1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Thêm một vùng của Moldova đề nghị Nga bảo vệ

Đức Hoàng

(Dân trí) - Sau vùng Transnistria, thêm một vùng của quốc gia châu Âu Moldova đề nghị Nga bảo vệ.

Thêm một vùng của Moldova đề nghị Nga bảo vệ - 1

Một thành phố tại vùng Gagauzia (Ảnh: Wikipedia).

Thống đốc vùng Gagauzia của Moldova đã trở thành lãnh đạo khu vực thứ 2 của quốc gia Đông Âu này đề nghị được Nga bảo vệ.

Thống đốc Gagauzia Eugenia Gutul cáo buộc Tổng thống thân Liên minh châu Âu (EU) của Moldova Maia Sandu "đàn áp" những cư dân ủng hộ Điện Kremlin trong cuộc gặp với chủ tịch Thượng viện Nga Valentina Matvienko tại Moscow hôm 1/3, theo Reuters.

"Chúng tôi muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ Liên bang Nga", bà Gutul nói với bà Matviyenko trong cuộc họp hôm qua, trước khi đề nghị thiết lập các chuyến bay thẳng giữa Gagauzia và Nga.

Bà Matviyenko đánh giá cao nỗ lực của bà Gutul vì đã quan tâm đến "sự phát triển của nền kinh tế", đồng thời kêu gọi "sự mở rộng mối quan hệ giữa các khu vực của chúng tôi và Gagauzia" và chỉ ra rằng "10 khu vực của Nga đã ký thỏa thuận với Gagauzia".

Bà Matviyenko cho biết: "Có một đơn vị lãnh thổ tự trị, Gagauzia, quan tâm đến công dân của mình, muốn phát triển và muốn cải thiện phúc lợi cho công dân của mình".

 "Và nếu các nhà lãnh đạo của Gagauzia sẵn sàng hợp tác theo cách này, chúng tôi sẽ cung cấp mọi hỗ trợ có thể để củng cố và mở rộng mối quan hệ của chúng ta. Và không ai có thể cấm chúng ta làm như vậy", bà nhấn mạnh.

Bà Gutul đã được bầu làm lãnh đạo Gagauzia trong một cuộc bầu cử hồi năm ngoái. Bà có chương trình nghị sự thân Nga.

Thêm một vùng của Moldova đề nghị Nga bảo vệ - 2

Bản đồ vùng Gagauzia (Ảnh: Wikipedia).

Chính quyền Nga và Moldova chưa đưa ra bình luận về thông tin trên.

Diễn biến này xảy ra sau khi các nhà lập pháp tại vùng ly khai của Moldova, Transnistria, hôm 28/2 ra nghị quyết đề nghị Nga hỗ trợ trước sức ép kinh tế của chính phủ thân phương Tây.

Nghị quyết cáo buộc, Moldova đã phát động "cuộc chiến kinh tế" chống lại Transnistria và cố tình ngăn chặn các cuộc thương lượng với chính quyền ly khai thân Nga, theo Odessa Journal.

Các nhà lập pháp vùng ly khai cũng kêu gọi các bên khác như Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), Cộng đồng các Quốc gia Độc lập (CIS), Nghị viện châu Âu, Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế, và Tổng thư ký Liên Hợp Quốc "tác động tới lãnh đạo Moldova để quay lại đối thoại thỏa đáng, và ngăn ngừa hành vi xâm phạm quyền lợi và tự do của cư dân Transnistria".

Kể từ khi Moscow phát động "chiến dịch quân sự đặc biệt" tại Ukraine, Moldova vẫn lo ngại rằng Điện Kremlin có thể sử dụng Transnistria để mở mặt trận mới ở phía tây nam, gần tỉnh Odesa phía nam Ukraine.

Quan hệ giữa 2 nước xấu đi rõ rệt khi chính phủ Moldova, một quốc gia Liên Xô cũ, thể hiện quan điểm thân phương Tây. Moldova đã được trao tư cách ứng cử EU vào năm 2022, với kế hoạch trở thành thành viên của liên minh vào năm 2030.

Vào tháng 2/2023, Tổng thống Moldova Maia Sandu cáo buộc Nga có âm mưu đảo chính nhằm lật đổ chính phủ đất nước của bà. Phía Nga ngay lập tức bác bỏ cáo buộc, gọi những thông tin đó là hoàn toàn vô căn cứ.

Một đại diện của Bộ Ngoại giao Nga nói với hãng thông tấn nhà nước RIA Novosti rằng Moscow sẽ "cân nhắc" xem xét yêu cầu của Transnistria về việc bảo vệ người nói tiếng Nga trong khu vực.

Theo Newsweek