Nga có thể khôi phục vị thế trên toàn khu vực Á - Âu
(Dân trí) - Trang mạng phân tích tin tình báo của Mỹ Stratfor nhận định năm 2017, Nga có cơ hội thay đổi cán cân quyền lực Á - Âu “vì lợi ích của mình”. Phân tích này khác xa so với dự báo được đưa ra chỉ một năm trước đây rằng Moscow đang trên bờ vực của sự sụp đổ.
Ngoài Stratfor, hàng loạt hãng tin lớn như Reuters, CNN, Telegraph… đã đưa ra các dự báo về nước Nga trong năm 2017. Có những dự báo tích cực và cả những dự báo không mấy sáng sủa, nhưng tựu chung lại, có nhiều dự báo khẳng định vị thế được củng cố theo chiều hướng “ngoạn mục” của Nga trên trường quốc tế trong năm nay.
Sự trở lại mạnh mẽ của nước Nga
Sau vụ Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ hồi đầu năm 2014, Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ đã áp đặt lệnh trừng phạt Moscow. Vài tháng sau, giá dầu thế giới bắt đầu lao dốc không kiểm soát và tới cuối năm đó đã giảm gần một nửa. Cú đánh kép đã đẩy Nga rơi vào tình trạng suy thoái ở trong nước và xung đột với phương Tây ở bên ngoài. Tỷ giá đồng rúp so với đồng USD có lúc giảm tới hơn 50%. Nhiều hãng phân tích phương Tây khi đó đã dự báo về một cuộc khủng hoảng lún sâu ở Nga.
Tuy nhiên, từ giữa năm 2016, những hãng tin như Telegraph của Anh hay Fox News của Mỹ đều nhận định rằng “vận mệnh của nước Nga có thể thay đổi”. Trong khi đó, hãng tin Pháp Le Monde từ cuối năm 2015 đã dẫn lời các nhà phân tích nhắc đến “sự trở lại mạnh mẽ của nước Nga”.
Tạp chí kinh doanh Forbes nêu lý do nền kinh tế Nga sẽ phục hồi ngoạn mục trong năm 2017, đó là nhờ những động lực tích cực từ cuối năm 2016, bao gồm những hợp đồng kinh tế với Nhật Bản, Trung Quốc và Qatar. “Nga sẽ giành chiến thắng trong lĩnh vực năng lượng và ngoại giao trong năm 2017”, theo Forbes.
Chưa hết, sức mạnh quân sự của Nga sẽ phát huy hiệu quả lớn hơn nữa trong năm nay - đó là nhận xét của Reuters khi đưa ra dẫn chứng về những gì Nga đã thể hiện ở Syria. “Những thắng lợi Nga giúp Syria có được đã chứng tỏ quân đội nước này đã được hiện đại hóa và tăng cường mạnh mẽ kể từ cuộc cải cách từ năm 2008...”
Nga thể hiện ở Syria những gì? Đó là những chiến dịch không kích với lực lượng không quân hùng mạnh. Vào thời điểm quyết định ở thành phố Aleppo (Syria), Tổng thống Nga Vladimir Putin đã triển khai một lực lượng hải quân tác chiến hùng mạnh đến Địa Trung Hải, dẫn đầu là tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov. Quyết tâm của Nga trong việc sử dụng sức mạnh quân sự và sự triển khai nhanh chóng lực lượng quân đội đã khiến phương Tây bất ngờ.
Từ năm 2005 đến năm 2015, chi tiêu quốc phòng của Nga đã tăng gấp đôi. Nga đã trang bị những vũ khí, khí tài hiện đại, bổ sung các tàu chiến cho lực lượng hải quân, lực lượng đặc biệt tác chiến bên ngoài. Có ý kiến cho rằng quân đội đã tạo điều kiện cho nước Nga quay trở lại giữ vai trò quan trọng trên trường quốc tế.
Thiên thời, địa lợi cho nước Nga
“Nỗ lực của nước Nga quay trở lại vị thế trung tâm thế giới đã bắt đầu thu được những kết quả ngoạn mục đầu tiên. Nhiều cơ hội mở ra để Nga khôi phục ảnh hưởng tại khu vực Á-Âu”, tờ Le Monde nhận định.
Trong khi Mỹ bận rộn với giai đoạn chuyển giao quyền lực nhạy cảm, Tổng thống Putin dường như đang tìm cách lập lại cân bằng ở khu vực Trung Đông. “Tổng thống Putin muốn giúp chế độ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad giành chiến thắng trong cuộc nội chiến ở Syria, từ đó tạo dựng Nga như một cường quốc chính ở Trung Đông. Washington dường như không thể chống lại sức mạnh này”, theo Washington Post. Hãng tin Reuters thậm chí bình luận: “Thời Mỹ là siêu cường duy nhất ở Trung Đông đã chấm dứt kể từ khi Nga can dự vào cuộc chiến Syria từ năm 2015”.
Còn tại châu Âu, khu vực cùng với Mỹ gia tăng trừng phạt Nga sau xung đột ở Crimea từ hơn 3 năm trước, làn sóng di cư bắt nguồn từ cuộc chiến Syria càng góp phần củng cố ảnh hưởng của Moscow, tiếp thêm sức mạnh cho những đảng dân túy thân với Tổng thống Putin.
Ngoài ra, cuộc bỏ phiếu Anh rời khỏi châu Âu (Brexit) hồi tháng 6/2016 đã bộc lộ mối bất hòa sâu sắc trong liên minh này. Những cuộc bầu cử dự kiến diễn ra trong năm 2017 ở Đức, Pháp, Hà Lan, Italy… có thể làm trầm trọng thêm chia rẽ bên trong EU. “Tình trạng mất đoàn kết trong EU, cùng những rạn nứt giữa chính quyền mới ở Washington có thể lan rộng và đây là cơ hội để Nga giành lại ảnh hưởng ở nhiều quốc gia nằm sát biên giới. Ngoài ra, những biến đổi chính trị ở châu Âu và Mỹ có thể đem lại cho Nga thêm cơ hội để khôi phục vị thế trên toàn khu vực Á - Âu”, Stratfor viết.
Không chỉ ở Trung Đông và châu Âu, tại châu Á, Nga cũng đang củng cố vị thế bằng những bước đi vững chắc. Trên thực tế, Nga đang xích lại gần Trung Quốc và Nhật Bản.
Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất và là nguồn đầu tư ngoại tệ quan trọng đối với Nga, trong khi Nga cũng là một trong những nguồn nhập khẩu năng lượng và công nghệ cao quan trọng đối với Trung Quốc. “Mối quan hệ Nga - Trung, vốn được xây dựng trên một nền tảng vững chắc, đã bước vào một giai đoạn lịch sử mới, phát triển nhanh chóng và vững chắc với sự hợp tác sâu rộng trên nhiều lĩnh vực”, Tân Hoa xã của Trung Quốc viết.
Chuyến thăm Nhật Bản được mong đợi từ lâu của Tổng thống Putin có thể là cú hích đối với tất cả các bên muốn hợp tác kinh doanh với Nga trong năm 2017: Hàng tỷ USD từ Nhật Bản sẽ được chi cho khai thác dầu khí ở thềm lục địa ở Nga và xây dựng thêm một nhà máy sản xuất khí hóa lỏng ở Sakhalin. Bộ trưởng Kinh tế, thương mại và công nghiệp Nhật Bản Seko Hiroshigecho biết Nhật Bản và Nga hiện đang thảo luận gần 100 dự án hợp tác kinh tế.
Quan hệ Nga - Mỹ cũng được dự báo với cả hai chiều hướng lên xuống. Ngày 29/12, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã công bố một loạt biện pháp trừng phạt Nga vì đã can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ, trong đó áp lệnh trừng phạt đối với 2 cơ quan tình báo, trục xuất 35 nhà ngoại giao Nga và đóng cửa 2 cơ sở của Nga ở Mỹ. Moscow nhanh chóng cho rằng đó hoàn toàn là những điều “vô căn cứ”, đồng thời tuyên bố sẽ trả đũa.
Khó có thể nói trước điều gì, nhưng có những chỉ dấu cho thấy quan hệ Nga-Mỹ dưới thời Tổng thống đắc cử Donald Trump có thể sẽ khởi sắc. Tỷ phú Trump, người từng thể hiện sự ngưỡng mộ với tài năng lãnh đạo của Tổng thống Putin, đã bổ nhiệm ông Rex Tillerson - người có quan hệ thân thiết với Tổng thống Putin và là chủ tịch kiêm giám đốc điều hành Exxon Mobil - làm Ngoại trưởng Mỹ; trong khi theo AP, với mong muốn đưa nước Nga vĩ đại trở lại, Tổng thống Putin có thể sẽ cần trợ giúp từ ông Trump.
“Giai đoạn 2012-2017 sẽ là nhiệm kỳ cuối của Tổng thống Putin và hy vọng ông sẽ có những chính sách cũng như quan điểm thận trọng, quan hệ Mỹ - Nga vì thế có hy vọng không ồn ào”, Stratfor viết.
Tuệ An
Tổng hợp