1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Cơn gió nào "quật ngã" Thủ tướng Nhật Hatoyama?

(Dân trí) - Người dân Nhật Bản chưa quên ngày 31/8/2009, ngày Đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) chấm dứt 54 năm cầm quyền hầu như liên tục của Đảng Dân chủ Tự do (LDP), vì họ kỳ vọng Chủ tịch DPJ Yukio Hatoyama - tân Thủ tướng sẽ mang đến một luồng gió hoàn toàn tươi mới.

Và quả thật, Hatoyama và đảng DPJ của ông - đảng đối lập đầu tiên lên cầm quyền ở Nhật Bản kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ II, đã làm được không ít điều mới. Nhưng đúng 8 tháng sau đó, Thủ tướng Nhật Bản chính thức tuyên bố từ chức và đảng Dân chủ Tự do (LDP) lập tức lên tiếng kêu gọi giải tán Hạ viện, tổ chức tổng tuyển cử trước thời hạn. Ngọn nguồn sự việc do đâu?
 
Cơn gió nào "quật ngã" Thủ tướng Nhật Hatoyama? - 1


Ông Yukio Hatoyama khi nhậm chức tháng 8/2009...
 
Cơn gió nào "quật ngã" Thủ tướng Nhật Hatoyama? - 2
 
... và sau khi tuyên bố từ chức ngày 2/6/2010.

Những tuyên bố đầu tiên và kết quả

Khi nhậm chức, ông Yukio Hatoyama đang ở tuổi 62. Ông sinh ra trong một gia đình giàu có cả về của cải lẫn truyền thống hoạt động chính trị: Ông nội Ichiro Hatoyama là Thủ tướng Nhật Bản trong giai đoạn 1954-1956 và là một trong những người sáng lập ra LDP; Cha của ông là Iichiro, Ngoại trưởng Nhật Bản trong những năm 1970; Em trai là Kunio cũng từng nắm giữ nhiều chức vụ Bộ trưởng trong Chính phủ của Thủ tướng Taro Aso. Dòng họ nhà Hatoyama cũng đã sáng lập nên hãng sản xuất lốp xe lớn nhất thế giới Bridgestone.

Ông đã tái đắc cử 7 lần trong cương vị Hạ viện trong Chính phủ của LDP và nắm ghế Hạ viện tại Hokkaido. Năm 1993, ông rời khỏi LDP cầm quyền và gia nhập phe đối lập để hình thành lên một chính phủ liên minh gồm 8 đảng theo đường lối cải cách. Ông đã hai lần giữ chức chủ tịch DPJ (1999-2001và từ tháng 5/2009).

Trong bối cảnh nền kinh tế Nhật Bản đang gặp nhiều khó khăn, DPJ và ông Hatoyama đã nhận được sự ủng hộ của đa số người dân, nhất là giới trẻ ở cả những nơi vốn là thành trì vững chắc của LDP. Nhưng chính nỗi mong mỏi thay đổi từ người dân Nhật Bản lại là áp lực đầu tiên với ông Hatoyama.

Tân Thủ tướng tiếp nhận từ chính phủ cũ gánh nặng lớn nhất là nền kinh tế vẫn chưa thoát khỏi khủng hoảng, tiếp đó là tình trạng thất nghiệp, lão hóa dân số, vấn đề lương hưu, chuyển nền kinh tế từ chỗ phụ thuộc vào xuất khẩu sang nền kinh tế dựa vào nhu cầu trong nước... Ông đã đưa ra hàng loạt cam kết nhằm giải quyết những vấn đề khó khăn của đất nước.
 
Quý II-2009 kinh tế Nhật Bản đã tăng trưởng lần đầu tiên sau 5 quý. Đầu tháng 12/2009, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định công bố gói kích thích kinh tế mới trị giá 7.200 tỉ yên (81 tỉ USD), nhằm phục hồi nền kinh tế, thực thi các cam kết của Thủ tướng Hatoyama với cử tri.

Sự thay đổi lớn nhất trong chính sách đối ngoại của chính phủ mới là quan điểm rõ ràng coi trọng quan hệ láng giềng với các nước trong cùng khu vực châu Á, trong khi chủ trương xây dựng quan hệ bình đẳng hơn với Mỹ - đồng minh then chốt của Nhật Bản (quan điểm này khác so với lập trường của LDP luôn coi quan hệ đồng minh Nhật - Mỹ là trụ cột trong chính sách ngoại giao của Nhật Bản). Nhật Bản liên tục góp mặt tại các diễn đàn cấp cao quốc tế và khu vực, thể hiện được vị thế trong giải quyết các vấn đề toàn cầu và khu vực.

Hai quyết định “gây ấn tượng” của chính phủ Hatoyama là ra lệnh chấm dứt sứ mệnh tiếp nhiên liệu tại Ấn Độ Dương, vốn được thực hiện từ năm 2001, nhằm hỗ trợ các chiến dịch chống khủng bố bên trong và xung quanh Afghanistan (vào tháng 1/2009) và xác nhận sự tồn tại của ba hiệp ước bí mật giữa Nhật Bản và Mỹ được ký trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh (tháng 3/2010).

Những thách thức không thể vượt qua?

Mặc dù gặt hái được không ít thành quả qua một loạt nỗ lực dồn dập trong các vấn đề đối nội, đối ngoại và kinh tế, nhưng tình trạng thâm hụt ngân sách, vụ bê bối về tài chính đóng góp cho chiến dịch tranh cử, những cam kết bị đổ vỡ và đặc biệt là quyết định “nuốt lời hứa” về số phận căn cứ không quân Futenma với Mỹ, dường như đã khiến Thủ tướng Hatoyama kiệt sức.

Thủ tướng Hatoyama cũng đã thất bại trong việc duy trì sự thống nhất trong liên minh cầm quyền với đảng Xã hội Nhật Bản (SDP) và Đảng Quốc dân mới (PNP). Gần đây, SDP tăng cường phản đối chính sách của Chính phủ về các vấn đề an ninh quốc gia, trong khi PNP yêu cầu thực hiện các biện pháp kích thích kinh tế mạnh mẽ hơn.

Nhưng trong các cuộc thăm dò mới nhất, nhiều ý kiến cho rằng nguyên nhân chính dẫn đến thất bại của Thủ tướng Hatoyama là do ông không thể biến những cam kết của mình thành hiện thực. Hơn nữa, cử tri Nhật Bản phàn nàn rằng, Chính phủ của Thủ tướng Hatoyama thiếu quyết đoán và chưa có kinh nghiệm lãnh đạo đất nước, sau 54 năm LDP cầm quyền hầu như liên tục.

Vấn đề Futenma là giọt nước cuối cùng. Thủ tướng đã “nuốt” lời hứa lúc tranh cử là sẽ buộc Mỹ phải di chuyển căn cứ không quân Futenma ra khỏi Okinawa, thậm chí ra khỏi Nhật Bản. Với thỏa thuận ngày 28/5 khẳng định căn cứ Futenma sẽ tiếp tục tồn tại trên đảo Okinawa, Thủ tướng Hatoyama đã đánh đổi sự hài lòng của đồng minh Mỹ với tan vỡ trong liên minh cầm quyền và uy tín của đảng DPJ bị sụt giảm nghiêm trọng. Ngày 30/5, một đảng đã quyết định rời bỏ liên minh cầm quyền. Ngày 31/5, kết quả thăm dò của tờ Asahi cho thấy tỷ lệ ủng hộ nội các của ông Hatoyama đã giảm xuống còn 17% - mức thấp nhất trong 9 tháng qua (vào thời điểm lên nắm quyền ngày 16/9/2009, tỷ lệ này là hơn 70%).

Ngày 2/6, Thủ tướng chính thức tuyên bố từ chức. Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Hirofumi Hirano gọi quyết định của ông Hatoyama là “rất đáng thất vọng”. Có tin giới chức điều hành DPJ sẽ đồng loạt từ chức. DPJ đang đối mặt với thách thức lớn hiển hiện nếu muốn tiếp tục duy trì thế đa số trong cuộc bầu cử thượng viện sẽ diễn ra vào ngày 11/7/2010 tới.

Nguyễn Viết