1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nhật triển khai hệ thống đánh chặn tên lửa Triều Tiên

(Dân trí) - Hôm nay quân đội Nhật đã yêu cầu triển khai 2 tàu khu trục mang tên lửa tới vùng Biển Nhật Bản và gửi các khẩu đội pháo của của hệ thống đánh chặn tên lửa Patriot đi bảo vệ bờ biển phía bắc, nhằm đối phó kế hoạch phóng vệ tinh của Triều Tiên.

Nhật triển khai hệ thống đánh chặn tên lửa Triều Tiên - 1
Ngoại trưởng Nhật Aso tại cuộc họp của Ủy ban Thượng viện ngày hôm nay.
 
Bình Nhưỡng dự định phóng vệ tinh Kwangmyongsong-2 vào khoảng từ ngày 4-8/4 tới, một động thái đã gây căng thẳng trong vùng tăng cao trong thời gian vừa qua. Mỹ cùng Nhật và Hàn Quốc nghi ngờ Triều Tiên sẽ dùng vụ thử này để thử công nghệ được cải tiến của một tên lửa tầm xa, có khả năng nhắm tới mục tiêu tại Alaska.

 

Nhật Bản trước đó cho biết sẽ bắn hạ bất kỳ vật thể nguy hiểm nào rơi xuống nước này, nếu vụ phóng của Triều Tiên không thành công. Tuy nhiên, Tokyo cũng thận trọng cho biết sẽ không can thiệp nếu lãnh thổ của họ không gặp nguy hiểm gì.

 

CHDCND Triều Tiên vào đầu tháng này tuyên bố bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào vệ tinh của họ cũng sẽ là hành động chiến tranh.

 

Khi quân đội Nhật Bản nhận được lệnh vào ngày hôm nay, việc chuẩn bị của CHDCND Triều Tiên có vẻ như đang tiến triển rất nhanh.

 

Theo giới chức tình báo Mỹ, CHDCND Triều Tiên đã đặt một tên lửa lên bệ phóng ở bờ biển đông bắc, chứng tỏ Bình Nhưỡng đã sẵn sàng cho vụ phóng.

 

Nhưng theo tờ Chosun Ilbo của Hàn Quốc dẫn lời một nhà ngoại giao giấu tên, về mặt “kỹ thuật”, Triều Tiên không có khả năng phóng nó trong ba tới bốn ngày nữa.

 

Mỹ và Triều Tiên hôm qua cảnh báo vụ phóng sẽ là hành động khiêu khích, với những hậu quả nghiêm trọng và quốc hội Nhật được kỳ vọng sẽ ra một nghị quyết vào tuần tới, yêu cầu hủy bỏ vụ phóng.

 

Nhật phản ứng mạnh nhất

 

Các cường quốc trong khu vực trước đó cũng khẳng định bất kỳ vụ phóng nào cũng bị cấm, chiểu theo Nghị quyết của Hội đồng bảo an LHQ, và nó sẽ khiến Triều Tiên phải đối mặt với lệnh cấm vận mới.

 

Ngoại trưởng Mỹ Clinton cũng đã cảnh báo rằng “hành động khiêu khích” sẽ làm phương hại tới vòng đàm phán 6 bên về đổi viện trợ lấy giải giáp hạt nhân.

 

Trong số tất cả các nước láng giềng với Triều Tiên, Nhật đã phản ứng mạnh mẽ nhất bởi vệ tinh sẽ bay qua không phận nước này. Triều Tiên cũng đã xác định trước một vùng gần bờ biển phía bắc Nhật mà các mảnh vỡ có thể rơi. CHDCND Triều Tiên cũng đã từng phóng một tên lửa tương tự qua bầu trời Nhật vào năm 1998, khiến Nhật phải bắt tay vào xây dựng một hệ thống phòng thủ tên lửa.

 

Hôm nay, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Yasukazu Hamada cho biết, ông đã yêu cầu triển khai tên lửa đánh chặn đất đối không và biển đối không tới khu vực gặp nguy hiểm. “Chúng tôi sẽ đảm bảo loại bỏ bất cứ thứ gì có thể gây tổn thất đối với chúng tôi”, ông nói.

 

Theo yêu cầu này, quân đội Nhật được phép bắn hạ bất kỳ phần hoặc mảnh vỡ tên lửa nào bay về phía lãnh thổ nước này.

 

Trong một tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nhật, quân đội sẽ triển khai một số tên lửa đất đối không PAC-3, hiện đã được triển khai quanh Tokyo, tới bờ biển phía bắc Nhật; triển khai một cặp tàu khu trục được trang bị các tên lửa biển đối không ở vùng biển lân cận.

 

Một bộ tên lửa PAC-3 cũng sẽ được chuyển tới trung tâm Tokyo để bảo vệ thủ đô. Các tàu khu trục, được trang bị hệ thống radar Aegis, sẽ xuất phát từ hải cảng miền nam Sasebo.

 

Hội đồng an ninh quốc gia Nhật cũng đã phê chuẩn yêu cầu của Bộ trưởng Hamada, được phép triển khai tên lửa đánh chặn.

 

Nhật phản ứng hơi quá?

 

Các quan chức Nhật nhấn mạnh các biện pháp trên hoàn toàn là để phòng trước và khả năng các mảnh vỡ rơi xuống Nhật là rất thấp.

 

“Chúng tôi muốn mọi người tiếp tục công việc hàng ngày của mình như bình thường”, Chánh văn phòng nội các Kawamura cho hay.

 

Chính vì vậy, một số nhà phân tích đánh giá Nhật Bản đang phản ứng thái quá. Hajime Izumi, giảng viên đại học chính trị quốc tế Shizuoka,  kêu gọi chính phủ cân nhắc hơn nữa.

 

“Việc triển khai là không thể tránh khỏi dù khả năng vụ phóng (của Triều Tiên) thất bại là rất ít. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ nó sẽ tạo ra ấn tượng rằng vụ phóng chắc chắn 100% sẽ bị hỏng”, ông nhận xét. “Chính phủ nên có giải thích thận trọng hơn nữa”.

 

Ngoài ra, Nhật cũng đang đe dọa sẽ cấm vận thêm. Nhật cũng đã đưa ra một số lệnh cấm vận thương mại đối với Bình Nhưỡng vào năm 2006 sau khi nước này thử các tên lửa đạn đạo trên vùng biển tranh chấp giữa hai nước và tiến hành thử bom nguyên tử. Những lệnh cấm hiện tại, được gia hạn 6 tháng một, sẽ hết hạn vào ngày 13/4 tới.

 

Phan Anh

Theo AP, AFP