1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Vì sao Mỹ điều tàu không người lái đến Nhật Bản?

Thanh Thành

(Dân trí) - Mỹ điều tàu mặt nước không người lái đa chức năng (USV) đến căn cứ hải quân ở Nhật Bản, động thái báo hiệu vai trò mới của tàu không người lái trong chiến lược châu Á-Thái Bình Dương của Washington.

Vì sao Mỹ điều tàu không người lái đến Nhật Bản? - 1

Tàu Ranger không người lái của Mỹ được cho là đã dừng ở đảo Guam và Okinawa trên đường đến thành phố Yokosuka của Nhật Bản (Ảnh: SCMP).

Mỹ đã điều 2 tàu USV tới các căn cứ tại Nhật Bản, trong một động thái mà các nhà phân tích quốc phòng cho rằng có thể ám chỉ kế hoạch Lầu Năm Góc sẽ sử dụng tàu không người lái trong chiến lược răn đe Trung Quốc về vấn đề Đài Loan.

Theo một tuyên bố của Hạm đội 7 Mỹ có trụ sở chính ở Tokyo, các thủy thủ và kiểm lâm viên của Hạm đội 3 Mỹ đã khởi hành từ California đến Yokosuka (Nhật Bản) vào tháng trước trong khuôn khổ cuộc tập trận "Chiến đấu tích hợp 23.2" (IBP23.2) của Hải quân Mỹ.

Trước khi đến Yokosuka, 2 tàu Mariner và Ranger đã dừng chân tại trụ sở Ấn Độ-Thái Bình Dương ở Trân Châu Cảng tại Hawaii, nơi hai tàu USV nhỏ hơn là Hunter và Sea Hawk đã tham gia một cuộc diễn tập khác vào năm ngoái.

IBP23.2 là cuộc diễn tập tập trung vào việc thử nghiệm việc sử dụng USV cùng với các tàu có người lái ở Ấn Độ-Thái Bình Dương.

Đây là lần đầu tiên Hải quân Mỹ đưa tàu không người lái đi một quãng đường dài như vậy. Theo Hạm đội 7 của Mỹ, Ranger được tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke USS Shoup hộ tống khi vượt Thái Bình Dương.

Lu Li-shih, cựu giảng viên tại Học viện hải quân Đài Loan ở Cao Hùng, cho rằng việc điều tàu không người lái đi cùng tàu chiến là một cách tiếp cận mới trong tác chiến hải quân, giống chiến thuật tác chiến trên không hiện đại là ghép nối máy bay không người lái (UAV) với máy bay chiến đấu trong thời gian diễn ra cuộc tập trận. 

Theo ông, việc triển khai USV và UAV là một phần trong chiến lược bù đắp nhằm giảm số lượng binh sĩ trong chiến tranh hiện đại, với mục tiêu cuối cùng là giảm thiểu thương vong. Ông Lu lưu ý, theo một bức ảnh được Japan Times công bố vào tháng trước, tàu Ranger dường như cũng đã dừng lại ở Guam và Okinawa.

"Hình ảnh vệ tinh và hệ thống nhận dạng tự động giao thông hàng hải của Guam và Okinawa cho thấy, 2 tàu USV và tàu khu trục USS Shoup đang hoạt động cùng nhau trong hành trình dài, với các dấu hiệu cho thấy tàu Mariner có vẻ bị mòn sau khi gặp gió và sóng mạnh trên biển khơi", chuyên gia này cho biết thêm.

Ông nói thêm rằng, 2 USV được trang bị các mô-đun vũ khí kết hợp như tên lửa tiêu chuẩn-6 của Hải quân Mỹ, có thể thực hiện chức năng phòng không, phòng thủ tên lửa đạn đạo giai đoạn cuối và tấn công chống hạm.

Sự phát triển của USV đã được nhấn mạnh trong sáng kiến tái tạo của Lầu Năm Góc, một kế hoạch đổi mới công nghệ quân sự được Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Kathleen Hicks công bố vào tháng 8. Theo kế hoạch, Lầu Năm Góc đặt mục tiêu phát triển hàng nghìn UAV, được cho là nhằm đáp trả làn sóng gia tăng nhanh chóng các tàu chiến của Trung Quốc trong những thập kỷ gần đây.

Theo tập đoàn Rand, Washington vẫn là lực lượng hải quân hùng mạnh nhất thế giới nhưng họ vẫn ít tàu chiến hoạt động hơn so với Bắc Kinh. Kế hoạch dẫn đường năm 2022 của Giám đốc tác chiến hải quân (CNO) của Hải quân Mỹ kêu gọi hạm đội hải quân Mỹ tăng lên khoảng 523 tàu vào năm 2045, với 373 tàu có người lái và 150 tàu không người lái.

Xung đột Ukraine đã cho thấy sức mạnh của công nghệ USV. Scott Savitz, chuyên gia quân sự tại Tập đoàn Rand, cho rằng Đài Loan nên hợp tác với Mỹ để phóng hàng loạt USV chất nổ nhằm ngăn chặn kịch bản Bắc Kinh tấn công. Chuyên gia Savitz lưu ý, trong khi Ukraine được hỗ trợ bởi Starlink, mạng internet vệ tinh do SpaceX vận hành, Đài Loan không có mạng vệ tinh riêng để cho phép UAV và USV liên lạc và kết nối.

Nhưng trở ngại này có thể vượt qua được. "Đây sẽ không phải là rào cản không thể vượt qua, ngay cả khi Starlink từ chối tham gia. Có những công ty khác cung cấp thông tin liên lạc vệ tinh và nhiều công ty khác sẽ xuất hiện", chuyên gia Savitz nói.

"Quân đội Mỹ cũng có những năng lực như vậy và có thể hỗ trợ Đài Loan", ông nhấn mạnh thêm. Chuyên gia Savitz cũng cho rằng, Hải quân Mỹ, vốn có nhiều kinh nghiệm chiến đấu thực tế hơn đối tác Trung Quốc, có một số lợi thế trong việc phát triển công nghệ USV. 

Theo SCMP