DNews

Đằng sau lời cảnh báo châu Âu "có thể lụi tàn" của Tổng thống Pháp

Đức Hoàng

(Dân trí) - Giới chuyên gia nhận định, đằng sau lời cảnh báo của Tổng thống Pháp Emanuel Macron về tương lai của châu Âu là những thách thức mà lục địa già đang phải đối mặt khi thế giới ngày càng biến động.

Đằng sau lời cảnh báo châu Âu "có thể lụi tàn" của Tổng thống Pháp

Vào năm 2017, sau khi trúng cử tổng thống Pháp, ông Macron từng có bài phát biểu ở đại học Sorbonne nhằm thúc đẩy một chương trình nghị sự đầy tham vọng tới châu Âu. Phát biểu của ông xoay quanh viễn cảnh về một châu Âu có quyền tự chủ chiến lược trên nhiều lĩnh vực.

Sau 7 năm, cũng tại trường Sorbonne ở Paris, ông Macron vào cuối tháng 4 đã cảnh báo: "Có nguy cơ châu Âu của chúng ta có thể tàn lụi. Chúng ta không được chuẩn bị để đối mặt với những rủi ro".

Trong bài phát biểu kéo dài gần hai giờ, ông cảnh báo rằng áp lực quân sự, kinh tế và các áp lực khác có thể làm suy yếu và chia cắt liên minh châu Âu gồm 27 quốc gia thành viên.

Hai bài phát biểu đều tập trung vào việc kêu gọi một châu Âu có chủ quyền, độc lập, không bị phụ thuộc vào các bên nhưng bối cảnh đã khác nhau. Bài phát biểu 7 năm trước của ông Macron diễn ra khi Brexit chưa xảy ra, Covid-19 vẫn chưa xuất hiện và khi đó Nga chưa mở chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Sau hàng loạt biến động, thế giới giờ đây đã rất khác và nó đặt ra thêm cho châu Âu rất nhiều thách thức trước mắt. 

Châu Âu và nỗi lo ngại an ninh

Đằng sau lời cảnh báo châu Âu có thể lụi tàn của Tổng thống Pháp - 1

Chiến sự Nga - Ukraine đánh dấu lần đầu tiên sau hàng chục năm tiếng súng của một cuộc xung đột lại vang lên trên lãnh thổ châu Âu (Ảnh: Domena publiczna).

Chuyên gia Judy Dempsey từ Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Châu Âu (Đức) nhận định, sau những sự kiện đã xảy ra trong thời gian qua, châu Âu "đã trải qua một sự thức tỉnh địa chính trị dưới áp lực của một trật tự toàn cầu đang thay đổi".

Các cường quốc khác trên thế giới đã bước vào cuộc chơi, muốn thay đổi trật tự do phương Tây lãnh đạo trong hàng chục năm qua. Những sự cọ sát giữa các nước lớn tạo ra những biến động khác nhau trên toàn cầu khi các bên cố gắng mở rộng tầm ảnh hưởng.

Châu Âu nhận thấy rằng họ không thể đứng ngoài cuộc, đặc biệt về vấn đề an ninh. Sau nhiều thập niên lục địa già sống trong hòa bình, tiếng súng của một cuộc chiến đã nổ trở lại ở châu Âu khi Nga và Ukraine xung đột toàn diện.

Cuộc bầu cử ở Mỹ sắp diễn ra vào tháng 11 với việc ứng cử viên Donald Trump có khả năng trở lại Nhà Trắng. Ông Trump, người có quan điểm "Nước Mỹ là trên hết", từng không ít lần chỉ trích châu Âu không đóng góp đủ cho an ninh của chính họ, mà đặt gánh nặng lên Mỹ.

Theo các chuyên gia, châu Âu hiểu rằng, họ không thể phụ thuộc hoàn toàn vào Mỹ về vấn đề an ninh khi cam kết của Washington có thể bị thay đổi nếu như có sự chuyển giao quyền lực 4 năm một lần. Khi cuộc chiến đã nổ ra ở châu Âu, họ dường như cảm thấy rằng họ cần phải tự làm chủ vận mệnh của mình.

Trong bài phát biểu, ông Macron cho rằng: "Thời kỳ mà châu Âu dựa vào Mỹ để đảm bảo an ninh đã chấm dứt. Quy tắc của trò chơi đã thay đổi. Và thực tế là chiến sự đã quay trở lại lục địa châu Âu và nó có sự tham gia của một cường quốc có vũ khí hạt nhân. Điều đó đã thay đổi mọi thứ. Thực tế là Iran có khả năng chế tạo vũ khí hạt nhân đã thay đổi mọi thứ".

Theo chuyên gia Gérard Araud từ Hội đồng Đại Tây Dương, ông Macron không ảo tưởng về tương lai cam kết của Mỹ đối với an ninh châu Âu.

Do đó, ông nhận định châu Âu nên chuẩn bị cho kịch bản Mỹ giảm bớt cam kết bằng cách tự mình trở nên tự chủ hơn. Ông Macron nhận định môi trường chiến lược đang trở nên khốc liệt ở châu Âu và thực tế là EU chỉ mới bắt đầu thích nghi với nó.

Chính vì vậy, ông kêu gọi châu Âu gia tăng đáng kể khả năng quân sự.

"Đây là lý do tại sao trong những tháng tới, tôi sẽ mời tất cả các đối tác của chúng tôi giúp xây dựng sáng kiến quốc phòng châu Âu này, trước hết phải là một khái niệm chiến lược mà từ đó chúng tôi sẽ có được những khả năng liên quan", ông nhấn mạnh.

Ông bổ sung thêm một số đề xuất khác, bao gồm hoạt động đào tạo chung các sĩ quan quân sự và thành lập một lực lượng phản ứng nhanh của châu Âu để đối phó với những tình huống bất ngờ.

Đằng sau lời cảnh báo châu Âu có thể lụi tàn của Tổng thống Pháp - 2

Tổng thống Macron trong bài phát biểu tại đại học Sorbonne vào cuối tháng trước (Ảnh: Les Escho).

Ông nói rằng người châu Âu nên ưu tiên mua thiết bị quân sự của châu lục này trong một nỗ lực nhằm tăng cường đầu tư hơn nữa vào năng lực sản xuất quốc phòng. Ông Macron nói: "Chúng ta phải sản xuất nhiều hơn, chúng ta phải sản xuất nhanh hơn và chúng ta phải sản xuất với tư cách là người châu Âu".

Ông Macron từ lâu đã kêu gọi châu Âu nên có "quyền tự chủ chiến lược" nhằm hướng tới việc ít phụ thuộc hơn vào Mỹ. Châu Âu "phải chứng tỏ rằng mình không bao giờ là chư hầu của Mỹ và châu Âu cũng biết cách trao đổi với tất cả các khu vực khác trên thế giới", ông Macron nói.

Vài ngày sau bài phát biểu, ông Macron tuyên bố sẵn sàng "mở cuộc tranh luận" về vai trò của vũ khí hạt nhân trong hệ thống phòng thủ chung của châu Âu.

"Tôi sẵn sàng mở ra cuộc tranh luận này, trong đó phải bao gồm khả năng phòng thủ tên lửa, khả năng tấn công tầm xa và vũ khí hạt nhân bao gồm cả những nước sở hữu và những nước để Mỹ đặt chúng trên lãnh thổ", Tổng thống Pháp nhấn mạnh.

"Chúng ta hãy đặt tất cả lên bàn và xem điều gì thực sự bảo vệ chúng ta một cách đáng tin cậy", ông nói, nhấn mạnh Pháp sẽ "duy trì tính đặc thù của mình nhưng sẵn sàng đóng góp nhiều hơn cho việc bảo vệ châu Âu".

Sau khi Anh rút khỏi Liên minh châu Âu, Pháp là thành viên duy nhất trong khối sở hữu vũ khí hạt nhân của riêng mình.

Trong bài phát biểu ở đại học Sorbonne ở Paris, ông Macron cảnh báo rằng châu Âu đang phải đối mặt với mối đe dọa hiện hữu từ Nga và cần xây dựng năng lực quân sự đáng tin cậy. 

"Đáng tin cũng có nghĩa là có tên lửa tầm xa để răn đe người Nga. Và sau đó là vũ khí hạt nhân: Học thuyết của Pháp là chúng tôi có thể sử dụng chúng khi lợi ích sống còn của chúng tôi bị đe dọa. Tôi đã nói rằng châu Âu cũng có thể liên quan tới những lợi ích sống còn này", ông nói.

Xây dựng chính sách phòng thủ chung châu Âu từ lâu đã là mục tiêu của Pháp, nhưng nó đã vấp phải sự hoài nghi từ các nước EU khác vì họ đã được Mỹ cam kết bảo vệ trong nhiều năm qua. 

Tuy nhiên, khi cục diện địa chính trị đã thay đổi, ngày càng nhiều quốc gia châu Âu bày tỏ sự ủng hộ với việc châu Âu cần tự chủ chiến lược về an ninh, dù số khác vẫn cho rằng EU chưa có giải pháp nào đáng tin cậy hơn là chiếc ô mà Mỹ đang xòe ra để che cho châu lục này.

Những thách thức khác

Đằng sau lời cảnh báo châu Âu có thể lụi tàn của Tổng thống Pháp - 3

Châu Âu đang nỗ lực hơn nữa trong quá trình tự chủ về năng lượng, tăng cường sản xuất năng lượng xanh (Ảnh: AFP).

Ngoài thách thức về an ninh, châu Âu cũng phải đối mặt với một thế giới đầy biến động và đang thay đổi mỗi ngày. Ông Macron cho rằng, châu Âu "thức tỉnh" chưa đủ nhanh chóng trước các mối đe dọa.

Ông Macron cảnh báo rằng châu Âu đã bước vào một thế giới mới, nơi nguồn cung của nguyên liệu thô ngày càng hạn chế, các khoáng sản quan trọng bị chi phối bởi yếu tố địa chính trị, quá trình chuyển đổi xanh ngày càng cấp bách.

Về mặt kinh tế, ông Macron nhấn mạnh sự cần thiết phải xây dựng một hiệp ước thịnh vượng để EU có thể có vị trí dẫn đầu trong 5 lĩnh vực chiến lược sau vào năm 2030: AI, điện toán lượng tử, không gian, công nghệ sinh học và năng lượng mới, như hydro và năng lượng hạt nhân.

Nhìn chung, ông lập luận rằng thị trường chung EU nên được mở rộng và củng cố trong các lĩnh vực mà cho đến nay vẫn bị bỏ qua như năng lượng, viễn thông hoặc dịch vụ tài chính.

Ông Macron kêu gọi đầu tư nhiều hơn vào nghiên cứu và đổi mới. Đầu tư vào những đổi mới mang tính đột phá sẽ giúp EU đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng tăng từ cả Mỹ và Trung Quốc.

Hơn nữa, việc tập trung vào lĩnh vực năng lượng và vào nông nghiệp là rất quan trọng. Sau khi chiến sự Nga - Ukraine bùng phát, châu Âu đã tìm mọi cách giảm phụ thuộc vào năng lượng của Moscow, dù quá trình này cũng khiến EU lao đao.

Châu Âu đang thể hiện quyết tâm chính trị nhằm "cai" năng lượng Nga bất chấp những thách thức không nhỏ phía trước. Ông Macron kêu gọi châu Âu cần hợp tác phát triển trong lĩnh vực thiết yếu này. Điều đó sẽ đi đôi với việc sửa đổi chính sách thương mại của EU, chính sách này phải được duy trì cởi mở trong khi bảo vệ lợi ích của EU.

Nhìn chung, theo các chuyên gia, ông Macron đã vạch ra những thách thức rõ ràng mà châu Âu phải đối mặt trên mọi lĩnh vực, như sự cạnh tranh ngày càng gay gắt về thương mại với các bên, bao gồm cả đồng minh thân thiết, Mỹ.

Theo Le Monde, một thách thức mà Pháp và châu Âu đang phải đối mặt chính là nỗ lực tái công nghiệp hóa, nhằm tạo ra thế tự chủ chiến lược trong các ngành công nghiệp mũi nhọn. Đức và Pháp nhiều lần nhấn mạnh sự cần thiết của việc này nếu châu Âu không muốn bị phụ thuộc vào các bên hay trở thành thị trường tiêu thụ các sản phẩm của các nước lớn khác. 

Thách thức với châu Âu là không nhỏ khi Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, nghiên cứu công nghệ mới. Từ đó, Trung Quốc có thể sản xuất nhanh hơn với quy mô lớn để cạnh tranh với phương Tây bằng sản phẩm có giá thành rẻ hơn. 

Trong khi đó, Mỹ đã tung ra Đạo luật Giảm lạm phát, một chương trình viện trợ trị giá 370 tỷ USD được thiết kế để đẩy nhanh quá trình xanh hóa các ngành công nghiệp của Mỹ. Đạo luật này giúp chi phí năng lượng sản xuất giảm hơn nhiều và nó đã khiến không ít công ty châu Âu quyết định di chuyển sang phía bên kia Đại Tây Dương.

Châu Âu, bên đang cố giảm phụ thuộc vào năng lượng giá rẻ từ Nga, phải chấp nhận thực tế rằng họ chi thêm nhiều tiền hơn nữa để bù đắp khoảng trống do Moscow để lại. Chính vì vậy, châu Âu đã quyết tâm đẩy nhanh hơn nữa ngành công nghiệp năng lượng tái tạo, năng lượng xanh để có thể tự chủ hơn trong tương lai và không làm mất đi lợi thế sản xuất công nghiệp vì giá nhiên liệu quá cao. 

Trước những bài toán khó mà châu Âu phải đối mặt trong vài năm tới, ông Macron dường như kỳ vọng rằng bài phát biểu này sẽ là sự đóng góp của Pháp cho chương trình nghị sự chiến lược của EU trong 5 năm tới.

Bài phát biểu của ông Macron đã nhận được phản hồi tích cực từ Đức, một thành viên chủ chốt của EU. Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuyên bố: "Pháp và Đức muốn châu Âu trở nên mạnh mẽ. Bài phát biểu của ông Macron chứa đựng những ý tưởng hay về cách chúng ta có thể đạt được điều này".

Theo Atlantic Council, Wilson Center, ECFR