1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Tuần đầu tiên của Putin tại điện Kremlin: Lắm cam go, nhiều thách thức

(Dân trí) – Tuần đầu tiên trở lại cương vị Tổng thống Nga của ông Valdimir Putin được đánh dấu bởi một loạt sự kiện cam go thu hút sự chú ý rộng rãi của dư luận thế giới. Điều này báo hiệu chặng đường trước mắt của ông Putin sẽ gặp phải không ít khó khăn, thách thức.

Tuần đầu tiên của Putin tại điện Kremlin: Lắm cam go, nhiều thách thức
Tân Tổng thống Nga Vladimir Putin với bộn bề âu lo trước mắt.

 Kể từ hôm nhậm chức ngày 7/5, ông Vladimir Putin đã phải đương đầu với 3 sự kiện không may. Đó là các cuộc biểu tình chống đối gan lì của phe đối lập, vụ rơi máy bay Sukhoi SuperJet-100 ở vùng núi Salak, tỉnh Tây Java của Indonesia hôm 9/5, làm toàn bộ 45 người trên máy bay thiệt mạng và âm mưu khủng bố Thế vận hội mùa Đông 2014 tại Sochi.

Suốt từ ngày 9/5, những người biểu tình đã tìm cách án ngữ tại một quảng trường ở trung tâm thủ đô Mátxcơva để bày tỏ sự giận dữ trước việc ông Putin trở lại điện Kremlin sau khi tái đắc cử trong cuộc bỏ phiếu hôm 4/3 mà họ cho là có gian lận.

Tuy số lượng người tham gia không nhiều so với các cuộc biểu tình tiền bầu cử, nhưng các cuộc biểu tình này lại diễn ra hầu như hàng ngày, bất chấp lệnh cấm của chính phủ cũng như việc cảnh sát Nga đã áp dụng một số biện pháp mạnh tay như bắt bớ và cưỡng chế di dời. Thậm chí, một số người biểu tình còn tuyên bố sẽ “dựng trại ăn nghỉ tại chỗ” theo kiểu cách mạng Cam ở Kiev năm 2004 để thách thức chính quyền.

Tất nhiên, với bản tính cứng rắn, quyết đoán và dám nghĩ dám làm, ông Putin sẽ không ngại ngần tiến hành các biện pháp cần thiết nhằm thiết lập lại trật tự như ông đã từng làm trong hai nhiệm kỳ tổng thống trước từ năm 2000 – 2008.

Nhưng rắc rối không chỉ dừng lại ở đó.

Cũng trong ngày 9/5, ông Putin đón nhận thêm một thông tin không lấy gì làm dễ chịu. Chiếc máy bay Sukhoi SuperJet-100 được coi là niềm tự hào của nước Nga đã bị rơi một cách khó hiểu ở vùng núi hẻo lánh của Indonesia trong khi thực hiện chuyến bay trình diễn.

Đây là loại máy bay có chỗ đứng rất quan trọng trong chiến dịch giành lại thị phần của Nga trên thị trường hàng không dân dụng thế giới. Vì vậy, việc máy bay rơi không chỉ gây bất ngờ cho giới chức lãnh đạo Nga, mà còn là đòn giáng mạnh vào ngành hàng không dân dụng của nước này.

Theo kế hoạch, để thực hiện chiến lược chuyển dịch nền kinh tế từ chỗ chủ yếu phụ thuộc vào việc khai thác tài nguyên thiên nhiên thành một nền kinh tế mạnh về chế tạo, Nga đã đặt trọng tâm vào việc phát triển loại máy bay dân dụng Superjet-100.

Vì vậy, trong thời gian qua, Mátxcơva đã rất tích cực chào hàng loại máy bay này đến các nước trên thế giới, đặc biệt là khu vực thị trường tiềm năng ở châu Á. Đáng tiếc là chiếc máy bay trình làng lại bị rơi đúng vào ngày thực hiện chuyến bay công diễn ở một nước bạn hàng ở châu Á.

Cho đến nay, mặc dù nguyên nhân tai nạn chưa được xác định, song dù là do lỗi kỹ thuật hay con người thì cũng đều là "đòn đau" đối với nước Nga.

Nếu do lỗi kỹ thuật, gần như chắc chắn Nga sẽ bị mất khá nhiều đơn đặt hàng. Còn nếu do lỗi của con người, thì đây cũng bị coi là thảm họa vì viên phi công lái chiếc máy bay này được quảng cáo là một trong những tay lái giàu kinh nghiệm nhất của Nga.

Chưa hết. Một ngày sau vụ tai nạn máy bay, nước Nga lại bị “bồi” thêm một cú đánh nữa khi giới chức nước này phát giác một âm mưu tấn công khủng bố Thế vận hội mùa Đông 2014 tại Sochi, một sự kiện mà ông Putin đã phải rất vất vả mới giành được. Điện Kremlin trù tính sẽ lấy sự kiện thể thao này là một trong những điểm nhấn nhằm phô trương hơn nữa sức mạnh Nga với thế giới, chứng tỏ Nga là một quốc gia hiện đại, thân thiện và an toàn.

Trong khi đó, trên lĩnh vực quan hệ đối ngoại, ông Putin đột ngột tuyên bố sẽ không tham dự Hội nghị Thượng đỉnh các nước phát triển (G-8) diễn ra tại Trại David vào tuần tới. Ông Putin cho biết ông phải ở nhà để lo thành lập bộ máy mới và cử người tiền nhiệm, hiện là Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev tới dự.

Tuyên bố vắng mặt của ông Putin đã thực sự gây sốc và đặt ra không ít nghi vấn cho chính giới thế giới, đặc biệt là lãnh đạo nước chủ nhà Mỹ. Theo lẽ thường, đáng lẽ ông Putin sẽ phải tận dụng cơ hội này để củng cố hình ảnh mới của mình với thế giới.

Lý giải về quyết định “tẩy chay” G-8 lần này của ông Putin, một số nhà phân tích cho rằng rất có thể đây là “đòn thử lửa” của ông chủ điện Kremlin với ông chủ Nhà Trắng Barack Obama. Ông Putin muốn thông qua sự kiện này để bắn đi tín hiệu ngầm đối với kế hoạch triển khai lá chắn tên lửa của Mỹ tại châu Âu.

Lo ngại này càng có cơ sở khi đích thân Tham mưu trưởng quân đội Nga đe dọa sẽ tấn công phủ đầu nếu như Washington vẫn xúc tiến chương trình có thể làm suy yếu hệ thống răn đe hạt nhân của nước Nga.

Trong khi đó, một số nhà quan sát khác cho rằng ông Putin đang kiếm cớ để tránh tham dự một diễn đàn quốc tế lớn mà tại đó, quan điểm cứng rắn của ông đối với những người bất đồng chính kiến có thể sẽ bị chỉ trích.

Dù với bất kỳ lý do gì, thì tất cả những gì diễn ra trong tuần qua cho thấy ông Putin đã trải qua tuần đầu tiên tại điện Kremlin với không ít thách thức đầy cam go cả trên lĩnh vực đối nội và đối ngoại. Điều này dường như báo hiệu một thời kỳ mới đầy thách thức và sóng gió đang chờ đợi ông, ít nhất là trong giai đoạn đầu của chặng đường lãnh đạo 6 năm tới.

 
Vũ Anh