Nga kêu gọi nới lỏng các biện pháp trừng phạt Triều Tiên
(Dân trí) - Trong chuyến công du tới Bình Nhưỡng, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã kêu gọi cộng đồng quốc tế chuyển sang giai đoạn nới lỏng các biện pháp trừng phạt với Triều Tiên nhằm thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa tại khu vực.
Ngày 31/5, Ngoại trưởng Lavrov có chuyến thăm Bình Nhưỡng và gặp gỡ người đồng cấp Triều Tiên Ri Yong-ho. Ông Lavrov đã kêu gọi cộng đồng quốc tế chuyển sang giai đoạn nới lỏng các lệnh trừng phạt đang áp dụng cho Bình Nhưỡng. Đây là những biện pháp nhằm đáp trả tham vọng hạt nhân của nước này.
Ngoại trưởng Nga cho biết Triều Tiên có thể sẽ không từ bỏ vũ khí hạt nhân cho đến khi các lệnh cấm vận được gỡ bỏ. Ông nhận định chính phủ Nga không tin rằng họ có “tiếng nói” trong cuộc đàm phán thượng đỉnh song phương giữa Mỹ và Triều Tiên.
“Tôi không tin là chúng tôi (Nga) nên tìm hiểu về về những nội dung mà Triều Tiên định bàn bạc với Mỹ. Các chuyên gia tư vấn đang chuẩn bị cho Hội nghị và chúng tôi không nghĩ là chúng tôi ở vị trí có thể can thiệp được vào quá trình này”, ông Lavrov nhận định.
“Nhưng chừng nào thỏa thuận giữa Mỹ và Triều Tiên được cộng đồng quốc tế giảm sát, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ) sẽ cần các bên hỗ trợ những sáng kiến cho hạng mục này. Khi đó, chúng tôi sẽ sẵn sàng ủng hộ những thỏa thuận bền vững và có lợi cho tất cả các bên tham gia, bao gồm cả Triều Tiên”, Ngoại trưởng Nga cam kết.
Hội đồng Bảo an LHQ, Mỹ và một số nước đồng minh của Washington đã bắt đầu ban hành các lệnh trừng phạt lên Triều Tiên, kể từ sự kiện Bình Nhưỡng tự nhận mình là cường quốc hạt nhân năm 2005, rút khỏi đàm phán 6 bên về phi hạt nhân hóa 4 năm sau đó và tiến hành hàng loạt các vụ thử tên lửa, vũ khí hạt nhân vi phạm quy định của LHQ.
Tuy nhiên, ngày 24/5 trước sự chứng kiến của hàng chục phóng viên quốc tế từ Nga, Anh, Trung Quốc, Hàn Quốc và Mỹ, Triều Tiên khẳng định đã phá hủy "hoàn toàn" Punggye-ri, bãi thử hạt nhân duy nhất của quốc gia này. Đây được cho là động thái thể hiện thiện chí của Bình Nhưỡng trong mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Đức Hoàng
Theo Sputnik