1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

NATO lo ngại Nga, để mắt Trung Quốc

NATO đánh giá cần hợp tác với các cường quốc quân sự đang mở rộng ảnh hưởng như Trung Quốc, Ấn Độ, Úc, Nhật, Hàn Quốc để kiềm chế các rủi ro từ Nga và Triều Tiên.

Sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc và sự trỗi dậy của Nga là hai thách thức lớn của khối quân sự Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong những năm tới. Bên cạnh đó, Triều Tiên và các tổ chức khủng bố cũng là mối lo lâu dài của NATO.

Lo ngại về Nga

Đó là những ghi nhận trong báo cáo mới nhất của Globsec, một tổ chức phi chính phủ thuộc NATO có trụ sở ở Slovakia. NATO ngưng quan hệ và có thái độ cứng rắn với Nga sau khi nước này sáp nhập bán đảo Crimea từ Ukraine năm 2014. Từ sau sự kiện này, hai bên có nhiều động thái huy động sức mạnh quân sự, gia cố biên giới đặc biệt ở vùng Baltic và Đông Âu.

Không chỉ dè chừng nhau ở châu Âu, Nga còn mở rộng sức mạnh quân sự ở nhiều khu vực mà trước nay NATO thường chiếm ưu thế, đặc biệt ở Trung Đông. Các chiến thắng cả về quân sự và ngoại giao ở Syria mang lại cho Nga ưu thế lớn ở khu vực, không chỉ thế còn giúp tăng ảnh hưởng của Nga ở Cuba, Iran, Triều Tiên.

Nói với Reuters, tướng Denis Mercier, Tư lệnh không quân Pháp và là Tư lệnh quân đội liên minh tối cao NATO (SACT), nhận định báo cáo này có nhiều điều lo ngại hơn báo cáo năm 2013. Globsec xác định 20 xu hướng toàn cầu có khả năng ảnh hưởng đến NATO trong thời gian này đến năm 2035. Báo cáo cũng thừa nhận NATO chưa sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh trong tương lai.


Nữ sĩ quan hải quân Trung Quốc vẫy tay chào đồng nghiệp phía Nga sau cuộc tập trận chung tại biển Baltic tháng 7 vừa qua. Ảnh: REUTERS

Nữ sĩ quan hải quân Trung Quốc vẫy tay chào đồng nghiệp phía Nga sau cuộc tập trận chung tại biển Baltic tháng 7 vừa qua. Ảnh: REUTERS

Để mắt hợp tác Trung Quốc

Globsec đưa ra một danh sách dài bước đi, đề nghị các lãnh đạo NATO thực hiện kể từ lần kỷ niệm thành lập thứ 70 năm 2019. Trong đó cần thiết phải hợp tác xây dựng quan hệ với các sức mạnh quân sự đứng liền sau Mỹ, Nga và đang mở rộng ảnh hưởng như Trung Quốc, Ấn Độ, Úc, Nhật, Hàn Quốc nếu muốn kiềm chế các mối đe dọa ngày càng tăng từ phía Nga và Triều Tiên.

Trao đổi với Politico, lãnh đạo ban soạn thảo báo cáo, cựu chỉ huy Lực lượng Hỗ trợ an ninh quốc tế NATO (ISAF) - tướng John R. Allen thừa nhận khối quân sự này không thể đối phó với Nga mà không có sự giúp sức của một đối thủ cạnh tranh hàng đầu khác là Trung Quốc. Tuy nhiên theo Globsec, việc tìm kiếm hợp tác từ Trung Quốc sẽ không dễ dàng, đặc biệt khi Nga nhiều năm nay đã bỏ nhiều công sức thắt chặt quan hệ với nước láng giềng quan trọng này.

Mới đây, hai cường quốc quân sự này cũng đã tổ chức tập trận hải quân chung trên vùng biển Baltic, vốn là một điểm nóng thường xuyên “giáp mặt” giữa lực lượng quân sự Nga và NATO những năm qua.

Một số báo cáo khác gần đây cũng cho thấy nhiều điểm yếu của NATO và sự cấp thiết phải cải cách liên minh quân sự này. Báo cáo Phân tích tầm nhìn chiến lược của Hội đồng Atlantic thuộc NATO công bố tuần trước cho rằng: “Sức mạnh quân sự đang chuyển từ phương Tây sang châu Á, khả năng gây ảnh hưởng lên các vấn đề toàn cầu của phương Tây sẽ giảm dần”. Tháng trước, một báo cáo nội bộ NATO bị rò rỉ cho rằng năng lực của NATO đã bị “hao mòn” từ sau Chiến tranh lạnh và cấu trúc chỉ huy hiện tại sẽ “sụp đổ nhanh chóng” nếu Nga thực hiện một cuộc chiến tranh toàn diện.

_______________________

“Nếu muốn ngăn chặn một cuộc chiến tranh trong tương lai, NATO phải đảm bảo có đủ khả năng chiến đấu. NATO cũng phải có các công cụ chính trị và các đối tác để củng cố năng lực quân sự của mình” - trích báo cáo của Globsec (thuộc NATO)