1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mỹ điều vũ khí hiện đại tới châu Âu và hệ lụy khó lường

Châu Âu đang nóng lên từng ngày bởi lệnh lập sở chỉ huy tiền phương, điều động hàng nghìn binh lính, xe tăng, vũ khí, máy bay chiến đấu của Mỹ tới Đông Âu. Câu hỏi đang được đặt ra: Tại sao thời điểm này Mỹ và NATO lại “chăm sóc” biên giới châu Âu-Nga kỹ đến như vậy?

"Phòng tuyến thứ nhất"

Để chuẩn bị cho chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Donald Trump đến châu Âu, mà theo kế hoạch ông sẽ đến Roma ngày 24-5, tham dự Hội nghị Thượng đỉnh NATO ngày 25-5 và tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 tại Taormia (Italy) ngày 26 và 27-5, Lầu Năm Góc đã đệ trình bản kế hoạch chiến lược của Mỹ đối với châu Âu.

Người hoạch định ra kế hoạch này chính là Tướng Curtis Scaparrotti, Tư lệnh Bộ Chỉ huy châu Âu của Mỹ và là Tư lệnh tối cao của NATO.

Phát biểu tại Thượng viện Mỹ ngày 2-5, Tướng Curtis Scaparrotti tuyên bố rằng: “Châu Âu vẫn luôn giữ tầm quan trọng mang tính sống còn đối với lợi ích quốc gia của Mỹ”. Trong quan hệ với NATO, ông Curtis Scaparrotti nhấn mạnh: “NATO tạo cho nước Mỹ một lợi thế so với đối thủ”.

Để biến lợi thế ấy thành sức mạng lấn át “đối thủ”, trên thực tế, phương Tây đang tập trung “hỏa lực” rất mạnh trong những tháng gần đây nhằm vào các khu vực giáp biên giới với Nga. Tướng Curtis Scaparrotti đã yêu cầu Quốc hội Mỹ tăng ngân sách dành cho “Sáng kiến củng cố an ninh châu Âu”, một chiến dịch do Mỹ chính thức phát động vào năm 2014 nhằm trấn an các nước châu Âu là thành viên của NATO. Theo đề xuất này, 3,4 tỷ USD đã được bổ sung cho năm 2017.

Mỹ điều vũ khí hiện đại tới châu Âu và hệ lụy khó lường - 1

Richard Clark, một sĩ quan chỉ huy của Không quân Mỹ phát biểu khi máy bay F-35 tới căn cứ không quân Graf Ignatievo ở Bulgaria. Ảnh: AF.mil

Ông Curtis Scaparrotti cũng nhấn mạnh: Những khoản đầu tư đáng kể là cần thiết để tăng cường ở khắp châu Âu sự hiện diện của quân Mỹ, chuẩn bị lắp đặt các thiết bị, vũ khí, khí tài quân sự, các cuộc diễn tập nhằm chuẩn bị cho các cuộc xung đột. Kế hoạch này là rõ ràng và trên thực tế đã đi vào hành động nhằm biến châu Âu thành phòng tuyến thứ nhất.

Đây là điều đã được khẳng định trong một tuyên bố của Washington ngày 4-5 rằng, quân đội Mỹ tại châu Âu đã thành lập một tổng hành dinh mới tại Pozzlan (Ba Lan) để chỉ huy hơn 6.000 quân Mỹ đang đồn trú tại Ba Lan, Estonia, Latvia, Litva, Đức, Slovakia, Hungary, Romania và Bulgaria nhằm mục đích tăng cường cho sườn phía Đông của NATO.

Ở sườn phía Đông của NATO, Mỹ đã triển khai các lực lượng tăng thiết giáp, máy bay tiêm kích-ném bom, các loại tàu chiến và các đơn vị tên lửa, trong đó có cả tên lửa mang đầu đạn hạt nhân.

Trang mạng mondialisation.ca ngày 5-5 cho biết, bốn máy bay tiêm kích F-35 của Mỹ cuối tháng 4-2017 đã tới căn cứ quân sự Amaria của Estonia và căn cứ không quân Graf Ignatievo ở Bulgaria.

Theo thông báo của phía Mỹ, Mỹ triển khai máy bay tiêm kích F-35 thế hệ mới tại các nước Đông Âu là nhằm tham gia chương trình huấn luyện tại châu Âu, hay nói đúng hơn là Mỹ lần đầu tiên điều F-35 tham gia cuộc tập trận tại châu Âu. Một sĩ quan cấp cao của Lực lượng không quân Mỹ cho biết, đây là lần đầu tiên Washington triển khai nhiệm vụ huấn luyện, tập trận bằng máy bay F-35 bên ngoài lãnh thổ Mỹ.

Việc Mỹ triển khai các máy bay hiện đại nhất tới căn cứ không quân Amaria - nằm cách lãnh thổ Nga 200km và cách khu vực Kaliningrad của Nga 400km, căn cứ không quân Graf Ignatievo của Bulgaria cũng chỉ cách lãnh thổ Nga hơn 500km, cho thấy tầm quan trọng và ý đồ của Mỹ và NATO khi muốn “giám sát bầu trời” của NATO ở khu vực Baltic cũng như nước Nga.

Hệ lụy khó lường

Trong mấy tháng gần đây, việc Mỹ và NATO ráo riết tăng cường lực lượng quân sự ở châu Âu theo hai hướng: Triển khai thêm lực lượng và gia tăng tần suất, quy mô các cuộc tập trận diễn ra sát biên giới Nga, đã và đang tiềm ẩn những hệ lụy khó lường.

Các nhà phân tích cho rằng, với việc tăng cường lực lượng, gia tăng các cuộc tập trận ngày càng lớn của Mỹ và NATO tại châu Âu, với mục tiêu mà các nhà chức trách quân sự Mỹ đưa ra là ngăn chặn sự gia tăng ảnh hưởng của Nga ở khu vực này, đã đẩy tình hình nơi đây vốn đã nóng lại càng nóng hơn, thậm chí có thể dẫn tới cuộc chạy đua vũ trang mới ở khu vực.

Việc Mỹ gia tăng điều động máy bay chiến đấu tới châu Âu chắc chắn sẽ làm trầm trọng thêm mối quan hệ giữa Nga và Mỹ. Trong một tuyên bố mới đây, Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh, việc Mỹ và NATO triển khai các vũ khí hạng nặng ở Đông Âu là hành động khiêu khích, một động thái làm gia tăng sự đối đầu giữa hai bên.

“Hành động của Mỹ và NATO sẽ dẫn đến việc phá vỡ hoàn toàn điều khoản chính yếu của Hiệp ước cơ sở Nga-NATO ký năm 1997, theo đó, khối này cam kết không bố trí thường xuyên các lực lượng lớn trên lãnh thổ các quốc gia Đông Âu”, Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố.

Tổng thống Nga V.Putin cũng nhấn mạnh, nước Nga đã, đang chuẩn bị tăng cường lực lượng quốc phòng trên nhiều hướng để không bị bất ngờ.

Theo đó, hoạt động chuẩn bị của nước Nga được triển khai trên nhiều hướng như điều chỉnh học thuyết quân sự theo hướng sẵn sàng sử dụng tất cả các loại vũ khí, kể cả vũ khí hạt nhân trong trường hợp bị tấn công xâm lược; triển khai chương trình hiện đại hóa quân đội, theo đó các lực lượng vũ trang của Nga được trang bị các loại vũ khí hiện đại nhất; nghiên cứu phát triển các loại vũ khí hạt nhân chiến lược mới, hoàn toàn có khả năng vượt qua mọi lá chắn tên lửa của đối phương, sẵn sàng thực hiện đòn tấn công đáp trả một khi bị tấn công hạt nhân phủ đầu; thực hiện các cuộc diễn tập quân sự ở mọi cấp độ chiến lược, chiến dịch và chiến thuật, đồng thời bố trí lại thế trận và lực lượng trên toàn lãnh thổ...

Theo Nguyễn Hòa

Quân đội nhân dân