1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

"Đường lưỡi bò" trên Biển Đông: Không thể dựa trên học thuyết quyền lịch sử

(Dân trí) - Đường lưỡi bò của Trung Quốc không thể dựa trên học thuyết quyền lịch sử và vì vậy Trung Quốc cần phải làm rõ cơ sở pháp lý của đường lưỡi bò, theo Giáo sư Clive Symmons đến từ Trường Luật, Đại học Trinity, Ireland.

Giáo sư Clive Symmons đã trình bày bài tham luận của mình về có nhan đề "Các quyền và Quyền tài phán đối với Tài nguyên và Nghĩa vụ của các Quốc gia ven biển: Hiệu lực của các Tuyên bố về Quyền lịch sử" tại Hội thảo Khoa học Quốc tế lần thứ 5 về Biển Đông tại Hà Nội ngày 11/11.

Giáo sư Clive Symmons (Ảnh Nam Hằng).

Giáo sư Clive Symmons (Ảnh Nam Hằng).

Trao đổi với báo giới trong khuôn khổ cuộc hội thảo, Giáo sư Symmons cho biết: “Ban đầu Trung Quốc giới hạn quyền lịch sử với quyền đánh cá và sau đó, Trung Quốc đã thay đổi yêu sách với cả tài nguyên ở đáy biển”.

Giáo sư cho rằng, yêu sách về quyền lịch sử của Trung Quốc trên Biển Đông còn rất mập mờ và đây là những yêu sách tiêu cực có ảnh hưởng đến quá trình giải quyết tranh chấp.

"Học thuyết quyền lịch sử không có cơ sở trong luật quốc tế hiện đại. Đường lưỡi bò của Trung Quốc không thể dựa trên học thuyết quyền lịch sử và cho rằng Trung Quốc cần phải làm rõ cơ sở pháp lý của đường lưỡi bò", Giáo sư Symmons nói.

Tiến sĩ Ralf Emmers thuộc Trường nghiên cứu Quốc tế S.Rajaratnam, Singapore, cũng cho rằng, đường lưỡi bò cũng như yêu sách của Trung Quốc là vấn đề có liên quan đến luật pháp quốc tế. Không một quốc gia, cường quốc nào có thể áp dụng luật riêng của mình. Ông hy vọng rằng các cơ quan truyền thông có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc nhấn mạnh và truyền tải lời kêu gọi của giới học giả đối với Trung Quốc về trách nhiệm thực thi luật pháp quốc tế.

Trình bày bài tham luận của mình tại hội nghị, Tiến sĩ Nguyễn Đăng Thắng thuộc Hội Luật gia Việt Nam nêu quan điểm: cơ sở luật pháp quốc tế là yếu tố cần thiết để phát triển mô hình khai thác chung tại Biển Đông, trong đó, Trung Quốc cần làm rõ đề xuất khai thác chung cũng như yêu sách đường lưỡi bò.

Các bên trong tranh chấp tại Biển Đông nên nhờ một cơ quan thứ ba khách quan giúp giải thích quy chế pháp lý của đảo theo Công ước Luật biển áp dụng vào các đảo tại Biển Đông. Tuy nhiên, các học giả cho rằng quy định của luật pháp quốc tế điều chỉnh hành vi của các bên trong vùng biển tranh chấp vẫn chưa chưa đầy đủ, vì vậy, việc xây dựng một Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) là một yêu cầu cấp thiết để quản lý tranh chấp và phòng ngừa xung đột, theo Tiến sĩ Nguyễn Đăng Thắng.

Học giả Robert Beckman, Giám đốc Trung tâm Luật quốc tế, Đại học Quốc gia Sngapore nhấn mạnh tầm quan trọng của việc làm rõ các vùng biển tranh chấp tại Biển Đông. Vùng tranh chấp chỉ được xác định phù hợp với các quy định của Công ước Luật biển 1982 về xác định đường cơ sở và các vùng biển phải tạo ra từ lãnh thổ đất liền cũng như các đảo.

Đặc biệt, Giáo sư Donald Rothwell, Giáo sư Luật Quốc tế và Trưởng khoa tại trường Cao đẳng luật ANU, Đại học Quốc gia Úc, cho rằng việc ban hành văn bản pháp luật và thực thi quyền tài phán đang trở nên là xu hướng chủ đạo để các bên thực thi yêu sách ở Biển Đông.

Nhiều học giả đánh giá Biển Đông vẫn tiềm ẩn nguy cơ bất ổn, mặc dù trong năm 2013 tình hình đã có phần được cải thiện. Học giả Dong Manyan của Trung Quốc cho rằng trong năm 2013 Trung Quốc đã có nhiều nỗ lực ổn định quan hệ với các nước láng giềng, đã đạt thỏa thuận với Ấn Độ kiểm soát tốt hơn đường biên giới, đạt bước tiến tích cực trong hợp tác trên biển với Việt Nam, làm ấm quan hệ với ASEAN, và đã xây dựng Khuôn khổ đối tác nước lớn kiểu mới với Mỹ. Học giả Dong Manyan tin rằng các tranh chấp biên giới lãnh thổ trong khu vực sẽ dịu đi trong thời gian tới.

Trong bài phát biểu khai mạc hội thảo, Giáo sư Đặng Đình Quý, Giám đốc Học viện Ngoại giao, nhận định: Biển Đông trong 5 năm tới tiếp tục tiềm ẩn nhiều bất trắc, vẫn là một trong những khu vực tranh chấp phức tạp nhất thế giới và không loại trừ khả năng bùng nổ xung đột vũ trang.

Ngày hôm nay (12/11) hội thảo sẽ tiếp tục thảo luận các chủ đề: “Những diễn biến pháp lý gần đây và Biển Đông”, “Kinh nghiệm quốc tế và khu vực trong giải quyết tranh chấp biển”, “Đánh giá Tuyên bố Ứng xử của các Bên ở Biển Đông (DOC) và việc thực thi DOC”, “Quản lý căng thẳng và tương lai của Biển Đông” và “Khuyến nghị chính sách và thảo luận tự do”.

Nam Hằng