Người Anh lên tiếng: Đã đến lúc rời EU (Bài II)
Chứng khoán chao đảo. Đồng bảng Anh sụt giá. Hàng triệu người hoang mang và choáng váng. Không phải khủng hoảng kinh tế, càng không phải thảm hoạ hạt nhân, chỉ đơn giản là người Anh đã quyết định rời Liên minh châu Âu (EU).
Hệ luỵ của Brexit
Cho đến thời điểm này, chúng ta chỉ biết chắc được ba điều đã xảy ra: Nước Anh sẽ rút ra khỏi EU, Thủ tướng David Cameron từ chức và đồng Bảng Anh sụt giá xuống mức thấp nhất trong vòng 31 năm qua. Nhiều người nói rằng, sẽ có phản ứng dây chuyền ở lục địa già, nhiều nước khác sẽ bắt chước nước Anh và rời khỏi EU.
Liệu EU có tan rã? Chúng ta chưa thể biết được, và tại thời điểm này có lẽ không nên võ đoán quá nhiều. Tuy nhiên, chắc chắn việc nước Anh rời EU sẽ tạo ra tiền lệ và chí ít thì nó cũng sẽ giúp các nước muốn ra khỏi EU cảm thấy vững tin hơn bởi họ biết rằng mình không bị lạc lõng.
Việc giao lưu nhân dân và thương mại giữa nước Anh và châu Âu sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều sau khi nước Anh rút khỏi EU. Chắc chắn họ sẽ không còn là một phần của thị trường chung châu Âu nữa cho đến khi cả hai bên đạt được một thoả thuận thương mại nào đó trong tương lai gần. Dù thế nào đi nữa, ảnh hưởng kinh tế ở một mức độ nào đó là điều không thể tránh khỏi.
Nếu Brexit tạo ra một phản ứng dây chuyền ở châu Âu, chúng ta nên chuẩn bị cho một cơn bão khủng hoảng kinh tế và chính trị, thậm chí là an ninh ở châu Âu. Nhưng nếu các nhà lãnh đạo châu Âu có thể chèo lái con tàu EU với đôi tay vững vàng, nếu nước Đức có thể vực dậy được lòng tin ở châu Âu thì rất có thể thị trường sẽ bình ổn và sau cơn mưa trời sẽ hửng nắng.
Tuy nhiên, hệ luỵ lớn nhất và có thể là sâu rộng nhất của Brexit là nó châm lửa cho chủ nghĩa dân tộc vốn đã đang trỗi dậy hết sức mạnh ở châu Âu và ở Mỹ trong những năm gần đây rồi. Và đáng lo hơn nữa vì cái phong trào chủ nghĩa dân tộc này đang ngày một ngả theo xu hướng cực đoan.
Donald Trump có thể phát ngôn một cách "bừa bãi" nhưng ông ta là một hiện tượng thực sự và dù khó có thể tin rằng Trump sẽ trở thành Tổng thống Mỹ tiếp theo, nhưng rõ ràng ông ta có một lượng cử tri ủng hộ vô cùng lớn ở Mỹ hiện nay. Đây cũng là người từng kêu gọi nước Mỹ xây “vạn lý trường thành" để ngăn người Mexico nhập cư trái phép vào Mỹ và cấm người Hồi giáo tị nạn nhập cư vào Mỹ. Trump cũng là người kêu gọi Mỹ rút khỏi NATO và chấm dứt các liên minh của mình hiện nay để tập trung vào các lợi ích cốt lõi khác của Mỹ.
Ở châu Âu các đảng phái cực hữu cũng ngày càng giành được nhiều sự ủng hộ hơn. Đảng Front National của bà Le Pen tuy chưa thắng tổng tuyển cử ở Pháp, nhưng cũng đang mạnh lên dần và thành công trong việc đưa vấn đề nhập cư trở thành vấn đề đối nội hàng đầu ở Pháp. Đảng VVD ở Hà Lan, Đảng FPO ở Áo, Đảng AfD ở Đức, tất cả rất có thể sẽ được “truyền lửa" bởi Brexit, nhất là khi họ mới tổ chức một hội nghị ở Áo, nơi họ kêu gọi người dân Anh ủng hộ quyết định rời khỏi EU.
Mốc lịch sử buồn
Tại thời điểm này chúng ta chưa thể biết được ngay một châu Âu được lãnh đạo bởi những chính khách cực hữu này sẽ ra sao nhưng chắc chắn rằng người nhập cư, người nước ngoài chưa bao giờ được lợi khi chủ nghĩa dân tộc lên cao.
Thế giới đang trải qua quá trình toàn cầu hoá, Trái Đất ngày một thu nhỏ lại và chúng ta ngày càng dễ gặp gỡ, giao lưu và hợp tác với nhau hơn. Nhưng điều đó đồng nghĩa với việc Trái Đất sẽ ngày một chật hẹp hơn và sự cạnh tranh cũng ngày một khốc liệt hơn.
Những nhà lãnh đạo cực hữu sẽ sẵn sàng thí những con tốt nhập cư, những con tốt nước ngoài để làm lợi, làm giàu cho người dân và đất nước của họ. Đó là một điều chắc chắn. Nhưng nguy hiểm hơn nữa, họ có thể sẽ đánh đuổi chúng ta ra khỏi đất nước của họ.
Và đừng quên rằng, Thế Chiến II bắt nguồn từ đâu. Nó bắt nguồn từ một thứ chủ nghĩa dân tộc cực đoan và đen tối. Khi con người ta đặt lợi ích của cá nhân mình lên trên hết và sẵn sàng gạt bỏ mọi lợi ích chính đáng của những người xung quanh, xung đột sẽ là điều không thể tránh khỏi.
Người Anh đã làm nên lịch sử nhưng có lẽ hôm nay sẽ là một ngày buồn cho châu Âu.
Và nếu một ngày nào đó chiến tranh đẫm máu trở về châu Âu, người ta sẽ nhớ tới ông Cameron - vị Thủ tướng Anh đã đánh cược số phận của nước Anh trong EU và đã thất bại một cách thảm hại.
Theo Ngô Di Lân
(Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả)
Thế giới và Việt Nam