1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Thổ Nhĩ Kỳ đặt điều kiện trợ giúp phương Tây tại điểm nóng Kobane

(Dân trí) - Thổ Nhĩ Kỳ đã nêu điều kiện trợ giúp phương Tây nhằm chấm dứt thế phong tỏa của nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tại thị trấn Kobane ở Syria, nói rằng cuộc chiến phải do lực lượng nổi dậy Quân đội Giải phóng Syria đứng đầu, chứ không phải “các phần tử khủng bố người Kurd”.

 
Một mục tiêu bị máy bay chiến đấu oanh kích tại Kobane.
Một mục tiêu bị máy bay chiến đấu oanh kích tại Kobane.

Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu cho hay bất kỳ một chiến dịch quân sự nào nhằm giải phóng Kobane phải liên quan tới việc vũ trang cho các nhóm nổi dậy thông thường, chứ không phải lực lượng người Kurd hiện đang bảo vệ thị trấn.
 
Ankara cho tới nay vẫn từ chối trợ giúp các tay súng người Kurd, khẳng định rằng nhiều trong số họ thuộc đảng PKK, vốn phát động một cuộc nổi dậy ly khai chống lại nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ.

"Hãy trang bị và huấn luyện cho Quân đội Syria Giải phóng để nếu IS biến mất thì các phần tử khủng bố PKK cũng không tới", Thủ tướng Davutoglu nói trong các bình luận nhắm tới Mỹ.

Những bình luận của ông Davutoglu, được đưa ra trong cuộc phỏng vấn với hãng tin BBC, diễn ra sau những chỉ trích ngày càng gia tăng của quốc tế đối với Thổ Nhĩ Kỳ vì từ chối can thiệp vào cuộc khủng hoảng tại Kobane. Một lực lượng nhỏ của các tay súng người Kurd được trang bị vũ khí hạng nhẹ đã nỗ lực trong suốt tháng qua để chống lại các phiến quân IS được trang bị vũ khí hạng nặng tại Kobane.

Các cuộc không kích của Mỹ đã làm chậm đà tiến của IS nhưng không thu hẹp đáng kể sự kiểm soát của chúng, làm gia tăng các kêu gọi rằng Thổ Nhĩ Kỳ nên tham gia cuộc chiến.

Nhưng cho tới nay, các lực lượng từ quân đội Thổ Nhĩ Kỳ - lớn thứ 2 trong khối NATO - chỉ đơn thuần quan sát cuộc bao vây Kobane từ bên kia biên giới.

Hôm 27/10, Thủ tướng Davutoglu cho biết các tay súng Thổ Nhĩ Kỳ chỉ có thể được sử tham gia chiến sự nếu phương Tây cũng đưa các lực lượng trên bộ vào Syria, một viễn cảnh mà Anh và Mỹ đã loại trừ.

Mặc dù vậy, ông Davutoglu cũng gợi ý rằng các căn cứ không quân của Thổ Nhĩ Kỳ có thể được sử dụng cho các cuộc không kích do Mỹ dẫn đầu nếu các máy bay Mỹ tấn công các lực lượng của chính phủ Syria cũng như các tay súng IS.

Mỹ đã đề nghị được sử dụng căn cứ không quân của Thổ Nhĩ Kỳ tại Incirlik để phục vụ các cuộc không kích, điều có thể diễn ra dễ dàng hơn so với việc thực hiện từ các tàu sân bay tại Vịnh Péc-xích, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ từ chối.

Ông Davutoglu, một người phản đối mạnh mẽ Tổng thống Syria Assad, cho hay: "Chúng tôi sẽ trợ giúp bất kỳ lực lượng nào, bất kỳ liên quân nào, thông qua các căn cứ bên trong Syria hoặc các cách thức khác nếu chúng ta cùng có chung quan điểm để có một đất nước Syria dân chủ".

An Bình
Theo BBC, Telegraph

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm