ngoài nước. Khoản lỗ này xóa sạch thành quả lãi mà GPIF đạt được kể từ khi quỹ điều chỉnh chiến lược đầu tư vào tháng 10/2014 bằng cách nâng tỷ trọng vốn đầu tư chứng khoán.

Ông Norihiro Takahashi, Chủ tịch GPIF, cho biết có hai yếu tố chính khiến thị trường chứng khoán Nhật và toàn cầu lao dốc trong quý 2, dẫn tới sự thua lỗ của quỹ. Hai yếu tố này bao gồm sự kiện Brexit và số liệu việc làm tháng 5 của Mỹ thấp hơn nhiều so với dự kiến khiến giới đầu tư hoang mang.

Trong phiên giao dịch đầu tiên của thị trường chứng khoán Nhật sau cuộc trưng cầu dân ý ở Anh hôm 23/6, chỉ số Topix đã sụt 7%.

Việc GPIF tăng tỷ trọng nắm giữ cổ phiếu đã gây tranh cãi ở Nhật Bản, nơi người dân không đầu tư nhiều vào chứng khoán. Tuy nhiên, sự điều chỉnh chiến lược đầu tư này của GPIF được quảng bá là một phần quan trọng trong chương trình chấn hưng tăng trưởng kinh tế mang tên “Abenomics” của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.

Theo cơ cấu danh mục mới, GPIF dịch chuyển vốn khỏi trái phiếu trong nước. Quỹ này hiện nắm 21% giá trị đầu tư dưới dạng cổ phiếu trong nước, một tỷ lệ tương tự dưới dạng cổ phiếu nước ngoài, và 39% dưới dạng trái phiếu trong nước. Quỹ dự kiến tăng tỷ trọng phân bổ vốn vào cổ phiếu trong nước và cổ phiếu nước ngoài lên 25% mỗi mục.

Nỗ lực của Thủ tướng Abe nhằm đưa Nhật Bản thoát khỏi tình trạng giảm phát và đạt được sự tăng trưởng kinh tế bền vững bao gồm nhiều biện pháp nhằm khuyến khích các hộ gia đình chuyển một phần tiền gửi tiết kiệm sang đầu tư.

Theo VNeconomy.vn