1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Lý Quang Diệu và hồi ký về sự vươn lên của Singapore thành “Con Rồng châu Á”

(Dân trí) - Trong cuốn hồi ký “Từ thế giới thứ ba vươn lên thứ nhất”, cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu đã giải thích cách chính phủ của ông bắt đầu quá trình gian khổ xây dựng đất nước: xây dựng hệ thống đường sá và cơ sở hạ tầng cơ bản từ một vùng đất chủ yếu là đầm lầy, xây dựng quân đội, loại bỏ tham nhũng, cung cấp hệ thống nhà ở xã hội…


Cuốn sách Hồi ký của Lý Quang Diệu

Cuốn sách Hồi ký của Lý Quang Diệu

Nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long và Phu nhân và kỷ niệm 2 năm ngày mất của ông Lý Quang Diệu, bộ sách “Hồi ký Lý Quang Diệu” đã được ra mắt tại Hà Nội vào chiều ngày 23/3.

Sau khi lãnh đạo đất nước Singapore ở cương vị thủ tướng trong vòng 3 thập niên, năm 1990, ông Lý Quang Diệu lui về làm cố vấn và dành nhiều tâm sức thu thập tài liệu để viết bộ hồi ký nhìn lại toàn bộ cuộc đời ông.

Ông Lý Quang Diệu đã viết bộ hồi ký dài 2 tập: tập 1 - “Câu chuyện Singapore” - trình bày quan điểm của ông về lịch sử Singapore cho đến khi tách khỏi Malaysia vào năm 1965 và tập 2 - "Từ thế giới thứ ba vươn lên thế giới thứ nhất” - thuật lại sự chuyển đổi của Singapore để trở mình từ đất nước nghèo khổ thành một “Con Rồng châu Á”.

“Câu chuyện Singapore” được bắt đầu viết từ năm 1994 và xuất bản lần đầu tiên năm 1998, kể lại những ký ức của một chàng sinh viên giỏi đến những tháng ngày du học trên đất Anh, từ câu chuyện tình yêu cảm động của ông với vợ, đến những hoài bão, những mối quan hệ, từng bước thâm nhập chính trường, học cách đối nhân xử thế…

Những bước đi “bươn chải” của một nhà lãnh đạo năng động được miêu tả trong cuốn sách cũng giúp người đọc có thêm một góc nhìn về tình hình thế giới thời Chiến tranh Lạnh, phong trào không liên kết, Mỹ, Anh, Nga, Trung Quốc và các cường quốc khác, về Liên minh châu Âu thời kỳ hình thành, Khối Thịnh vượng chung và những liên minh, hiệp ước khác.

Trong cuốn hồi ký tập 2 mang tên “Từ thế giới thứ ba vươn lên thế giới thứ nhất”, ông Lý Quang Diệu viết: “Nếu Singapore là một đứa trẻ, tôi tự hào vì đã chăm sóc và nuôi dưỡng đứa trẻ ấy”.

Ông Lý Quang Diệu đã kể về sự chuyển mình lớn lao của Singapore thành “Con Rồng châu Á” một cách đầy lôi cuốn, và cũng gây tranh cãi. Từ một đất nước nhỏ bé từng là thuộc địa của Vương quốc Anh, Singapore đã vươn mình trở thành quốc gia hiện đại ở châu Á, sở hữu hãng hàng không lớn nhất thế giới, sân bay lớn, cảng thương mại đông đúc và mức bình quân thu nhập đầu người cao thứ 4 thế giới.

Trong hồi ký, ông đã giải thích cách ông và các thành viên chính phủ dập tắt mối đe dọa từ bên ngoài tới an ninh của đất nước Singapore non trẻ và bắt đầu quá trình gian khổ để xây dựng đất nước: xây dựng hệ thống đường sá cơ sở hạ tầng cơ bản từ một vùng đất chủ yếu là đầm lầy, xây dựng quân đội từ dân số nhỏ bé, loại bỏ vấn đề tham nhũng, cung cấp hệ thống nhà ở xã hội, thành lập hãng hàng không và sân bay quốc gia.

Ông cũng viết một cách thẳng thắn về các đối thủ chính trị, miêu tả chân dung đối khi khắc nghiệt về các lãnh đạo thế giới. Ông còn vén bức màn bí mật về gia đình, về người vợ và 3 người con mà ông rất tự hào.

Lý Quang Diệu từng đưa ra những nhận xét thẳng thắn về Việt Nam


Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Đặng Đình Quý phát biểu tại lễ ra mắt hồi ký của Lý Quang Diệu

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Đặng Đình Quý phát biểu tại lễ ra mắt hồi ký của Lý Quang Diệu

Tham dự buổi ra mắt “Hồi ký của Lý Quang Diệu” có Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Đặng Đình Quý; Cố vấn quốc hội cấp cao của Bộ trưởng Văn hóa, Cộng đồng và Thanh niên Singapore Baey Yang Keng; Đại sứ Việt Nam tại Singapore Catherine Wong Siow Ping.

Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Đặng Đình Quý cho biết nhiều nhà lãnh đạo của Việt Nam, từ nguyên Tổng Bí Thư Đỗ Mười, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, tới các nhà lãnh đạo khác sau này đều coi ông Lý Quang Diệu là người bạn chân thành của bản thân các vị lãnh đạo đó và của nhân dân Việt Nam nói chung. “Trong tất cả các cuộc tiếp xúc với lãnh đạo Việt Nam, ông Lý Quang Diệu đều đưa ra những nhận xét thẳng thắn, và đến bây giờ đọc lại những lời góp ý đó vẫn thấy giật mình”, ông Quý nói.

Thứ trưởng Đặng Đình Quý cho biết thêm, cuốn sách “Quan điểm của một con người về thế giới” của ông Lý Quang Diệu cũng có khoảng 5 trang viết về Việt Nam, trong đó có những nhận xét thẳng thắn về các thế hệ lãnh đạo và tương lai của Việt Nam. Những lời khuyên chân thành đó đã được các thế hệ lãnh đạo của Việt Nam lắng nghe một cách rất cầu thị.

“Trong cuốn sách này cũng như các cuốn sách khác, tôi nghĩ ông Lý Quang Diệu có rất nhiều đánh giá thẳng thắn, khách quan về đất nước và con người Việt Nam, nhất là các đặc tính tốt đẹp của dân tộc Việt Nam cũng như văn hóa Việt Nam. Và giờ đây, sau 20 năm nhìn lại, nhiều lời khuyên của ông đã trở thành hiện thực”, Thứ trưởng nói.

Theo Thứ trưởng Đặng Đình Quý, một quyển sách hay có giá trị như một người thầy hay chìa khóa giúp mở cửa sổ về tư duy. Bộ hồi ký là cách nhìn đa chiều, bao gồm những ký ức đáng tự hào và những chiêm nghiệm của của bản thân ông Lý Quang Diệu trong quá trình trải nghiệm, lãnh đạo và dẫn dắt Singapore từ một nước thuộc thế giới thứ ba lên thế giới thứ nhất. Bộ hồi ký cũng thấm đẫm tính văn hóa và lịch sử của bản thân Singapore trải qua nhiều biến cố của chính nước này và khu vực.

“Tôi cho rằng cuốn hồi ký này cũng như những cuốn sách khác của ông Lý Quang Diệu là món quà văn hóa tinh thần đáng trân trọng, hữu ích đối với bạn đọc Việt Nam từ các góc độ khác nhau. Các nhà lãnh đạo đất nước có thể tìm thấy những bài học bổ ích để điều hành đất nước, và các bạn trẻ có tinh thần khởi nghiệp nhìn ra thế giới có thể tìm thấy trong đó sự quyết tâm, nghị lực, tầm nhìn để học tập, noi gương”.

Bộ hồi ký gồm 2 tập " Câu chuyện Singapore" và "Từ thế giới thứ ba vươn lên thế giới thứ nhất” sẽ được phát hành rộng rãi vào tháng 4 tới.

An Bình