1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Vụ bắt giữ Gadhafi “con” và những tác động khó lường

(Dân trí) - Vụ bắt giữ người con trai thứ hai và là người con trai quyền lực nhất của cố lãnh đạo Libya, Saif al-Islam Gadhafi, là thắng lợi cho Libya, nhưng cũng là nhân tố làm phức tạp hóa tiến trình đàm phán thành lập một chính phủ mới hiện nay.

 

Vụ bắt giữ Gadhafi “con” và những tác động khó lường - 1
Một bức ảnh được cho là chụp Saif al-Islam đăng tải trên Facebook sau khi bị bắt.

 

Một phiên tòa thích đáng, hoặc ở Libya hoặc ở Tòa án hình sự (ICC) tại Hague, Hà Lan, chắc chắn cũng sẽ đưa ra ánh sáng những hợp đồng tài chính mờ ám của chính quyền cũ.

 

Tiến trình này cũng giúp đào lại những tài sản của Libya bị các quan chức chính quyền cũ cất giấu ở nước ngoài.

 

Tuy nhiên, điều quan trọng hơn hết thảy có thể là cách thức Saif bị bắt. Nó trao cho chiến binh địa phương  nhiều quyền lực hơn khi “ngã giá” với giới chức chính quyền trung ương, Hội đồng chuyển tiếp quốc gia (NTC). Cuộc “ngã già” giờ đây đang ở giai đoạn quyết liệt nhất.

 

Phép thử với NTC

 

Kể từ khi Tripoli sụp đổ 3 tháng trước, NTC cầm quyền đã phải vật lộn để tìm ra công thức chia sẻ quyền lực “thần kỳ” giữa các chiến binh địa phương và các nhà kỹ trị.

 

Việc trì hoãn công bố nội các nhiều lần kể từ khi cơ quan này giải thể vào ngày 8/8 đã đặt ra nghi vấn đối với khả năng “cầm cương” các nhóm chiến binh của NTC, cũng như khả năng lèo lái Libya qua được giai đoạn chuyển tiếp.

 

Theo phác thảo hiến chương hiến pháp của NTC, thì Thủ tướng lâm thời, tiến sỹ Abdurrahim al-Keib phải công bố nội các vào ngày 22/11 này và nội các sau đó sẽ qua một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm của NTC.

 

Nếu vượt qua, nội các mới sẽ điều hành chính phủ lâm thời tới cuộc bầu cử quốc hội trong vòng 8 tháng nữa.

 

Một nội các được lựa chọn yếu kém có thể sẽ thất thế ngay lập tức nếu bị dân chúng phản đối kịch liệt hoặc nếu các chiến binh vì bất bình mà gây rối.

 

Thành lập được một nội các với các bộ trưởng phù hợp đóng vai trò tối quan trọng để giải quyết những tranh chấp quyền lực nội bộ trong NTC cũng như các chiến binh địa phương vốn trước kia đã bị loại khỏi chính trường.

 

Cảnh báo của chiến binh

 

Những nhóm chiến binh chủ chốt như Zintanis, nhóm bắt giữ Saif, hay Misratan, nhóm đã bắt ông Muammar Gadhafi, đều có mạng lưới tổ chức và nhận được sự tôn trọng của người dân Libya, đủ để yêu cầu được đảm trách những vị trí then chốt trong chính quyền mới.

 

Một lãnh đạo chiến binh ở Tripoli, Abdullah Naker, cảnh báo vào hôm thứ tư vừa qua rằng “nếu chúng tôi nhận thấy chúng tôi lại có một chế độ độc tài, chúng tôi sẽ phản ứng như trước kia”.

 

Vì vậy, nếu chia ít vị trí trong nội các cho  Misratan, Zintani và chiến binh cách mạng Tripoli và phân phát hào phóng cho nhóm những người từng trung thành với đại bản doanh của người biểu tình ở Bani Walid và Sirte, thì chắc chắn sẽ không đủ để hợp nhất được Libya.

 

Các nhóm địa phương cũng cần được góp mặt trong tầm nhìn của một Libya mới, mà ở đó họ cảm thấy thoải mái giao nộp vũ khí và có khả năng phủ quyết được lựa chọn nội các của NTC.

 

Tuy nhiên, kể từ đầu tháng 11, những nhóm này đã tham gia vào các cuộc đụng độ quân sự lác đác, vì vậy NTC phải có những bước đi đặc biệt tinh tế để tránh bị xem là thiên vị nhóm nào hơn.

 

Nhưng khi đã bắt được Saif, nếu Zintanis ra tối hậu thư, NTC sẽ ở trong tình huống không thể từ chối. Những chiến binh Zintanis hàng đầu đã khẳng định họ sẽ không giao nộp Saif cho NTC, trừ khi họ nhận được đảm bảo rằng anh ta sẽ được đưa ra xét xử ở Libya.

 

Họ cũng có thể đã lên kế hoạch tuyên bố bắt giữ được Saif ngay trước khi nội các dự kiến được công bố, để mặc cả cho các vị trí bộ trưởng.

 

Tiến thoái lưỡng nan

 

Từ quan điểm của NTC, sẽ là khôn ngoan nếu trao các vị trí bộ trưởng cho một vài lãnh đạo Hồi giáo, lãnh đạo nhóm MisratanZintani, ngay cả khi họ thiếu kinh nghiệm quản lý.

 

Tuy nhiên, giới các nhà kỹ trị của NTC rõ ràng là đang chần chừ khi chọn các chiến binh cùng các lãnh đạo địa phương nổi bật quản lý các bộ, bởi họ biết rằng chính các nhóm này cũng đang thiếu kỹ năng cần thiết để điều hành.

 

Giống như Hy Lạp và Italia, Libya cũng đang vật lộn để cân bằng giữa những nhà kỹ trị nổi bật,những người mang lại sự ổn định, với các chính trị gia, những người mang đến sự hợp pháp.

 

Vì vậy, Thủ tướng Keib có hai lựa chọn khi công bố nội các: Ông có thể tái bổ nhiệm những nhân vật chủ chốt cũ mà cho đến nay thực chất vẫn đang lãnh đạo chính phủ lâm thời hoặc có thể quay sang các lãnh đạo địa phương, những người được yêu mến sau khi bắt giữ được các thành viên gia đình ông Gadhafi trong cuộc nổi dậy.

 

Mỗi lựa chọn đều có nguy cơ riêng và tình trạng tiến thoái lưỡng nan lại càng thấy rõ sau vụ bắt giữ Saif. Nhiều khả năng Keib sẽ chọn con đường ở giữa. Nhưng dù ông có chọn gì đi chăng nữa, chắc chắn sẽ không thể làm hài lòng được hầu hết các bên.

 

Phan Anh

Theo BBC