1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

NATO tin vào mối đe dọa Nga: Bạo tay chi tiền

Thành viên NATO vẫn lo sợ Nga, quyết định tăng chi tiêu quốc phòng để duy trì liên minh đề vừa phòng thủ, vừa đối thoại với Nga.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hôm 14/2 phát biểu trước thềm Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng NATO, nhấn mạnh tới cơ hội tái cam kết quan hệ đồng minh giữa các thành viên với Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump.

Theo ông Jens Stoltenberg, ưu tiên hàng đầu đối với liên minh quân sự này là tăng chi tiêu quốc phòng. Ông nhấn mạnh, các quốc gia NATO đang cố gắng chấm dứt tình trạng cắt giảm ngân sách kéo dài nhiều năm qua.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg

“Chi tiêu quốc phòng của các thành viên châu Âu thuộc NATO và Canada trong năm 2016 đã tăng khoảng 3,8%, tương đương khoảng 10 tỷ USD so với năm 2015. Điều này đang tạo nên sự khác biệt và chúng ta phải tiếp tục giữ được đà này”, ông Stoltenberg nói.

Thực tế không có nước thành viên NATO nào ở châu Âu muốn đánh mất sự bảo vệ của Mỹ - quốc gia góp chi tiêu quân sự nhiều nhất cho khối, chiếm khoảng 70%. Theo ước tính của NATO, trong năm 2016, Mỹ chi tiêu quốc phòng nhiều hơn tất cả các nước NATO khác hợp lại.

Lời khẳng định của ông Stoltenberg được đưa ra sau khi những lo ngại nổi lên trong nội bộ các nước thành viên NATO gần đây về tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể không bảo vệ đồng minh nếu họ từ chối chia sẻ gánh nặng tài chính.

Mối lo ngại về an ninh trước các thách thức về khủng bố càng khiến việc tăng chi tiêu quân sự trong châu Âu là cần thiết.

Đức - một đồng minh quan trọng của Mỹ ở châu Âu - cho rằng, chia sẻ gánh nặng với Mỹ là cách để các nước thành viên NATO kiểm soát khủng hoảng. Bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula Von Der Leyen nhấn mạnh: “Lời kêu gọi của Mỹ tới Đức và châu Âu chia sẻ gánh nặng là một yêu cầu chính đáng. Nếu chúng ta muốn kiểm soát các cuộc khủng hoảng mà thế giới đang phải đối mặt như khủng bố hay đảm bảo năng lực quốc phòng của liên minh, chúng ta phải chia sẻ cùng nhau”.

Bên cạnh đó, nỗi lo về sự "xâm lược" của Nga thực sự đã khiến các quốc gia NATO thay đổi cách tiếp cận đối với liên minh quân sự này và cách hành xử với Nga.

Tổng thư ký NATO cũng khẳng định về sự thống nhất trong phương pháp tiếp cận giữa Mỹ và NATO đối với Nga.

Liên quan đến Nga, trong cuộc điện đàm của tôi với Tổng thống, Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, tôi đã nhận được tín hiệu rằng, họ hoàn toàn ủng hộ cách tiếp cận song song: phòng thủ và đối thoại, thay vì chỉ lựa chọn một trong hai phương án" - ông Jens Stoltenberg tuyên bố.

Quan điểm này đã được Tổng thống Mỹ Donald Trump và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng James Mattis cũng như Ngoại trưởng Rex Tillerson đảm bảo thông qua.

Chương trình nghị sự của hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng NATO lần này dự kiến tiếp tục được đưa ra bàn thảo tại Hội nghị thượng đỉnh NATO diễn ra tại Brussels vào tháng 5 tới, với sự tham dự của Tổng thống Donald Trump.

Việc NATO quyết định tiếp cận với Nga vừa phòng thủ vừa đối thoại trong bối cảnh NATO tăng cường tập trận, Nga càng mạnh mẽ đáp trả.

Nga ban hành cảnh báo nghiêm khắc với NATO "sẵn sàng đương đầu thách thức" sau cuộc tập trận Hải quân chung PASSEX 2017 giữa Canada, Tây Ban Nha, Romania và Bulgaria ở Biển Đen.

Một con tàu neo đậu tại Bulgaria chuẩn bị cho cuộc tập trận.
Một con tàu neo đậu tại Bulgaria chuẩn bị cho cuộc tập trận.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã tuyên bố thẳng thắn: "Chúng tôi theo sát diễn biến và hy vọng rằng cuộc tập trận sẽ được tiến hành trong môi trường an toàn nhất có thể, không gây thách thức với Nga. Trong mọi trường hợp, chúng tôi sẵn sàng đương đầu thách thức".

Cuộc tập trận của 4 nước thành viên NATO bao gồm 16 tàu chiến và 10 chiến đấu cơ ở phía đông Biển Đen, giáp biên giới Nga.

Theo báo cáo của Bộ Quốc phòng Bulgaria được tờ Express trích dẫn, cuộc tập trận bao gồm "điều động chiến thuật, phòng không, đẩy lùi các cuộc tấn công không đối xứng của kẻ thù trên mặt nước, vận chuyển hàng hóa bằng trực thăng và các thao tác khác".

Hai tàu khu trục, St. John's của Hải quân Canada và Almirante Juan de Borbón của Hải quân Tây Ban Nha, cùng một tàu tuần dương của Romania và tàu hộ tống của Bulgaria, đã cập cảng Varna của Bulgaria.

Hải quân Canada và Tây Ban Nha cũng đã tham gia vào một cuộc tập trận riêng rẽ khác mang tên Sea Shield 2017 do Romania dẫn đầu ở Biển Đen từ ngày 1-10/2.

Clip NATO tập trận sát nách Nga hồi cuối năm 2016:

Theo Ngọc Dương

Đất Việt