DNews

Những kịch bản có thể xảy ra nếu Pháp điều quân đến Ukraine

Minh Phương

(Dân trí) - Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tiếp tục để ngỏ phương án đưa quân vào Ukraine bất chấp những luồng ý kiến trái chiều và cảnh báo hậu quả.

Những kịch bản có thể xảy ra nếu Pháp điều quân đến Ukraine

Sau cuộc họp ngày 26/2 với khoảng 20 lãnh đạo châu Âu tại Paris, Tổng thống Macron tuyên bố "phương Tây không loại trừ đưa quân đến Ukraine".

Giới chức Pháp cho hay, tại cuộc họp, đại diện các nước đã thảo luận về "cách thực hiện khác biệt" về viện trợ cho Ukraine. Một số ý tưởng đã được đưa ra bàn thảo, đặc biệt là xung quanh vấn đề rà phá bom mìn ở Ukraine và huấn luyện quân đội địa phương.

Tuy các bên chưa đạt đồng thuận về vấn đề này, nhưng ông Macron khẳng định, phương Tây sẽ làm mọi điều để đảm bảo Nga không chiến thắng trong xung đột với Ukraine.

Tuyên bố của ông Macron được cho là gửi đi thông điệp cứng rắn tới Moscow: Điện Kremlin đừng quá tự tin rằng phương Tây đã mệt mỏi vì cuộc chiến.

"Pháp là một lực lượng vì hòa bình. Ngày nay, để đạt được hòa bình ở Ukraine, chúng ta không được yếu đuối", Tổng thống Macron giải thích cho phát ngôn của mình về việc Pháp có thể triển khai quân đến Ukraine. Ông kêu gọi châu Âu không nên "hèn nhát" khi đối phó với Nga.

Bình luận của nhà lãnh đạo đã gây ra làn sóng phủ nhận từ các quốc gia bao gồm Đức, Anh và Mỹ trong khi Moscow cảnh báo về xung đột trực tiếp với NATO nếu liên minh này triển khai quân tới Ukraine.

Mặc dù vậy, kể từ đó đến nay, ông Macron tiếp tục khẳng định lại lập trường rằng Pháp sẵn sàng đưa quân đến Ukraine. Mới đây nhất, hồi đầu tháng 5, ông tuyên bố, kịch bản trên sẽ xảy ra nếu Nga phá vỡ phòng tuyến của Ukraine và Kiev đề nghị sự hỗ trợ của Paris.

Vì sao ông Macron lại có được sự táo bạo và sẵn sàng đi ngược lại xu hướng chủ đạo đến vậy? Đó có phải là một sự thay đổi thực sự trong cách tiếp cận của nhà lãnh đạo Pháp hay không và liệu ông có thể vượt qua được sự phản kháng trong nước và quốc tế đối với ý tưởng đó hay không?

Pháp thay đổi lập trường?

Những kịch bản có thể xảy ra nếu Pháp điều quân đến Ukraine - 1

Tổng thống Emmanuel Macron (Ảnh: Reuters).

Khi bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống của mình, ông Macron không chỉ cố gắng tìm ra điểm chung với Tổng thống Nga Vladimir Putin mà còn tìm cách chuyển hướng đường lối đối ngoại quan trọng của Pháp sang Nga.

Ông Macron đề xuất một khái niệm chính sách đối ngoại mới về đối thoại và xích lại gần Nga, đồng thời liên tục nhấn mạnh ý tưởng này trong các tuyên bố công khai của mình.

Thậm chí sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào tháng 2/2022, ông vẫn không chủ trương cắt đứt quan hệ với Nga. Ông tin có thể tác động đến Tổng thống Putin, thuyết phục ông chấm dứt xung đột. Ông thậm chí kêu gọi các đồng minh, đối tác phương Tây "đừng làm bẽ mặt" Moscow.

Tuy nhiên, theo thời gian, Paris nhận thấy những kêu gọi đó là vô ích. Hơn nữa, "ngoại giao quân sự" của Pháp đã phải chịu những thất bại đau đớn ở các nước Trung và Tây Phi trong những năm gần đây và có liên hệ trực tiếp với Nga.

Vì vậy, quan điểm của Pháp bắt đầu thay đổi nhanh chóng. Pháp ủng hộ việc Ukraine trở thành thành viên Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Pháp là một trong những nước đầu tiên gửi pháo cỡ lớn tới Kiev. Paris đã có những nỗ lực đáng kể để dỡ bỏ cái gọi là "cấm kỵ xe tăng" trong chính sách viện trợ của phương Tây dành cho Ukraine. Pháp cũng ngày càng lo ngại về cuộc chiến tranh lai của Nga nhằm chống lại Pháp và các thành viên EU khác.

Ngoài ra, Tổng thống Macron muốn nâng cao tầm nhìn về quyền tự chủ chiến lược của châu Âu trước Washington và chứng minh khả năng của châu Âu trong việc hỗ trợ Kiev mà không cần phụ thuộc vào Mỹ, đặc biệt trước kịch bản cựu Tổng thống Donald Trump có thể tái đắc cử.

Ông Macron liên tục cảnh báo các quốc gia châu Âu khác rằng lập trường của Mỹ về cuộc xung đột ở Ukraine đã thay đổi.

"Rõ ràng, những lo ngại về kịch bản ông Trump tái đắc cử tổng thống Mỹ khiến châu Âu nhận ra rằng họ cần hành động nhiều hơn để bảo vệ chính mình. Điều đó đã góp phần khiến ông Macron thúc đẩy quyền tự chủ chiến lược", Artin DerSimonian, học giả cấp cao trong chương trình Á - Âu tại Viện Quincy về Quản lý Nhà nước có trách nhiệm cho hay.

Ông Macron dường như đang muốn Pháp được coi là cường quốc lãnh đạo ở châu Âu trong bối cảnh chính trị đang thay đổi, trên cả trường quốc tế và trong nước. Đối thủ chính trong cuộc cạnh tranh vai trò lãnh đạo việc hoạch định chính sách EU của Pháp chính là Đức.

Hồi đầu tháng 2, sự bất đồng trong quan điểm giữa Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã lộ rõ tại cuộc họp của các nhà lãnh đạo châu Âu. Ông Macron đã gây tranh cãi khi tuyên bố "không loại trừ khả năng gửi quân đội tới chiến trường Ukraine" cùng bình luận thẳng thắn "các đồng minh không làm như vậy là hèn nhát".

Tổng thống Macron cho rằng, Đức theo đuổi chiến lược thận trọng, không can thiệp cũng như giữ khoảng cách với vũ khí hạt nhân. Theo ông, mô hình của Đức không giống Pháp bởi Pháp sở hữu vũ khí hạt nhân và đã duy trì, củng cố lực lượng trong lĩnh vực này. Ông nhấn mạnh, Pháp không e ngại sự răn đe từ Nga và Paris đang chuẩn bị cho mọi kịch bản.

Tuy vậy, một điều mà cả Đức và Pháp đồng quan điểm là châu Âu cần duy trì sự hỗ trợ của Mỹ dành cho Ukraine trước nguy cơ "mệt mỏi" quốc tế ngày càng gia tăng. 

Những kịch bản can thiệp của Pháp

Những kịch bản có thể xảy ra nếu Pháp điều quân đến Ukraine - 2

Ý tưởng đưa quân đến Ukraine của Pháp đưa ra giữa lúc quân đội Ukraine cạn kiệt đạn dược, vũ khí (Ảnh: AFP).

Các lực lượng vũ trang Pháp được hình thành từ 3 lực lượng không quân, hải quân và lục quân. Ngoài ra, Paris cũng duy trì kho vũ khí hạt nhân của riêng nước này. Điều này có nghĩa là mặc dù quy mô có thể bị hạn chế, song quân đội Pháp hoàn toàn có khả năng tiến hành chiến tranh ngay cả khi không có mặt Tổ chức hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Xét về lực lượng sẵn có, việc triển khai quân đội Pháp ở Ukraine có thể dựa trên 3 giả định sau:

Trường hợp thứ nhất, Pháp chỉ điều động một sư đoàn. Pháp sẽ cử tối đa là một nửa bộ binh thông thường vào chiến đấu trực tiếp, phần còn lại sẽ trở thành lực lượng dự bị nhằm ngăn chặn xung đột lan rộng và leo thang.

Trường hợp thứ hai là liên kết phòng thủ. Pháp khó có thể tổ chức tấn công với sức mạnh của duy nhất 1 sư đoàn bởi nhiệm vụ này đòi hỏi quy mô lực lượng gấp ba lần đối phương. Có thể hình dung rằng quân đội Pháp hoạt động như một lực lượng dự bị để giải vây cho cuộc phản công của Ukraine. Tuy nhiên, ưu tiên ở đây vẫn là triển khai lực lượng vào thời điểm quan trọng để ngăn chặn chiến thắng của người Nga.

Trường hợp cuối cùng là Pháp liên minh với các đối tác. Pháp sẽ không hành động độc lập trong chiến dịch này, các đơn vị chiến đấu được cử đi sẽ phải phối hợp với lực lượng Kiev để tối đa hóa hiệu quả tác chiến. Hơn nữa, Pháp sẽ hạn chế việc mạo hiểm quân lực quốc gia nếu không có sự hỗ trợ của NATO, đặc biệt là Anh. Xét về mặt chính trị, động thái liên minh này thậm chí có thể dẫn đến sự hồi sinh trong mối quan hệ giữa London và Paris.

Trang Defense News nhận định, nếu Pháp quyết định điều quân tới Ukraine, ít khả năng lực lượng này sẽ tham chiến trực tiếp với quân Nga. Thay vào đó, họ sẽ được cử đến để hỗ trợ binh sĩ Ukraine canh gác các khu vực trọng điểm để lính Ukraine có thể được điều động ra tiền tuyến.

Hiện tại không phải toàn bộ quân đội Ukraine đang chiến đấu ở tiền tuyến. Khá nhiều binh sĩ Ukraine đang bị mắc kẹt làm nhiệm vụ canh gác gần Kiev và dọc biên giới với Belarus để để phòng Nga mở mũi tiến công từ phía bắc.

Nếu quân đội Pháp được gửi đến Ukraine, họ sẽ đảm nhận trách nhiệm canh gác ít nhất một phần biên giới Belarus - Ukraine để quân đội hiện đảm nhiệm nhiệm vụ đó có thể được chuyển hướng ra tiền tuyến.

Bằng cách đảm nhận nhiệm vụ này, lực lượng Pháp có thể giúp tăng cường sức mạnh chiến đấu của lực lượng Ukraine, đồng thời tránh đối đầu trực tiếp với Nga.

Trong kịch bản thứ nhất và thứ ba, quyết định xuất quân của ông Macron được đánh giá mang mục đích chiến lược và biểu tượng chính trị.

Pháp có thể điều động một sư đoàn, đồng thời liên minh với các đối tác nhằm tập trung bảo vệ thủ đô Kiev và thành phố cảng Odessa. Nếu Odessa được an toàn, Ukraine  có thể tăng xuất khẩu ngũ cốc, từ đó nhận được sự hỗ trợ nhiều hơn từ các quốc gia đang phát triển và mới nổi. Điều này cực kỳ quan trọng với Ukraine trong giai đoạn tái thiết đất nước hậu xung đột.

Yếu tố quân sự được nhấn mạnh trong kịch bản thứ hai. Nếu quân đội Nga cố gắng tiến công mạnh mẽ ở phía đông nam, khu vực phía bắc Zaporizhia sẽ trở thành điểm yếu chí mạng trong hoạt động phòng thủ của Ukraine. Việc Pháp hỗ trợ Ukraine củng cố lớp phòng ngự này sẽ giúp củng cố tinh thần và sức mạnh đáng kể cho các lực lượng Kiev đang chiến đấu ở tiền tuyến.

Để thực hiện các giả định trên, Pháp cần triển khai giai đoạn sơ bộ gồm 2 nhiệm vụ chính.

Thứ nhất, tàu Charles de Gaulle sẽ được triển khai đến phía đông Địa Trung Hải. Mục đích của bước đi này là hỗ trợ các máy bay phản lực Rafale tiến gần và kiểm soát không phận khu vực tập trung của Pháp, đồng thời cung cấp thông tin về tình hình tổng quan nơi chiến trường.

Thứ hai, quốc gia láng giềng của Ukraine là Moldova cũng sẽ được hỗ trợ bởi quân đội Pháp. Tình hình đang ngày càng bất ổn tại quốc gia này khi khu vực thiểu số Gagauzia - khu vực giáp sát Ukraine - đang yêu cầu được ly khai với sự hỗ trợ của Nga.

Trước tình hình đó, vào tháng 3, Pháp cũng đã ký hiệp ước quốc phòng cam kết ủng hộ Moldova. Pháp hy vọng có thể ổn định tình hình khu vực này chỉ với lượng bộ binh nhỏ.

Cho dù là kịch bản nào, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Sébastien Lecornu khẳng định, sự hiện diện quân sự tiềm tàng của lực lượng Pháp ở Ukraine không nhằm tham chiến trực tiếp và cũng không nhằm chống lại Nga.

"Sau những đồn đoán trên mạng xã hội và trên các phương tiện truyền thông, hãy để tôi nói rõ rằng vấn đề không phải là gửi quân đến gây chiến với Nga", ông cho biết trong một cuộc điều trần trước Ủy ban Quốc phòng của quốc hội.

Ông nói, thay vì huấn luyện quân đội Ukraine ở Ba Lan, Pháp tính đến khả năng huấn luyện ngay trên lãnh thổ Ukraine, cách xa tiền tuyến. Theo ông, Ukraine sẽ có nhu cầu huấn luyện nhiều hơn cho quân nhân nhập ngũ trong tương lai gần.

Hơn 20 quốc gia NATO đã huấn luyện quân đội Ukraine ở Anh, Mỹ, Tây Ban Nha và các nơi khác. Các lực lượng vũ trang Pháp đang huấn luyện quân đội Ukraine ở Pháp và Ba Lan.

Ngoài ra, Bộ trưởng Lecornu cho biết, Paris sẽ chuyển giao hàng trăm xe bọc thép cho Ukraine vào đầu năm tới như một phần của gói viện trợ quân sự mới. Theo ông Lecornu, mục đích của lô thiết giáp này nhằm củng cố khu vực chiến tuyến rộng lớn của Ukraine. "Đây chắc chắn là chìa khóa cho khả năng tác chiến linh động của lực lượng Kiev", quan chức này cho biết.

Ông Lecornu nói thêm chi nhánh dự án quốc phòng KNDS tại Pháp đã tăng cường sản lượng đạn pháo 155mm lên 3.000 quả mỗi tháng. Ông cho biết công ty đang đầu tư vào máy móc cùng với mở lại một dây chuyền sản xuất bổ sung. Bộ trưởng Quốc phòng Pháp khẳng định "rất kỳ vọng" sản lượng của Pháp sẽ tăng lên 4.000 đến 5.000 đầu đạn mỗi tháng vào cuối năm 2024.

Sự mơ hồ chiến lược và những rủi ro tiềm tàng

Những kịch bản có thể xảy ra nếu Pháp điều quân đến Ukraine - 3

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova (Ảnh: AFP).

Quốc hội Liên bang Đức (Bundestag) kết luận sự hiện diện quân sự trực tiếp của Paris tại chiến sự Nga - Ukraine là hành động đơn phương, không phải quyết định chung của NATO. Theo đó, Điều 5 về phòng thủ tập thể trong Hiến chương NATO sẽ không được áp dụng.

Theo điều khoản này, cuộc tấn công vào một quốc gia thành viên NATO sẽ được xem là tấn công vào khối liên minh. Về mặt pháp lý, tất cả các quốc gia thành viên bắt buộc phải nhanh chóng hỗ trợ quân sự cho nước bị tấn công.

Tuy vậy, theo giới quan sát chính sách đối ngoại, tuyên bố của ông Macron được đưa ra nhằm mục đích chính trị, trên thực tế, nhà lãnh đạo Pháp không có ý định triển khai quân sự. Trước những bước tiến mà quân đội Moscow liên tục đạt được, cộng với chiến dịch phản công mùa hè 2023 không thành công như mong đợi của Kiev, nhiều ý kiến cho rằng đường lối cứng rắn của ông Macron chỉ nhằm nâng cao vị thế của Paris trước các đồng minh phương Tây.

Theo Zeit Online, các cơ quan nghiên cứu của Đức cho biết việc một quốc gia NATO đơn phương triển khai quân sự, tức không nằm trong khuôn khổ hoạt động và cơ cấu chỉ huy quân sự của khối, tại Ukraine sẽ không biến đây thành một cuộc xung đột chung của toàn liên minh.

Một quan chức giấu tên cho biết trong trường hợp này, sẽ chỉ có quốc gia đơn phương hành động trở thành chủ thể tham gia xung đột.

Truyền thông Đức nhấn mạnh các tuyên bố của ông Macron "đặc biệt khó chịu, nhất là với đảng Dân chủ Xã hội (SPD) của Thủ tướng Đức Olaf Scholz", vốn đưa ra lập trường hoàn toàn ngược lại với Tổng thống Pháp.

Các thành viên Quốc hội Liên bang Đức viết: "Trong tình huống quân đội từ một quốc gia thành viên NATO chiến đấu trên danh nghĩa Ukraine trong cuộc xung đột hiện tại chống lại Nga, nếu quốc gia này bị tấn công trong thời gian chiến đấu tại khu vực xảy ra xung đột, Điều 5 Hiệp ước NATO sẽ không được kích hoạt".

Liên minh lo ngại về việc "các quốc gia và quân đội NATO bị tấn công trên lãnh thổ của chính họ". Nói cách khác, Pháp tự đưa mình vào cuộc chiến với tư cách chủ thể độc lập chứ không đại diện cho quyết định tập thể của NATO. Liên minh quân sự gồm hơn 30 thành viên do Mỹ dẫn dắt đến nay vẫn khẳng định sẽ không tham gia trực tiếp vào xung đột Ukraine.

Tổng thống Macron chắc chắn hiểu rõ rủi ro xung đột leo thang nếu ông thực sự công khai sử dụng các biện pháp can thiệp quân sự. Pháp có thể sẽ phải đối mặt với việc bị đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân, các cuộc tấn công thử nghiệm bằng máy bay chiến đấu hoặc vũ khí tầm xa từ phía Nga.

Tuy nhiên, các biện pháp răn đe cũng có thể phần nào gây áp lực khiến Điện Kremlin phải thỏa hiệp. Ông Macron gọi đó là "sự mơ hồ chiến lược" cần thiết để khiến Nga phải đoán xem liệu phương Tây có thực sự triển khai quân tới Ukraine hay không.

Sự mơ hồ chiến lược đó có thực sự hiệu quả hay không vẫn là câu hỏi để ngỏ. Trong khi đó, một số quan chức phương Tây cảnh báo nó chỉ khiến tình hình leo thang nguy hiểm hơn.

Trong khi đề xuất của Tổng thống Macron về việc gửi lực lượng quân sự phương Tây đến Ukraine bị hầu hết các đồng minh NATO bác bỏ, các quốc gia vùng Baltic như Estonia, Latvia và Litva cũng như một số quốc gia gần Nga hơn về mặt địa lý lại hoan nghênh quan điểm này.

Nhà quan sát Mathieu Droin, học giả tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, cho rằng: "Cho dù Tổng thống Macron có hiện thực hóa tuyên bố hay không thì chắc chắn ông ấy đã giành được sự ủng hộ ở Đông Âu và điều này có thể sẽ hữu ích trong các kế hoạch chiến lược tương lai của Pháp".

Ông Droin cho biết ngoại trừ các trường hợp ngoại lệ như Hungary và Slovakia, các quốc gia ở Đông và Trung Âu là những quốc gia ủng hộ Ukraine mạnh mẽ nhất và hoan nghênh sự thay đổi của ông Macron.

Về phía Nga, giới chức nước này tuyên bố, ngay cả khi quân đội Pháp ở Ukraine không được triển khai dọc tiền tuyến Ukraine thì họ vẫn sẽ là mục tiêu ưu tiên của lực lượng Nga. 

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova hôm 8/5 cảnh báo, nếu Pháp điều quân tới Ukraine thì lực lượng này sẽ bị quân đội Nga coi là mục tiêu hợp pháp.

"Ông Macron giải thích luận điệu này với mong muốn tạo ra sự mơ hồ chiến lược nào đó cho Nga. Rất tiếc, chúng tôi phải làm ông ấy thất vọng. Đối với chúng tôi, tình hình rất rõ ràng. Nếu người Pháp xuất hiện trong khu vực xung đột, họ chắc chắn sẽ trở thành mục tiêu của lực lượng vũ trang Nga", bà Zakharova nói.

Theo NZZ, Reuters, Al Jazeera

Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine