1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Hàn Quốc phản đối dùng quân sự đối phó tên lửa Triều Tiên

(Dân trí) - Tổng thống Lee Myung-bak cho biết Hàn Quốc phản đối bất kỳ hành động quân sự nào đối với vụ phóng tên lửa đã được lên kế hoạch của Triều Tiên. Trong khi đó, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ cũng khẳng định nước này không có kế hoạch bắn hạ tên lửa Bình Nhưỡng.

Hàn Quốc phản đối dùng quân sự đối phó tên lửa Triều Tiên - 1
Tên lửa đất đối không PAC-3 được triển khai ở Bộ quốc phòng Nhật tại Tokyo. Nhật cho biết đã huy động quân đội để đối phó với vụ phóng.
 
Thông tin mà Tổng thống Hàn Quốc Lee cùng Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Gates đưa ra có vẻ như phản ánh mối lo ngại rằng: Bất kỳ phản ứng cứng rắn nào cũng sẽ đẩy căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên vượt ra ngoài vòng kiểm soát. Trong thời gian gần đây Bình Nhưỡng cũng liên tục cảnh báo nếu LHQ dùng biện pháp cấm vận, họ sẽ từ bỏ vòng đàm phán về giải giáp hạt nhân ngay lập tức.

 

CHDCND Triều Tiên cho biết sẽ phóng một vệ tinh viễn thông vào quỹ đạo trong khoảng từ ngày 4-8/4 này. Kế hoạch là một phần nằm trong chương trình phát triển không gian của Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, các cường quốc trong khu vực nghi ngờ Triều Tiên đang dùng vụ phóng để thử công nghệ tên lửa tầm xa mới.

 

Trong một cuộc phỏng vấn với Financial Times số ra ngày hôm nay, 30/3, Tổng thống Lee cho biết tất cả các nước, trong đó có Nga và Trung Quốc, đều phản đối kế hoạch của Bình Nhưỡng. Nhưng ông Lee nhấn mạnh ông phản đối việc dùng hành động quân sự như một biện pháp trừng phạt Bình Nhưỡng.

 
Hàn Quốc phản đối dùng quân sự đối phó tên lửa Triều Tiên - 2
Hệ thống tên lửa PAC-3 tiên tiến được triển khia ở Bộ quốc phòng Nhật, Tokyo, ngày 29/3/2009.
 
“Điều tôi kịch liệt phản đối là dùng phản ứng quân sự đối với những hành động kiểu này”, một bản ghi cuộc phỏng vấn được văn phòng Tổng thống đưa ra, cho hay.

 

Ngoài ra, Tổng thống Lee cũng loại bỏ khả năng đóng cửa khu công nghiệp chung ở CHDCND Triều Tiên để trừng phạt. Ông cho biết ông không tin “dùng biện pháp cứng rắn” sẽ giúp đạt được mục tiêu cuối cùng của Seoul là Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân.

 

Tại Washington, Bộ trưởng Quốc phòng Gates cũng cho biết trong một cuộc phỏng vấn phát vào ngày 29/3 rằng Mỹ không có kế hoạch bắn chặn tên lửa của Triều Tiên. Tuy nhiên, ông cho biết Mỹ có thể xem xét lại nếu “một tên lửa lầm lạc” hướng tới Hawaii hay một “thứ gì đó tương tự như thế”.

 

Bộ trưởng Gates vẫn giữ vững lập trường cho rằng vụ phóng của Triều Tiên là một bước tiến thêm trên con đường phát triển tên lửa đạn đạo tên lửa xuyên lục địa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân và “là bình phong cho việc phát triển một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa”.

 

Mỹ - Hàn triển khai tàu khu trục theo dõi vụ phóng

 

Hàn Quốc phản đối dùng quân sự đối phó tên lửa Triều Tiên - 3


Hàn Quốc phản đối dùng quân sự đối phó tên lửa Triều Tiên - 4

Hình ảnh vệ tinh DigitalGlobe chụp ngày 29/3 cho thấy cơ sở phóng tên lửa của Triều Tiên ở Musudan Ri.
 
Hình ảnh vệ tinh DigitalGlobe chụp vào ngày hôm qua cho thấy có vẻ như Triều Tiên đã chuẩn bị sẵn một thiết bị phóng 3 tầng trên bệ phóng tại Musudan-ni, bờ biển phía đông của nước này. Thông tin được Tim Brown, một nhà phân tích của globalsecurity.org tiết lộ.

 

Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu đó có phải là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Taepodong-2 hay chỉ là thiết bị dùng để mang một vệ tinh. 

 

Brown cho biết thêm: “Trong vài ngày tới sẽ diễn ra hoạt động tiếp nhiên liệu lỏng lấy từ những nhà chứa nhiên liệu gần đó cùng các bước kiểm tra cuối cùng”.

 
Hàn Quốc phản đối dùng quân sự đối phó tên lửa Triều Tiên - 5

Tàu khu trục có tên lửa dẫn đường của Hải quân Mỹ USS John S. McCain rời hải cảng ở Busan ngày 30/3/2009 hướng về vùng Biển Nhật Bản.

Ngày hôm nay, hai tàu khu trục của Mỹ dự định sẽ rời Hàn Quốc thực hiện sứ mệnh được cho là giám sát vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. Các tàu được trang bị hệ thống radar Aegis, hệ thống cho phép các tàu thuyền xác định vị trí, lần theo và bắn hạ các tên lửa.

 

Người phát ngôn quân đội Mỹ Kim Yong-kyu cho biết các tàu sẽ rời đi từ cảng Busan, Hàn Quốc, nhưng từ chối tiết lộ thêm thông tin chi tiết.

 

Ngoài ra, Hàn Quốc cũng lên kế hoạch triển khai tàu khu trục được trang bị hệ thống Aegis ngoài khơi vùng biển phía đông nước này để theo dõi vụ phóng.

 
Hàn Quốc phản đối dùng quân sự đối phó tên lửa Triều Tiên - 6
 
Hàn Quốc phản đối dùng quân sự đối phó tên lửa Triều Tiên - 7

Hai tàu chiến chống tên lửa đạn đạo Chokai (phải) và Kongou của Lực lượng phòng vệ hải quân Nhật (JMSDF) rời khỏi căn cứ Sasebo, tây nam Nhật, ngày 28/3/2009.

Trong khi đó, tờ Sankei dẫn nhiều nguồn tin chính phủ Nhật không nêu tên cho biết, CHDCND Triều Tiên đang chuẩn bị phóng thử một tên lửa khác ở Wonsa, cách nam Musudan-ni khoảng 250km. Tờ báo tiết lộ các nhà phân tích tình báo của Nhật, Hàn, Mỹ đều cho rằng đây có thể là một tên lửa tầm ngắn hoặc tầm trung.

 

Tờ báo cũng cho rằng CHDCND Triều Tiên có thể tiến hành một vụ thử tên lửa nữa nếu Hội đồng bảo an LHQ phê chuẩn lệnh cấm vận đối với nước này hoặc nếu Mỹ không chịu nhượng bộ.

 

Phan Anh

Theo AP, AFP