1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Trung Quốc có thể “ngư ông đắc lợi” trong cuộc khủng hoảng Mỹ - Iran

(Dân trí) - Căng thẳng giữa Mỹ và Iran được cho là mối lo ngại với các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương vì ảnh hưởng tới nguồn cung dầu mỏ, nhưng mở ra cho Trung Quốc những cơ hội ngoại giao và lợi ích chiến lược.

Trung Quốc có thể “ngư ông đắc lợi” trong cuộc khủng hoảng Mỹ - Iran - 1

Tổng thống Iran Hassan Rouhani và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp nhau tại Thượng Hải năm 2014. (Ảnh: AP)

Sau khi thi thể của Tướng Qassem Soleimani, Tư lệnh Lực lượng Quds thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran, yên nghỉ tại quê nhà, Iran đã gia tăng cuộc đối đầu căng thẳng với Mỹ bằng việc phóng 22 tên lửa đạn đạo vào 2 căn cứ quân sự, nơi có lính Mỹ đồn trú, tại Iraq rạng sáng 8/1.

Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phát lệnh không kích bằng máy bay không người lái nhằm vào khu vực gần sân bay Baghdad, Iraq khiến Tướng Soleimai thiệt mạng. Động thái này của Washington nhằm đáp trả vụ tấn công của dân quân Iraq do Iran hậu thuẫn nhằm vào căn cứ quân sự gần Kirkuk khiến một nhà thầu của Mỹ thiệt mạng hôm 27/12.

Các vụ tấn công liên tiếp nhằm trả đũa lẫn nhau giữa Mỹ và Iran đã thổi bùng căng thẳng ở Trung Đông, đặt ra nhiều nghi vấn về khả năng xảy ra xung đột quân sự trong khu vực.

Khủng hoảng dầu mỏ

Đối với Trung Quốc và các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương lớn khác, tác động của căng thẳng Mỹ - Iran là điều đáng lo ngại. Các nước này đều phụ thuộc vào vùng Vịnh vì đây là khu vực cung cấp hơn một nửa nguồn cung dầu mỏ và hơn 1/4 nguồn cung khí tự nhiên hóa lỏng cho họ.

Sau khi Mỹ đơn phương áp lệnh trừng phạt đối với xuất khẩu dầu mỏ của Iran vào năm ngoái, Trung Quốc đã chuyển hướng sang Iraq để lấp khoảng trống năng lượng do Iran để lại. Tuy nhiên, trong bối cảnh Iraq đang bị cuốn vào cuộc chiến tranh ủy nhiệm giữa Mỹ và Iran, bất kỳ sự leo thang căng thẳng nào cũng có thể khiến nguồn cung dầu mỏ qua Shatt al-Arab, vùng nước hẹp nằm giữa biên giới Iran và Kuwait, bị cắt đứt.

Các vụ việc liên quan tới dầu mỏ tại vùng Vịnh đều khiến thị trường dầu mỏ thế giới chao đảo. Iran từng bị nghi tấn công các nhà máy dầu tại Ả rập Xê út, khiến sản lượng xuất khẩu dầu mỏ của nước này giảm một nửa trong nhiều tuần. Ngoài ra, các vụ tấn công và bắt giữ tàu chở dầu tại vùng Vịnh hồi năm 2019 cũng tác động tới giá dầu thế giới.

Lợi ích kinh tế

Tuy nhiên, các lợi ích kinh tế của Trung Quốc tại vùng Vịnh vượt xa so với sự phụ thuộc của Bắc Kinh vào hoạt động nhập khẩu dầu mỏ từ khu vực này. Từ năm 2000 đến năm 2017, kim ngạch thương mại của Trung Quốc với 6 nước thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) đã tăng trưởng bùng nổ, từ 10 tỷ USD/năm lên 150 tỷ USD.

Theo Jonathan Fulton, phó giáo sư về khoa học chính trị tại Đại học Zayed ở Abu Dhabi đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc tại GCC, gồm Bahrain, Kuwait, Oman, Qatar, Ả rập Xê út và Các Tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất (UAE), đạt gần 90 tỷ USD trong giai đoạn từ năm 2005 đến năm 2017.

Thương mại song phương của Trung Quốc với Iran tăng từ khoảng 2 tỷ USD vào năm 2000 lên khoảng 27 tỷ USD vào năm 2017, trong khi đầu tư của Trung Quốc vào Iran cũng vượt qua con số 27 tỷ USD trong giai đoạn từ năm 2005 đến năm 2018.

Theo Afshin Molavi, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện nghiên cứu Chính sách Đối ngoại SAIS Johns Hopkins, Dubai, “thủ đô” thương mại của vùng Vịnh, đã trở thành phiên bản Hong Kong ở khu vực này khi có tới hơn 3.000 doanh nghiệp Trung Quốc đặt trụ sở tại đây, so với con số 18 doanh nghiệp hồi năm 2005, và cũng là nơi sinh sống của 300.000 người Trung Quốc. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng có thặng dư thương mại với UAE.

Các doanh nghiệp Trung Quốc đã khai thác lợi thế của Dubai như một trung tâm hàng không và thương mại của khu vực. Người Trung Quốc tại Dubai chiếm khoảng 30% số hành khách đi các chuyến bay tới châu Phi do các hãng hàng không trong khu vực vận hành. Dubai cũng được xem là đại bản doanh cho các doanh nghiệp Trung Quốc theo đuổi các lợi ích kinh tế tại châu Phi.

Vai trò trung lập

Trung Quốc có thể “ngư ông đắc lợi” trong cuộc khủng hoảng Mỹ - Iran - 2

Chủ tịch Tập Cận Bình bắt tay Quốc vương Ả rập Xê út Salman trong lễ ký kết thỏa thuận ở Bắc Kinh năm 2017. (Ảnh: Reuters)

Mối quan tâm của Trung Quốc đối với các trung tâm vận tải thương mại nằm trong kế hoạch của nước này liên quan tới Sáng kiến Vành đai và Con đường. Theo đó, các tập đoàn Trung Quốc sẽ phát triển các dự án công nghiệp dọc các cảng ở UAE, Oman, Ả rập Xê út và Ai Cập, mở ra cho Bắc Kinh một chuỗi các trung tâm nằm ở vị trí chiến lược xung quanh vùng Vịnh, biển Ả rập, biển Đỏ, và ngay ở cửa ngõ của kênh đào Suez.

Từ đây, con đường tơ lụa trên biển của Trung Quốc sẽ được kết nối với trung tâm cảng Piraeus (Hy Lạp), một khu vực do Trung Quốc vận hành. Tập đoàn Cảng Quốc tế Thượng Hải cũng giành được hợp đồng nằm quyền quản lý cảng Haifa của Israel từ năm tới.

Việc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran cảnh báo Dubai và Haifa có thể trở thành các mục tiêu tấn công của Tehran càng cho thấy vai trò của Trung Quốc trong các cuộc xung đột tại Trung Đông. Giới phân tích nhận định tình hình căng thẳng leo thang ở vùng Vịnh, cùng với quyết tâm của Tổng thống Donald Trump trong việc rút quân đội Mỹ khỏi khu vực, sẽ càng cho phép Trung Quốc nắm vai trò quan trọng hơn.

“Tôi nghĩ cuộc chiến thương mại kết hợp với sự thiếu chắc chắn về vai trò của Mỹ trong khu vực dẫn đến khả năng Trung Quốc sẽ bắt đầu có trách nhiệm hơn trong việc bảo vệ các lợi ích của nước này ở Trung Đông”, phó giáo sư Jonathan Fulton nhận định.

Cho đến nay, các hoạt động thương mại và đầu tư của Trung Quốc ở vùng Vịnh vẫn được bảo đảm nhờ ô an ninh của Mỹ khi Washington đặt các căn cứ quân sự ở các nước Ả rập đối đầu với Iran.

Điều này sẽ cho phép Trung Quốc thiết lập quan hệ chặt chẽ với cả hai phe ở vùng Vịnh, mà không cần phải nghiêng về bên nào trong cuộc đối đầu mang tính địa chính trị. Chính sách trung lập của Trung Quốc được thể hiện trong chuyến thăm đầu tiên của Chủ tịch Tập Cận Bình tới khu vực vào tháng 1/2016. Khi đó, ông Tập đã có chuyến bay đầu tiên tới thủ đô Riyadh của Ả rập Xê út và sau đó là thủ đô Tehran của Iran để ký các thỏa thuận đối tác chiến lược với cả hai nước.

Cánh cửa ngoại giao

Vai trò của Trung Quốc trong khu vực được chú ý khi nước này thuyết phục Iran ký thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Tổng thống Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận này hồi năm 2018 và áp lệnh trừng phạt với Iran nhằm buộc Tehran phải đồng ý với các điều khoản cứng rắn hơn.

Sau vụ tướng Iran bị ám sát và Iran tuyên bố không tuân thủ mức giới hạn làm giàu uranium, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã chỉ trích Mỹ “ép buộc” Iran phải chấm dứt các cam kết của nước này trong thỏa thuận hạt nhân, đồng thời cho biết Bắc Kinh sẽ nỗ lực để cứu vãn thỏa thuận này và tránh xung đột nổ ra ở vùng Vịnh.

Sau khi Mỹ và Iran tung các đòn tấn công trả đũa lẫn nhau, cánh cửa cơ hội ngoại giao đang mở ra cho Trung Quốc, đặc biệt sau khi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hủy chuyến đi được lên kế hoạch từ trước tới Iran sau khi nước này tấn công bằng tên lửa nhằm vào các căn cứ của Mỹ ở Iraq.

“Bây giờ tất cả mọi thứ đều “qua tay” Washington, nhưng cuối cùng chúng ta sẽ chứng kiến vai trò lớn hơn của nhiều nước, trong đó chắc chắn có Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, và Trung Quốc sẽ cẩn trọng khai thác mối quan hệ với tất cả các bên trong cuộc đối đầu ở vùng Vịnh. Việc Trung Quốc không có quan điểm lịch sử tương tự (các bên) đã mở ra cơ hội cho nước này như một bên bảo trợ trung thực theo cách mà một số nước phương Tây không làm được”, chuyên gia Fulton nhận định.

Phương án quân sự

Nếu con đường ngoại giao thất bại, Trung Quốc cũng không còn nhiều lựa chọn, ngoài việc triển khai thêm các khí tài hải quân tới khu vực phía tây Ấn Độ Dương, nơi quân đội Trung Quốc tham gia các cuộc diễn tập chống hải tặc đa phương từ năm 2016. Quân đội Trung Quốc lần đầu tham gia tập trận hải quân chung với các tàu của Nga và Iran ở vịnh Oman hồi cuối tháng trước.

Các tàu Trung Quốc sẽ sử dụng căn cứ quân sự của nước này tại Djibouti ở Biển Đỏ, cũng là nơi đồn trú của hải quân Mỹ, Pháp, Italy và Nhật Bản. Từ đây, Hải quân Trung Quốc có thể hộ tống các tàu chở dầu và tàu chở hàng của nước này đi qua hai “nút cổ chai” chiến lược trong khu vực: eo biển Hormuz ở cửa ngõ vịnh Persian, và Bab el-Mandeb, cửa ngõ vào Biển Đỏ, vốn là những nơi dễ bị các phiến quân Houthi được Iran hậu thuẫn tấn công.

Giới phân tích chính trị tin rằng Trung Quốc sẽ giành được lợi thế về chiến lược nếu tiếp tục chơi chiến thuật “hoãn binh” ở Trung Đông, đặc biệt nếu các hành động cứng rắn của chính quyền Trump hiện nay khiến căng thẳng leo thang, trong khi Mỹ đang giảm dần hiện diện quân sự trong khu vực.

“Trung Quốc sẽ tiếp tục chơi với cả hai phía tại vùng Vịnh chia rẽ, giành được các lợi ích lâu dài và chiến lược từ những sai lầm của Mỹ ở Trung Đông”, Arif Rafiq, chủ tịch hãng tư vấn rủi ro Vizier Consulting ở Mỹ, nhận định.

Thành Đạt

Theo SCMP

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm