1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Điệp viên "hoàn hảo" trao kế hoạch tác chiến của Đức cho Liên Xô

Chernyak - điệp viên Liên Xô, đã xây một mạng lưới tình báo hiệu quả ngay bên trong nước Đức phát xít, “moi” được các kế hoạch tác chiến của Hitler.

Trang web RBTH của Nga mới đây tiết lộ câu chuyện về một điệp viên Xô viết, người thiết lập một mạng lưới gián điệp hiệu quả cao ở Đức và vào năm 1941 đã trao cho Moscow kế hoạch của Đức Quốc xã tấn công Liên Xô. Sau này ông cũng thu được lượng lớn dữ liệu về chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của Mỹ:

Năm 1995 hai vị tướng Nga mang “Sao Anh hùng” tới trao tặng cho một cựu biên dịch viên của hãng tin TASS kiêm điệp viên một thời của Liên Xô, khi ấy đang nằm trong bệnh viện. Hai vị tướng đó là Tổng tham mưu trưởng quân đội Nga và Cục trưởng Tình báo Quân sự Nga.

Điệp viên huyền thoại Yan Chernyak thức giấc, đón nhận danh hiệu cao quý vào hạng nhất của Nga và thều thào: “May là tôi vẫn được tặng thưởng, chứ không phải là truy tặng sau này”.


Điệp viên Liên Xô, Chernyak. (Ảnh tư liệu)

Điệp viên Liên Xô, Chernyak. (Ảnh tư liệu)

10 ngày sau, người đàn ông đó qua đời. Ông chính là người chịu trách nhiệm cung cấp cho ban lãnh đạo Liên Xô các kế hoạch của trùm phát xít Hitler tấn công Liên Xô năm 1941 và tấn công khu vực Kursk (Liên Xô) vào năm 1943, cũng như lập ra một trong những mạng lưới trinh sát xuất sắc nhất trong lịch sử.

Giỏi ngoại ngữ

Không người bình thường nào biết gì về hoạt động đặc biệt của Chernyak cho đến khi ông mất vào tháng 2/1995.

Ông sinh năm 1909 ở Bắc Bukovina, khi đó nằm trong Đế chế Áo-Hung.

Cha ông – một thương lái nghèo người Do Thái, và mẹ ông – một người nội trợ tộc người Magyar (thuộc Hungary), đều đã qua đời trong Thế chiến thứ 1. Cậu bé Chernyak lớn lên trong trại trẻ mồ côi.

Chernyak có tài bẩm sinh về ngôn ngữ. Mới 16 tuổi, cậu đã nói được 6 thứ tiếng là tiếng Đức (tiếng mẹ đẻ), tiếng Yiddish, Hungary, Romania, Séc và Slovak.

Tốt nghiệp phổ thông với thành tích xuất sắc, cậu đi học ở trường Kỹ thuật Praha và ra trường vào năm 1931. Tại đây cậu tự học tiếng Pháp và tiếng Anh và trở thành một kỹ sư điện tử. Bắt đầu từ đây, lý lịch của Chernyak trở nên bí hiểm.

Theo phần lý lịch tự khai của Chernayak – hiện vẫn được lưu trong phòng nhân sự của hãng tin TASS (nơi ông làm biên dịch viên từ năm 1950 tới khi nghỉ hưu vào năm 1969), sau khi tốt nghiệp trường Kỹ thuật Praha, ông bắt đầu làm tại nhà máy điện cơ địa phương.

Tuy nhiên các bài tiểu luận về nhân vật này xuất bản ở Nga và nước ngoài khẳng định rằng ông đã đi học ở Đại học Bách khoa Berlin. Tại trường này ông đã được mạng lưới tình báo Liên Xô tiếp cận và tuyển dụng. Sau đó ông phục vụ trong Lục quân Romania, tại đó ông bắt đầu gửi thông tin mật về Moscow. Tiếp đó ông trở lại Đức và xây dựng mạng lưới điệp báo tên là Krona.

Hoạt động của lưới tình báo Krona

Mạng lưới điệp viên này bao gồm một chủ nhà băng, một thư ký bộ trưởng, một trưởng phòng nghiên cứu của một công ty chế tạo máy bay, con gái giám đốc một công ty chế tạo xe tăng, và các quan chức quân sự cấp cao. Trong số các điệp viên này có một số nhân vật giờ đã được công chúng biết đến, gồm các nữ diễn viên mà Hitler yêu thích là Marika Rökk và Olga Chekhova.

Các chỉ điểm trong mạng lưới của Chernyak đã thu được một bản sao kế hoạch tác chiến Barbarossa của Đức vào năm 1941, và bản tác chiến của Đức ở Kursk vào năm 1943.

Năm 1941 Moscow không đánh giá cao các tài liệu độc mà Chernyak gửi về - đây là một trong các nguyên nhân chính khiến Liên Xô bị bất ngờ khi Đức tấn công. Năm 1943 các báo cáo dài nhiều trang của ông đã giúp Liên Xô đánh bại quân Đức Quốc xã ở gần Belgorod và Kursk, cũng như phản công lật ngược tình thế ở Mặt trận Phía Đông.

Bên cạnh đó, Chernyak còn cung cấp cho Liên Xô các thông tin kỹ thuật có giá trị về các xe tăng Tiger và Panther của Đức, các loại pháo, rocket, hỏa tiễn FAU-1 và FAU-2, các phát triển mới về vũ khí hóa học, và hệ thống điện tử.

Các cựu binh trong Cục Quân báo Nga cho biết mạng lưới trinh sát của Chernyak là một trong các mạng lưới cừ khôi nhất trong lịch sử. Cụm này chưa gặp lấy một thất bại riêng lẻ nào trong quá trình mười năm rưỡi hoạt động ở nước ngoài.

Chernyak cũng đóng góp đáng kể vào hoạt động chế tạo vũ khí hạt nhân của Liên Xô. Ông đã thu thập được nhiều thông tin tình báo về bước phát triển hạt nhân ở Anh. Sau đó theo lệnh của cấp trên, ông được đưa sang Canada và Mỹ. Trong thời gian công tác ở địa bàn này, Chernyak gửi về Liên Xô hàng ngàn tờ tài liệu về vũ khí hạt nhân của Mỹ; ông thậm chí còn gửi về vài milligram Uranium-235 được dùng để chế tạo bom nguyên tử .

Không để lại bất cứ dấu vết nào

Điều thú vị là Đức Quốc xã đủ khả năng phát hiện và bắt giữ tất cả các thành viên của lưới tình báo Chapel Đỏ (theo cách gọi của Gestapo- mật vụ Đức), cũng như trừ khử được các điệp viên trong một lưới tình báo Liên Xô khác mà chúng gọi là Troika Đỏ. Thế nhưng chúng không thể phát hiện nổi các chỉ điểm trong lưới tình báo Krona.

Mật vụ phát xít Đức cũng bất lực trong việc nhận diện người đứng đầu mạng lưới tình báo Krona là Yan Chernyak – người mà chúng gọi là “gã đàn ông không có bóng”. Chernyak không để lại dấu vết ở bất cứ nơi đâu. Ông thậm chí không bao giờ ngủ 2 lần ở một chỗ, theo như miêu tả của tình báo Đức. Ông thường xuyên di chuyển khắp châu Âu và chỉ liên lạc với các điệp viên của mình khi nào ông nhận thấy tín hiệu về sự cần thiết phải gặp gỡ.

Có lẽ Chernyak sẽ còn tiếp tục hoạt động ở nước ngoài nếu như không xảy ra chuyện một nhân viên mã thám (biết một vài điều về ông) đã bỏ chạy khỏi phái đoàn ngoại giao của Liên Xô ở Ottawa. Sau đó Chernyak được bí mật đưa về Liên Xô một cách nhanh chóng.

Yan Chernyak trở thành công dân Liên Xô vào tháng 5/1946. Đó cũng là lúc ông bắt đầu học tiếng Nga. Cuốn tự truyện của ông, hiện vẫn được lưu trong bộ phận nhân sự của TASS, đã được viết mà không có một lỗi ngữ pháp nào.

Không ai, kể cả hãng tin TASS và người vợ của ông thực sự biết ông là ai và những đóng góp của ông đối với chiến thắng của Liên Xô trước quân chiếm đóng phát xít Đức, cũng như đối với việc Liên Xô chế tạo được vũ khí hạt nhân. Chỉ sau khi ông được thưởng “Sao Anh hùng nước Nga” thì bí mật về cuộc đời của ông mới dần được hé lộ./.

Theo Trung Hiếu/VOV.VN (Dịch từ RBTH.com)