Lệnh cấm vận từ phương Tây cản bước phát triển của Hải quân Nga
(Dân trí) - Tổng thống Vladimir Putin trong chuyến thăm Kaliningrad mới đây đã có bài phát biểu nhấn mạnh tham vọng hiện đại hoá lực lượng Hải quân Nga. Tuy nhiên, tham vọng này đang vấp phải hàng loạt các rào cản đến từ lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ và châu Âu do cuộc khủng hoảng tại Ukraine.
Lệnh cấm vận của Nga đã "đóng băng" hoạt động nhập khẩu của Nga đối với các phụ tùng thiết yếu dùng cho tàu chiến, đồng thời sự suy thoái kinh tế do tác động của lệnh cấm cũng ảnh hưởng không nhỏ tới ngân sách quốc gia, gián tiếp ảnh hưởng đến quá trình hiện đại hoá các lực lượng vũ trang.
Tham vọng
Hải quân là lực lượng được ưu ái đầu tư hàng đầu trong các lực lượng vũ trang của Nga với ngân sách được phân bổ lên tới khoảng 340 tỉ USD trong vòng 10 năm từ 2010 tới 2020 nhằm mục tiêu hiện đại hoá 70% lực lượng.
Các dự án vẫn được tiếp tục để xây dựng lực lượng tàu ngầm trang bị tên lửa hạt nhân và tên lửa đạn đạo, thêm vào đó là các hợp đồng đang trong giai đoạn thương thảo để đóng thêm vài lớp tàu hộ tống trang bị tên lửa dẫn đường và tàu chiến cỡ nhỏ mới. Ngoài ra, còn phải kể đến các kế hoạch hiện đại hoá hạm đội tàu tuần tiễu già cỗi và đóng mới các tàu khu trục để kịp chuyển giao cho Hải quân trong giai đoạn 2020, ông Dmitry Gorenburg, một nhà phân tích hải quân của tổ chức nghiên cứu CNA Corp cho biết.
Với việc tập trung vào các loại tên lửa dẫn đường, có thể thấy chiến lược chủ đạo của Nga trong ngắn hạn là ngăn chặn và phòng thủ lãnh thổ nhằm đối chọi với “năng lực biển xanh” trứ danh của Hải quân Mỹ.
Nói về chiến lược này, ông Gorenburg giải thích:“Có thể chưa hẳn bạn đã giỏi nhất trên chiến trường, nhưng ít nhất bạn có thể doạ dẫm được các nước láng giềng và rất nhiều thành viên NATO khác”.
Có một thực tế phải thừa nhận là kể cả khi tất cả các dự án trên được triển khai thành công, Hải quân Nga hiện nay vẫn chỉ là cái bóng so với những bậc tiền bối thời Xô Viết, khi đó vẫn thường xuyên duy trì trung bình 50 tàu chiến và tàu phụ trợ ở khu vực Địa Trung Hải trong giai đoạn 1970-1980.
Những yếu tố cản trở và hậu quả
Những căng thẳng gần đây với phương Tây là một vấn đề đáng lưu tâm. Các chi tiết thiết yếu như chip điều khiển của phương Tây hiện đã bị cấm bán cho các nhà máy đóng tàu của Nga. Vấn đề trong việc nhập khẩu các tua bin khí từ Đức làm dấy lên nghi ngờ về khả năng chế tạo thành công các thế hệ tàu hộ tống Gremyashchy mới. Tương tự, việc Ukraine dừng sản xuất tua bin khí cho hai dự án đóng tàu khu trục lớp Admiral Grigorovich và lớp Admiral Gorshkov cũng đã đóng băng các dự án này.
Những sự chậm trễ này đã gây hậu quả sâu rộng trong lực lượng. Chỉ hai trong số 8 tàu khu trục thuộc lớp Admiral Gorshkov nhận được tua bin, làm hoãn vô thời hạn thời điểm bàn giao cho các hạm đội Phương Bắc và Thái Bình Dương. 6 tàu lớp Admiral Grigorovich đang trong quá trình đàm phán hợp đồng đáng lẽ sẽ được dùng để nâng cấp hạm đội Biển Đen, vốn sở hữu những chiến hạm già nua nhất của Hải quân Nga, nhưng tới nay chỉ 3 trong số đó là được đảm bảo về nguồn cung tuabin.Cần nói thêm rằng mỗi hạm đội nói trên đều là đơn vị chủ lực của lực lượng Nga ở vùng Địa Trung Hải.
Theo Nick Childs, chuyên gia thuộc Viện phân tích chiến lược London, “hậu quả toàn diện của sự kiện Crimea đã làm phân rã khả năng của Nga trong việc vươn tầm ảnh hưởng ra phía Tây Địa Trung Hải”.
Để khắc phục, Mátxcơva cho hay họ sẽ thay thế các linh kiện thiếu hụt bằng các sản phẩm nội địa, và nước Nga rất hào hứng với tham vọng mở rộng nhanh chóng ngành công nghiệp quốc phòng trong nước. Thế nhưng kể cả trong trường hợp thuận lợi thì kế hoạch này cũng sẽ mất vài năm.
Một trở ngại khác là Nga đang phải đối mặt với thách thức tài chính vốn đang lan rộng ở trong nước. Với tình trạng giá dầu, mặt hàng xuất khẩu chính và cũng là nguồn lợi nhuận chủ yếu của Nga, cứ giảm dần đều đã đẩy đất nước vào cơn suy thoái và làm cho giá đồng rúp xuống thấp kỷ lục. Ngân hàng Thế giới dự đoán GDP của Nga năm nay chỉ đạt 2,7% trước khi hồi phục trở lại vào năm 2016.
Theo ông Gorenburg, thiếu hụt ngân sách dường như là lý do cho sự chậm trễ của dự án tàu ngầm hạt nhân lớp Yasen, loại tàu làm "mê mẩn" cả các nhà sản xuất Mỹ khi nó được đưa vào sử dụng năm 2014. Theo kế hoạch, đến năm 2020 sẽ có 8 chiếc được hạ thuỷ, nhưng cho tới nay chỉ có khoảng 2 hoặc 3 chiếc là được thực hiện đúng tiến độ.
Mặc cho những chậm trễ hay thiếu hụt vật tư, Hải quân Nga vẫn một thế lực trong khu vực và thừa sức tuần tra trong vùng lãnh hải mênh mông trải dài qua hai lục địa và 3 đại dương của thế giới.
“Không giống như Hải quân Mỹ, Nga sẽ không diễu binh trên khắp các đại dương ở thời điểm này. Nhưng sự thực họ có thể giám sát vùng biển của hầu hết các nước láng giềng châu Âu và cả Thái Bình Dương đã là quá đủ rồi”, ông Gorenburg kết luận.
Khánh Trần
Theo military.com