1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Indonesia gây tranh cãi vì bổ nhiệm nữ ca sĩ 27 tuổi làm phát ngôn viên G20

Đức Hoàng

(Dân trí) - Indonesia, quốc gia hiện làm chủ tịch luân phiên nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới - G20, gây tranh cãi vì chọn một nữ ca sĩ, diễn viên 27 tuổi không có kinh nghiệm chính trị làm phát ngôn viên.

Indonesia gây tranh cãi vì bổ nhiệm nữ ca sĩ 27 tuổi làm phát ngôn viên G20 - 1

Cô Maudya là một ca sĩ, diễn viên nổi tiếng (Ảnh: Kasus).

Bloomberg đưa tin, quyết định của Indonesia khi bổ nhiệm phát ngôn viên cho năm chủ tịch của nước này tại G20 đang gây ra tranh cãi.

Cụ thể, cô Ayunda Faza Maudya, một nữ ca sĩ và diễn viên 27 tuổi nổi tiếng, đã được chọn vào vị trí nói trên.

Cô Ayunda, người không có kinh nghiệm về lĩnh vực chính trị và kinh tế, nhận nhiệm vụ phát ngôn viên vào ngày 31/3. Việc cô được bổ nhiệm diễn ra trong bối cảnh G20 đang xuất hiện những tranh cãi về việc sự kiện năm nay liệu có tẩy chay Nga hay không sau khi Moscow mở chiến dịch quân sự ở Ukraine hôm 24/2.

Trong cuộc họp báo đầu tiên, cô Ayunda đã phớt lờ những câu hỏi liên quan tới sự tham gia của Tổng thống Nga Vladimir Putin trong sự kiện G20 vào năm mà Indonessia làm chủ tịch luân phiên.

Nhiệm vụ của cô là báo cáo kết quả cuộc họp G20 có liên quan đến Indonesia trong khi các vấn đề nhạy cảm sẽ do các đại diện khác xử lý, cô Ayunda nói với Bloomberg.

Dedy Permadi, phát ngôn viên của Bộ Truyền thông Indonesia cho biết, cô Ayunda được chọn vì cô có thể tiếp cận công chúng rộng rãi hơn nhờ sức ảnh hưởng lớn, đặc biệt là với giới trẻ.

Những tranh cãi

Indonesia gây tranh cãi vì bổ nhiệm nữ ca sĩ 27 tuổi làm phát ngôn viên G20 - 2

Cô Ayunda trong một buổi họp báo (Ảnh: Kompass).

Các nhà phân tích cho rằng, động thái của chính quyền Tổng thống Joko Widodo là nhằm thu hút nhóm dân số trẻ tuổi của quốc gia này. Trước đó, ông Widodo đã bổ nhiệm vai trò chính trị cho nhiều người trẻ tuổi nổi tiếng, các nhà sáng lập công ty khởi nghiệp, con cái của các doanh nhân trong một nỗ lực nhằm khiến chính trị gần gũi với nhóm dân số trẻ. Indonesia, quốc gia 273 triệu dân, có hơn 50% dân số là người dưới 35 tuổi và tỷ lệ thất nghiệp trong nhóm 16-30 tuổi là khoảng 14% vào năm ngoái.

Chuyên gia Wasisto Raharjo Jati - một nhà nghiên cứu chính trị tại Viện Khoa học Indonesia cho rằng, việc bổ nhiệm cô Ayunda chỉ "mang tính tượng trưng" để xoa dịu những điều mà giới trẻ chưa hài lòng về việc làm và dịch vụ công.

Chuyên gia Irfan Wahyudi, phó chủ nhiệm khoa khoa học xã hội và chính trị của Đại học Airlangga, cho biết việc bổ nhiệm cô Ayunda hợp lý ở chỗ cô có trình độ học vấn ở nước ngoài và cũng là động thái của chính phủ nhằm tạo ra những hình mẫu cho những người trẻ tuổi.

Tuy nhiên, ông Wahyudi cho rằng, với G20, Indonesia cần một đại diện có thể thay mặt họ phát biểu về những vấn đề toàn cầu và cô Ayunda thiếu kiến thức và kinh nghiệm về lĩnh vực này.  

"Trong trường hợp này, việc bổ nhiệm người trẻ tuổi giống như một cách thức (thu hút giới trẻ), chứ không phải là động thái có tính chiến lược", ông nhận xét.

Trước đó, các nguồn tin nói rằng, Mỹ và phương Tây đang cân nhắc loại Nga khỏi G20 vì chiến sự ở Ukraine. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, nỗ lực như vậy có thể sẽ bị các thành viên khác theo đường lối trung lập về vấn đề Ukraine phủ quyết như Trung Quốc hay Ấn Độ. Vì vậy, kịch bản một số quốc gia tẩy chay G20 năm nay là có thể xảy ra và đây là bài toán khó cho Indonesia và yêu cầu họ phải xử lý khéo léo. Chính vì vậy, giới quan sát cho rằng, việc Indonesia bổ nhiệm cô Ayunda làm phát ngôn viên của sự kiện chính trị quan trọng như vậy là không phù hợp.

Theo SCMP