1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Putin trở lại Kremlin trong một nước Nga nhiều thay đổi

(Dân trí) – Ông Vladimir Putin hôm nay sẽ làm lễ nhậm chức Tổng thống Nga sau 4 năm đảm nhận cương vị người đứng đầu chính phủ nước này. Đây là lần thứ 3 ông trở lại điện Kremlin trong bối cảnh tình hình xứ sở Bạch Dương đã có nhiều đổi thay so với trước.

Putin trở lại Kremlin trong một nước Nga nhiều thay đổi
Ông Putin cười rạng rỡ trước ngày trở lại điện Kremli, nơi ông từng làm việc 2 nhiệm kỳ liên tiếp cho tới khi được bầu làm Thủ tướng cách đây 4 năm.

Ông Putin nhậm chức trong bối cảnh nước Nga vừa trải qua hai kỳ bầu cử quan trọng và tình hình xã hội đang có nhiều biến động to lớn.

Đó là cuộc bầu cử Đuma Quốc gia (Hạ viện) Nga ngày 4/12/2011 với kết quả đảng cầm quyền Nước Nga Thống nhất (UR) mất đa số lập hiến trong Quốc hội khóa mới (giảm từ 315 ghế xuống còn 238 ghế trên tổng số 450 ghế tại Hạ viện) và tiếp đó là cuộc bầu cử Tổng thống diễn hôm 4/3 vừa qua với chiến thắng thuộc về ông Putin (được 63,60% số phiếu ủng hộ).

Đáng lưu ý, trước và sau cả hai cuộc bầu cử này, nước Nga đều trải qua những cuộc biểu tình quy mô lớn với các mục đích khác nhau khiến ông Putin và chính quyền của ông đang phải đối mặt với những thách thức không nhỏ.

Thậm chí, ngay trước thời điểm ông nhậm chức, tại thủ đô Mátxcơva cũng đã diễn ra các cuộc mít-tinh và biểu tình của cả hai nhóm ủng hộ và phản đối, buộc cảnh sát phải huy động hơn 14.000 nhân viên để duy trì trật tự, bắt giữ ba thủ lĩnh phe đối lập và trên 250 người vì đã hành động bất hợp pháp.

Putin trở lại Kremlin trong một nước Nga nhiều thay đổi
Phe đối lập tuần hành tại trung tâm thủ đô Mátxcơva ngày 6/5/2012.

Theo giới phân tích, sau khi nhậm chức, ông Putin sẽ bắt tay ngay vào việc triển khai các chương trình hành động cụ thể, vốn được phác họa rất rõ nét trong cương lĩnh tranh cử, cũng như trong 7 bài báo đã được ông đưa ra trong thời gian vận động tranh cử về các chủ đề dân tộc, phát triển kinh tế - xã hội, phát huy dân chủ và nhà nước pháp quyền, chính sách xã hội, cải cách – hiện đại hóa quân đội và chiến lược quốc tế.

Trước khi nhậm chức Tổng thống, con người quyền lực nhất nước Nga từng tuyên bố sẽ thực thi đầy đủ các cam kết đưa ra trước đó.

“Việc giành được thắng lợi trong cuộc bầu cử chỉ là bước khởi đầu cho quá trình lâu dài tiếp theo nhằm thực hiện các mục tiêu được nêu trong cương lĩnh tranh cử”, ông khẳng định.

Lộ trình thực hiện cương lĩnh tranh cử

Ngay sau khi đắc cử, ông Putin trên cương vị là Thủ tướng Nga đã chỉ thị ngay cho các thành viên chính phủ vạch lộ trình thực hiện nội dung đề ra trong cương lĩnh.

Theo đó, trước mắt ông sẽ tiến hành cải cách quy định về hoạt động của các chính đảng theo hướng cho phép đại diện các chính đảng đối lập tham gia chính quyền hành pháp các cấp, áp dụng bầu trực tiếp lãnh đạo các tỉnh thành với nhiệm kỳ không quá 5 năm và mỗi người không được lãnh đạo quá 2 nhiệm kỳ liên tiếp.

Ngoài cải cách chính trị, ông Putin cũng sẽ đẩy mạnh phát triển kinh tế theo hướng giảm bớt sự lệ thuộc vào xuất khẩu nguyên – nhiên liệu, ưu tiên phát minh sáng chế, tạo 25 triệu việc làm mới, nâng thu nhập bình quân đầu người lên 70%, thúc đẩy không gian liên kết Á – Âu và phấn đấu đến năm 2020, nước Nga có thể lọt vào top 5 cường quốc kinh tế thế giới.

Một hướng ưu tiên khác của chính quyền Putin là củng cố và hiện đại hóa quân đội. nhằm đảm bảo an ninh quốc gia và sự ổn định chiến lược trên thế giới.

“Trong thập kỷ tới, nước Nga sẽ chi 772 tỷ USD để chế tạo 400 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới, sản xuất 2.300 xe tăng thế hệ mới nhất, 600 máy bay chiến đấu hiện đại, 100 vệ tinh phục vụ mục đích quân sự, 8 tàu ngầm trang bị tên lửa đạn đạo hạt nhân, 50 tàu chiến, 17.000 xe thiết giáp mới và củng cố hệ thống phòng không”, Thủ tướng sắp mãn nhiệm của Nga khẳng định.

Ông Putin cũng cảnh báo Mátxcơva sẽ quyết tâm bảo vệ khả năng răn đe hạt nhân chiến lược quốc gia trước tham vọng xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu của Mỹ và phương Tây.

“Nước Nga buộc phải áp dụng các biện pháp tăng cường hệ thống phòng thủ không gian vũ trụ quốc gia để chống lại các nỗ lực triển khai lá chắn phòng thủ tên lửa của Mỹ và NATO”.

Những khó khăn và thuận lợi

Tất nhiên, để hiện thực hóa tất cả các mục tiêu trên, ông Putin phải là người hiểu rõ hơn ai hết những thuận lợi cũng như khó khăn của đất nước.

Về mặt thuận lợi, dưới sự chèo lái của ông trong 4 năm qua, nước Nga đã vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu với thiệt hại nhỏ nhất. Tốc độ tăng trưởng GDP năm 2011 và đầu năm 2012 đã vượt mức trước khủng hoảng. Nông nghiệp bội thu với 94 triệu tấn ngũ cốc thu hoạch trong năm 2011, tăng gần 40% so với năm 2010. Thu nhập bình quân đầu người trong giai đoạn 2008 – 2011 tăng 18%.

Về khó khăn, nước Nga đang đứng trước nguy cơ giãn nở khoảng cách giàu nghèo với tỷ lệ chênh lệch đã lên tới 16 lần. Trong khi đó, bộ máy quản lý nhà nước cồng kềnh, kém hiệu quả, đấu tranh chống tham nhũng chưa đạt kết quả như mong muốn, công nghệ sản xuất lạc hậu và đời sống dân chúng chưa phồn vinh…

Đó là chưa kể tới những diễn biến tâm lý căng thẳng trong dân chúng hiện nay (thể hiện qua làn sóng biểu tình lớn nhất trong hàng chục năm qua) và sự bất đồng ngày càng lộ rõ trong chính giới.

Tuy nhiên, với sự ủng hộ của đảng UR chiếm đa số trong Quốc hội, của chính phủ mới do “chiến hữu thân cận” Dmitry Medvedev đứng đầu và đại đa số dân chúng vẫn đang gửi gắm niềm tin vào ông, giới phân tích tin tưởng con người quyền lực nhất nước Nga sẽ tiếp tục chèo lái thành công đất nước như ông đã từng làm trong suốt 12 năm qua.

Vũ Anh